Hồn sông

Đang ngồi tâm sự với My, cô bạn gái thân nhất học cùng lớp với tôi thì ông trưởng ban ký túc xá réo tôi có điện thoại. Tôi ba chân bốn cẳng chạy tới phòng trực. Vừa chạy tôi vừa mừng thầm: Chắc điện của mẹ. Hồi hộp áp ống nghe vào tai, tôi “a lô” hỏi người phía đầu dây. Giọng đàn ông ồm ồm cất lên: “Phải Tú không?”. “Vâng, phải ạ!”. Tôi chưa kịp nhận ra giọng của ai vội hấp tấp trả lời. Tiếng người đầu dây tiếp tục: “Con về ngay, thầy Giang mất”. Tôi giật thót mình nhận ra giọng của bố. Chưa kịp hỏi lại thì bố tôi đã bỏ máy. Tôi trân trân nhìn vào cái tổ hợp, không tin những điều vừa nghe thấy. Chẳng làm cách nào để gọi lại được vì nhà tôi đâu có máy điện thoại. Cú điện vừa rồi chắc bố tôi phải lên tận bưu điện huyện để gọi. Cứ đứng nguyên như thế, gương mặt tôi thất thần. Tiếng “tút, tút” từ chiếc tổ hợp vang lên. Bác bảo vệ nhắc: “Không nghe nữa thì đặt máy xuống. Có chuyện gì mà đứng đực ra thế?”. Bấy giờ tôi mới sực tỉnh bỏ máy chạy về phòng.


Thấy tôi, My sốt sắng hỏi ngay: “Điện gì thế Tú?”. Tôi ngắc ngứ: “Thầy thầy giáo Giang mất rồi!”. My tròn mắt: “Ai? Thầy Giang mất rồi á?”. Tôi gật đầu và ngồi rũ xuống. Không gian lặng phắc. Mãi sau, My mới nói: “Phải xin phép nhà trường về ngay thôi Tú ạ. Nhanh lên, kẻo không kịp đưa thầy”. Tôi sực tỉnh làm theo ý My. Mặc dù chưa một lần được gặp thầy Giang, chưa một lần đến thăm quê tôi nhưng ấn tượng về người thầy trên sông nước làng chài qua những câu chuyện kể của tôi đã làm My xúc động. Kể cũng lạ, một cô gái thành phố, xung quanh biết bao chàng trai tỉnh, thành theo đuổi, My không yêu mà lại yêu tôi, một chàng trai sông nước quê mãi tận tít tắp mù xa. Làng tôi không có lũy tre xanh, không có cây đa mái đình như trong ca dao, trong các câu chuyện cổ mà chỉ có bến nước con đò lênh đênh cùng năm tháng. Hơn hai chục “nhà thuyền” tụ bám lấy nhau, nay ở đoạn sông này, mai đậu khúc sông khác. Thuở xa xưa, làng tôi cũng ở trên bờ như bao làng khác nhưng rồi địa chủ, cường hào cướp nhà, cướp đất dồn ép cha ông tôi. Cùng đường, không một tấc đất cắm dùi họ phải xuống sông. Nhưng nào đã yên, nay chúng đuổi, mai chúng xua, làng tôi cứ thế phiêu dạt cùng con nước. Sinh ra trên sông, mấy tháng tuổi chúng tôi đã ngụp lặn cùng sông. Nước sông ngấm vào thớ thịt từng người. Dòng Lô trong xanh là hồn vía của làng tôi.

Minh họa: Trần Thắng


Khi lớn lên, tôi đã thừa hưởng tất cả những gì thuộc về sông nước. Chín, mười tuổi đầu vẫn tồng ngồng bơi lội. Mặc dù đã được chính quyền cấp đất và bố mẹ tôi cũng đã làm nhà trên bờ nhưng tôi vẫn thích ở “nhà thuyền” hơn. Do đoạn sông tôi ở thuộc một xã heo hút của huyện nên trường học chưa có. Đến trường học đối với lũ trẻ làng chài chúng tôi là chuyện không tưởng. Và thực tình hồi đó tôi cũng chẳng có khái niệm gì về chuyện này. Suốt ngày đùa giãy ngụp lặn với nhau hoặc theo bố mẹ lênh đênh trên sông chài lưới.


Tôi còn nhớ vào một đêm trăng, khi cả nhà tôi đang ngồi quây quần trên “sân thuyền” ngắm trăng thì ông Giang bơi thuyền đến. Hơn sáu mươi tuổi nhưng nom ông phong độ lắm. Quăng chài, kéo lưới, bơi, lặn khối người ở làng chài tôi chưa theo kịp ông. Bố tôi và nhiều người làng chài đều gọi ông là thầy. Tôi cũng không hiểu lắm vì sao họ lại gọi như vậy.


Sau khi buộc chắc con thuyền thúng vào mạn “nhà thuyền”, ông Giang nhảy sang với gia đình chúng tôi. Ông xoa đầu tôi: “Thằng Tú lớn tướng rồi nhỉ?”. Bố tôi rót nước mời ông. Hai người bắt đầu câu chuyện sông nước. Được cái bố tôi rất giỏi về sông nước nên hợp với ông. Tôi thì chỉ ngóng ông để nghe chuyện cổ tích. Nhấp chén trà nóng, ông Giang nhìn những tia chớp đang nhay nháy ở phía xa, thủng thẳng nói: “Chớp thấp sát tận chân trời, bò trườn từng khúc cuộn lên thế kia là chớp trê đó. Chớp ấy thì lũ còn xa lắm, phải dăm hôm nữa nước mới về. Khi nào chớp nhảy nhằng nhịt linh tinh thì liệu chuẩn bị mà vớt củi, bắt cá. Cái thằng chớp cóc ấy nghiệm lắm, bố Tú ạ”. Bố tôi tiếp chuyện: “Con cũng vừa mới sửa lại vàng câu, vá lại tấm lưới rách để đón cá đầu vụ. Chắc mùa lũ năm nay cá sẽ nhiều”. Ông Giang ngồi trầm ngâm. Dáng ông như tượng dưới trăng. Chợt, ông chuyển đề tài: “Này bố cu, cá mú gì thì cá mú, anh phải cho thằng Tú nó đi học đấy. Ai lại chín mười tuổi đầu rồi mà vẫn chưa biết chữ thì sau này làm cái gì?”. Cả bố mẹ tôi cùng ngỡ ngàng: “Thầy bảo con cho cháu đi học ở đâu cơ ạ?”. “Tôi dạy. Trường không có thì tôi dạy. Tôi sẽ tập trung trẻ con làng chài này lại dạy chữ cho chúng nó”. Ông Giang nói chắc nịch. Rồi ông hạ giọng như tâm sự: “Tuổi tôi cao rồi, còn giúp được gì cho làng thì giúp. Có điều anh chị phải cho tôi mượn nhà để cho chúng nó học. Nhà anh to nhất làng mà”. Tôi dỏng tai lên nghe. Bố tôi vồ vập: “Thế thì còn gì bằng. Ngày trước nhờ có thầy mà con biết chữ. Thực tình con cũng lo cho thằng Tú nhà con lắm. Thầy làm thế thì còn gì bằng. Nhà con trên bờ đấy, tha hồ rộng rãi để làm lớp học”. “Không. Nhà thuyền này này - Ông ngắt lời bố tôi và đập tay mạnh xuống sàn thuyền - Học ngay trên sông này cho nó thuận tiện”. Bố mẹ tôi ngẩn người. Ông Giang tiếp: “Như ngày trước anh học đấy”. “Vâng. Được thế lại càng tốt. Tha hồ vui cửa vui nhà. Phải không mẹ thằng Tú?”. Mẹ tôi cười gật đầu. Ông Giang cũng khà khà. Tiếng cười của ông loang trên mặt sông sóng sánh cùng ánh trăng.


Sau đó, họ bàn với nhau khá lâu về kế hoạch mở lớp học. Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Thế là mình sắp được đi học rồi. Ông Giang quay lại nói với tôi: “Cu Tú làm lớp trưởng nhá?”. Mẹ tôi tiếp lời: “Nó mà làm lớp trưởng? Có mà lớp trưởng bơi lặn thì có. Từ giờ phải gọi ông là thầy giáo, nghe chưa?”. Suốt đêm ấy tôi không sao chợp mắt được cố tưởng tượng về cái ngày mình “tới lớp”.


Vài ngày sau, lớp học trên sông được mở. Hôm đầu tiên mở lớp nhà tôi vui lắm. Thuyền lớn, thuyền nhỏ bâu quanh. Không chỉ lũ trẻ mà cả bố mẹ chúng tôi cũng đến để chứng kiến sự kiện này. Cả xóm chài nhộn nhịp. Hôm đó, không ai đi đánh cá cả. Thầy Giang vận bộ đồ vải đũi mới, màu trắng, trông rất lịch sự, tự tay chèo thuyền từ “nhà” mình đến “nhà” tôi. Mái tóc thầy bạc phơ bay trong gió. Lũ trẻ nhao nhao: “Chúng cháu chào ông ạ!”. Bố tôi cùng mọi người nhắc: “Phải chào thầy chứ!”. Tôi hứng khởi gào to: “Cháu chào thầy ạ!”. Tất cả cùng cười.


Thầy Giang hắng giọng mở màn: “Các em trật tự chú ý nghe tôi nói. Hôm nay chúng ta bắt đầu vào lớp học. Các em phải cố gắng học tập, không được đùa nghịch như trước nữa. Tôi sẽ dạy cho các em biết đọc, biết viết, các em đồng ý chứ?”. Tôi lại gào to: “Chúng cháu, à quên chúng em đồng ý ạ”. Mọi người lại ồ lên cười khiến những con thuyền ngả nghiêng làm cho mặt sông dậy sóng lan mãi sang tận bờ bên kia. Rồi thầy Giang kể chuyện cổ tích, chuyện về “Cái bọc trăm trứng”, về “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”. Gần chục đứa chúng tôi ngồi há hốc mồm nghe. Không ngờ thầy lại có nhiều chuyện hay đến thế. Học thế này thì nhàn quá, ai chẳng muốn học. Tôi thầm nghĩ vậy.


Hôm sau bắt đầu học chữ. Thầy Giang viết chữ o, rồi chữ a, chữ b. Chúng tôi gò lưng, uốn éo, vặn người đưa bút vẽ theo thầy. Viết rồi lại đọc. Đọc rồi lại xóa. Thầy cầm tay từng đứa hướng dẫn cách đưa bút. Đã bắt đầu thấy khó. Đứa nào đứa ấy toát mồ hôi. Khó quá. Khó hơn tập bơi nhiều. Hôm sau vắng thằng Hanh. Hôm sau nữa vắng tiếp thằng Huân, thằng Lũy. Vì học ở nhà tôi nên tôi không có cách nào trốn được. Lớp chỉ còn có mấy người nhưng thầy Giang vẫn say sưa giảng bài. Buổi chiều và buổi tối, tôi thấy thầy chèo thuyền đến các “nhà” trong xóm. Chẳng hiểu thầy đã nói gì với bố mẹ chúng nó mà dần dần lũ trẻ trong xóm lại đi học tiếp. Hôm đông đủ cả lớp, thầy ngồi giữa sạp thuyền nói với chúng tôi: “Hôm nay, ta tạm nghỉ học chữ. Thầy sẽ kể cho các em nghe câu chuyện về Thánh Gióng. Ngày xửa ngày xưa, có một đôi vợ chồng nhà nông dân nọ”.


Cứ thế thầy dắt chúng tôi vào thế giới cổ tích. Tất cả chúng tôi ngồi im lặng. Chỉ có tiếng sóng nước thỉnh thoảng vỗ vào mạn thuyền ì oạp, róc rách và giọng kể chuyện trầm ấm của thầy. “Các em biết không, dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng đã cưỡi ngựa bay về trời. Dân tộc ta tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước. Thánh Gióng đã lập công lớn với non sông. Chẳng kể đâu xa, ngay ông và cha các cháu đây cũng đã đánh tan lũ tàu Pháp ngay trên đoạn sông này đó”. Thầy Giang định ngừng lời, chúng tôi nhao nhao: “Thầy kể tiếp đi thầy”. Nhấc cặp kính ra khỏi mắt để lau, thầy tiếp tục kể về trận đánh tàu Pháp trên sông Lô thu đông năm “bốn bảy”. Thầy ân cần căn dặn: “Các em phải cố mà học để không hổ thẹn với cha ông. Phải xứng đáng là tuổi trẻ Phù Đổng trên quê hương Đất Tổ. Lớn lên các em phải tung bay khắp bốn phương trời dựng xây Tổ quốc. Không có chữ thì làm sao thực hiện được sự nghiệp đó”.


Từ đó trở đi, chúng tôi chịu khó học hơn. Chỉ mấy tháng sau đó, chúng tôi đã biết đọc, biết viết. Kỷ niệm về những ngày học thầy Giang thì nhiều lắm, không làm sao tôi quên nổi. Có lần thằng Lũy đang bơi thuyền đến thì bị sóng canô làm cho lật thuyền. Nó không kịp phản ứng gì ngã xuống sông chìm nghỉm. Thầy Giang để nguyên cả quần áo từ thuyền nhà tôi nhảy xuống cứu nó. Rồi lần tôi đi vớt củi bị con nước xoáy cuốn đi ngỡ tưởng chết. Đang lúc nguy khốn nhất thì thầy Giang cũng có mặt. Ban ngày, bố mẹ chúng tôi thường đi kiếm cá ở xa nên thầy là người vừa dạy chữ vừa trực tiếp trông nom quản lý chúng tôi. Ấy thế mà khi mọi người trả công thầy thì thầy nhất quyết không lấy của ai một xu nào. Thậm chí thầy còn mắng họ nữa. Nhà thầy nào cũng có khá giả gì. Bố tôi bảo ngày xưa thầy là cán bộ kháng chiến, sau trận thắng sông Lô năm “bốn bảy” thầy ở lại vùng này xây dựng cơ sở. Vợ thầy bị vướng thủy lôi Mỹ chết năm 1967. Thầy ở vậy nuôi hai người con trai. Sau đó hai người con của thầy cũng đi bộ đội và đều hy sinh. Thầy một mình một thuyền cùng làng chài nổi nênh theo dòng nước.


Tôi học thầy Giang khoảng dăm tháng thì trường huyện mở. Tạm biệt thầy, mấy đứa chúng tôi lên huyện học ở trường nội trú. Hôm chia tay, thầy căn dặn chúng tôi đủ điều, trong đó tôi nhớ nhất là “hãy cố gắng học cho xứng đáng tuổi trẻ Phù Đổng Đất Tổ. Thánh Gióng xưa về trời còn Thánh Gióng nay phải ở lại để xây dựng quê hương đấy nhé”. Tốt nghiệp cấp 3, tôi vào học trung cấp thủy sản với mong ước rằng sau sẽ về phục vụ quê hương làng chài thân yêu của tôi. Thế mà giờ đây thầy không còn nữa! Sao thầy vội vã ra đi thế thầy ơi?


Về đến đầu làng chài tôi nghe tiếng trống kèn rộ lên từ giữa sông. Trên đê dọc theo hai bờ sông, hai đoàn người khá đông đang lặng lẽ xuôi theo đoàn thuyền mấy chục chiếc giữa dòng. Cờ phướn tung bay trên những con thuyền đó. Không có tiếng máy nổ. Hình như họ để cho những con thuyền lặng lẽ trôi tự do. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng nhị kêu, người khóc loang ra trên sông. Trời ơi, người ta đang đưa thầy của tôi đi rồi! Tôi cuống cuồng trên bờ ngó mãi không có một con đò nào ở bến. Mấy người đợi đò cho biết: Chẳng rõ đám ma ai mà nhà đò nghỉ hết để đi đưa đám. Kìa thằng Lũy, thằng Hanh! Cả mấy đứa lớp học trên thuyền với tôi dạo nào cũng đang lóng ngóng tìm cách sang sông. Thì ra chúng nó cũng như tôi về để chịu tang thầy. Chúng tôi quyết định để nguyên cả quần áo ào xuống sông bơi về phía đoàn thuyền.


Trèo lên thuyền, chúng tôi bâu lấy chiếc quan tài nức nở. Bố mẹ tôi và mọi người lặng lẽ nhìn. Có người quay mặt đi lau nước mắt. Có người khóc to hơn. Thì ra, trước khi chết thầy dặn bố tôi: Cho thầy được chết trên sông và được yên nghỉ ngàn thu ở mom đất nơi cửa sông Chảy đối diện với tượng đài chiến thắng Sông Lô. Cả làng chài đã làm theo ý nguyện của thầy, đưa thầy lần cuối lênh đênh trên dòng nước.


Thuyền cập bến. Dân làng chài cùng với dân trên bờ xúm lại khiêng thầy vào nghĩa địa. Tôi thả nắm đất đầu tiên xuống mộ thầy. Lũ học trò năm ấy đứa nào đứa ấy đứng lặng vĩnh biệt thầy lần cuối. Thầy ơi! Chúng con những chàng trai làng chài đã về với thầy đây. Chúng con vẫn đang thực hiện ý nguyện của thầy để luôn xứng danh với sức trai Phù Đổng. Tôi bỗng nhớ da diết ngày đầu tiên học chữ của thầy. Người tôi run lên. Xin thầy hãy yên nghỉ với dòng Lô trong xanh này thầy nhé! Sóng gió sông Lô sẽ ru giấc ngủ cho thầy.


Phía bờ bên kia, bóng tượng đài chiến thắng sông Lô sừng sững giữa trời chiều như dáng Thánh Gióng đang chuẩn bị bay về trời. Và kìa, nó cũng lung linh soi bóng xuống ngã ba sông ngay bên ngôi mộ mới. Phải chăng Thánh Gióng đã ở lại để xây dựng làng chài như thầy Giang hằng mong ước? Bất chợt làn gió dưới sông thổi tới làm bó hương trên ngôi mộ thầy bùng cháy. Có phải đấy là hồn sông Lô quê tôi?



Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN