Hồn quê ngày Tết

 Kính viếng hương hồn mẹ

Tiếng còi xe dưới mặt đường cứ vang lên inh ỏi không lúc nào dứt. Không gian trở nên yên tĩnh, có chăng chỉ vào thời điểm sau mười hai giờ đêm đến ba giờ sáng. Bao giờ cũng vậy mẹ tôi cũng thức rất khuya ngồi thẫn thờ trên lan can lầu hai nhà tôi nhìn xuống thị xã đang rực rỡ ánh đèn đêm. Những đêm mưa bão thì mẹ choàng lên người một chiếc áo lạnh bằng len cũ kỹ màu xám tro. Có lần mẹ nói vui:


- Cái áo nầy lớn tuổi hơn con đó, mẹ mặc nó trên ba mươi năm rồi.


- Sao mẹ không thay cái khác? Nếu mẹ đồng ý thì ngày mai con mua cho mẹ, hàng bây giờ rẻ và nhiều loại đẹp lắm, nhất là hàng Thái và Hàn Quốc.


Ánh mắt mẹ tôi bỗng buồn rười rượi pha lẫn một chút gì đó vừa trách móc vừa dỗi hờn và người cứ lặng im, đăm chiêu nhìn về phía trời xa.


- Thôi con xin lỗi mẹ, mẹ không muốn thì thôi vậy.

Minh họa: Trần Thắng.


Mẹ âu yếm kéo tôi vào lòng, đôi bàn tay nhăn nhúm nổi lên nhiều cọng gân xanh đang nhảy bần bật, rồi lùa vào mái tóc tôi như thuở còn thơ. Mẹ cười hiền và nhỏ nhẹ:


- Mẹ đã quen rồi, sắm thêm làm gì cho tốn kém, áo vẫn còn mặc ấm lắm con ạ.


Cách đây ba tháng, thấy mẹ cực khổ ở quê, vợ chồng tôi năn nỉ mãi mẹ mới chịu về thị xã sống với con cháu. Ba tôi mất đã hai mươi năm, mình mẹ sống thui thủi một mình ở quê nghèo Phú Hữu ven sông Hậu quanh năm sóng vỗ. Năm anh em tôi ai cũng ở xa, thuyết phục mãi nhưng mẹ vẫn khăng khăng từ chối ở chung. Lâu lâu mẹ lại đón xe đi thăm từng đứa con với vài đòn bánh tét, vài chục bánh ít nước tro kèm theo mấy nải chuối sáp cho lũ nhỏ, mẹ nói:


- Tui bây ở thành riết rồi có biết ăn chuối sáp nấu canh gì đâu, cây chuối là hồn quê của ba, của mẹ, của các con đó.


Và cứ mỗi lần mẹ thăm là chúng tôi lại có dịp ăn món canh chuối “độc đáo” dân dã chân quê này. Có lần thằng con trai của tôi lên bảy tuổi đổ nguyên tô canh vào sọt rác. Nó bĩu môi:


- Nội ơi chuối gì mà ăn không vô, mai mốt nội lên đừng đem nữa. Ở đây thiếu gì đồ ăn Trung Quốc, Thái Lan, ngon lắm.


Tôi giật thót người, định bụm miệng nó lại nhưng không kịp nữa. Tôi thấy đôi mắt của mẹ thật buồn thăm thẳm. Những giọt nước mắt như đang chực chờ lăn xuống khuôn mặt già nua đầy vết nhăn đồi mồi. Mẹ lặng im giây lát như cố kiềm chế cơn xúc động đang dâng trong lòng, rồi lơ đãng ngồi xuống chiếc ghế như người vô hồn.


- Đừng la nó, nó còn nhỏ có biết gì đâu nghĩ sao nói vậy. Thôi mai mốt tao không đem chuối sáp lên đây nữa đâu.


Đêm đó, mẹ tôi không ngủ, cứ thơ thẩn đi ra đi vào rồi ngồi trước lan can nhà tôi trầm ngâm suy nghĩ. Bão số sáu đang tràn về khắp thị xã. Gió thổi phần phật kèm theo tiếng rú rít hù hù, hàng cây sao bên đường chao qua chao lại để chống chọi cơn giận dữ của bão giông. Mẹ vẫn ngồi đó lặng im như pho tượng. Chiếc áo ấm xam xám nhập nhòe trong màn đêm. Có lẽ mẹ đang nhớ về quê. Ở đó quanh năm dịu mát, những cơn sóng trắng xóa cứ đập vào bờ như đang kể chuyện, như chở che cho những giồng cát phù sa. Nghe kể hồi xưa có rất nhiều người tới đây lập nghiệp nhưng không mấy người bám trụ được. Trong chiến tranh nơi đây mang tên “ tọa độ trắng ” bị bom đạn giặc cày đi xới lại băm nát ruộng vườn. Phú Hữu vốn nổi tiếng với bưởi Năm Roi, vậy mà khi cuộc chiến qua đi hàng chục năm vẫn chưa khôi phục hết những thửa vườn bưởi bị tàn phá. Mẹ thường nói gió ở quê tôi thật mát dịu, thật ngọt lành chân chất. Lúc nhỏ tui tôi thường dầm mưa lội cặp theo sông cái để bắt cua, bắt ốc nấu bún riêu và cũng để ngắm sông Hậu trắng xóa trong mưa. Chúng tôi cứ tụm năm tụm bảy để đá banh trên những cánh đồng nứt nẻ vì khô hạn. Những trái banh bằng dây ni lông cứ lăn ì ạch. Chán chê rồi thì nằm dài trên cỏ nhìn đất nhìn trời xuyên qua những vệt sáng dài dọi xuống mặt đất, hay thách nhau bơi đua trong cái nắng hầm hập.


Lần này lên ở với chúng tôi, mẹ cũng không mấy vui. Lúc nào cũng đau đáu nhớ quê. Buổi sáng cứ nhất định ăn cơm nguội hấp lại với món “kho quẹt”, và nằng nặc tắm nước lạnh và gội đầu bằng trái bồ kết mẹ mang từ quê ra. Nhớ cái ngày ra đón mẹ ở bến xe, vợ chồng tôi phải giật mình với bao nhiêu dụng cụ mẹ mang theo. Nào là thúng tre, chổi tàu cau, cây đòn gánh và cả quang gióng.


- Mẹ ơi mẹ mang thứ này lên đây làm chi cho chật nhà, có xài gì đâu. Dung - vợ tôi - có vẻ khó chịu, cau có trách móc.


- Có gì đâu, mẹ xếp gọn gàng thôi. Những thứ này theo mẹ mấy mươi năm trời rồi vắng nó thấy buồn lắm.


Thấy nét mặt giận dữ của tôi, Dung nín bặt rồi ngoe nguẩy bước đi vội vã. Một thoáng ưu tư xuất hiện trên khuôn mặt mẹ, nhưng có lẽ sợ tôi buồn nên mẹ làm ra vẻ vui mừng. Về đến nhà, mẹ lặng lẽ xếp những vật dụng dưới quê mang lên ra đặt phía trong gầm cầu thang sang trọng của nhà tôi. Tôi nhớ như in cách đây gần hai mươi năm khi ba tôi mất, cũng gióng gánh đó mỗi ngày kẽo kẹt trên vai mẹ đi bán sương sâm sương sa hột lựu để nuôi mấy anh em tôi ăn học. Có khi tối mịt mẹ tôi mới về đến nhà. Đôi chân trần đã lội không biết bao nhiêu cây số đường dài đến nỗi chai sần lên thành từng lớp. Chị hai tôi thường lấy lưỡi lam gọt đi những lớp vảy chai sần, vừa gọt mà hai mẹ con nước mắt rơi tầm tã. Ngày nào đi bán về mẹ cũng mua cho các con khi thì vài trái bắp luộc, lúc thì một mớ khoai lang, khoai mì. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của chúng tôi bên mẹ, nghèo nhưng thật ấm cúng.


Mỗi tối năm anh em tôi và mẹ ngủ chung một chiếc mùng to tướng vá víu rất nhiều chỗ đến nỗi chúng tôi gọi đùa là cáí mùng “Cái bang”. Mẹ cẩn thận mắc mùng cứ lo sợ muỗi vào làm chúng tôi thức giấc. Hôm nào có đứa bệnh là mẹ nằm cạnh bên nhúng khăn nóng lau trán suốt đêm, có khi mệt mỏi quá mẹ ngủ lúc nào không biết. Có lúc tôi tự nghĩ sao đời mẹ vất vả gian nan quá và hình như mẹ sinh ra đời để chịu đựng và lo toan cho chồng con không phút giây nào ngơi nghỉ. Những đêm thức khuya để vò sương sâm kịp phiên chợ sớm mai, chúng tôi được mẹ kể rất nhiều câu chuyện tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Đặc biệt là những chuyện về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà, tình thủy chung vợ chồng, đạo làm người. Mẹ kể rất hay dù chưa hề được đi học ngày nào. Có lẽ những chuyện cổ tích ấy do ngoại tôi kể miệng đã in sâu vào tâm trí mẹ.


Có lần đi làm về sớm tôi thấy mẹ soạn gióng gánh ra rồi cẩn thận lau chúng bằng chiếc khăn sạch. Mẹ trân trọng nâng niu chúng như một bảo vật thiêng liêng lắm. Mắt mẹ cứ rưng rức nỗi buồn tiếc nuối một thời đã qua. Hình như hồn quê tôi cứ phảng phất đâu đây, vẫn nghe rì rào trong gió mùi hơi thở vùng quê Phú Hữu, có tiếng chim rì rào trong nắng gió, có tiếng ầm ập của con sông rộng, có mùi chan chát mằn mặn của chuối sáp quê hương.


Sáng qua khi thức giấc, tôi đã thấy mẹ thu xếp quần áo cho vào chiếc giỏ đệm cũ kỹ. Cạnh đó là cây đòn gánh và hai cái gióng, chiếc chổi tàu cau được buộc cẩn thận gọn gàng. Mẹ ôn tồn nói:


- Các con đừng buồn và trách mẹ. Mẹ nhớ nhà nhớ quê quá chịu không nổi, nhất là Tết tới rồi, vả lại còn phải về lo hương khói cho ba bây, để ông lạnh lẽo tội nghiệp. Mai mốt rảnh rỗi mẹ lên thăm.


- Bộ mẹ giận vợ chồng con sao ?


- Đâu có, các con tốt với mẹ lắm, tại mẹ không quen ở thành phố, nó ngột ngạt làm sao. Thôi đừng buồn.


Tôi đưa mẹ ra bến xe thị xã. Qua khung của sổ nho nhỏ của chuyến xe đò cũ kỹ, tôi thấy mắt mẹ thật buồn, trầm tư nghĩ ngợi. Mái tóc bạc phơ lòa xòa trên vầng trán nhăn nheo cứ bay bay trong gió xuân lành lạnh. Mẹ cố gượng cười nhưng trong nụ cười đó tôi thấy có gì như giận dỗi như trách hờn nhưng cũng đầy sự tha thứ cảm thông. Linh tính mách bảo cho tôi một điều mẹ sẽ không còn đến với vợ chồng tôi nữa, những đứa con đang mất dần hồn quê, đang thờ ơ và bỏ quên quá khứ.
Mẹ tôi đã về với hồn quê ngày Tết.


Tam Anh

Truyện ngắn 9 cây bút nữ: Những nỗi ám ảnh đàn bà
Truyện ngắn 9 cây bút nữ: Những nỗi ám ảnh đàn bà

Họ là những cây viết sắc sảo trên văn đàn và đã trở nên quen thuộc với không ít độc giả. Từ Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban đến Di Li, Nguyễn Ngọc Tư,…

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN