Thảo lần lữa không đứng lên, cứ ngồi bên cửa sổ nhìn những mảng sáng bạc đổ tràn qua những cành thông chiếu sáng xuống thảm cỏ trong khu vườn ở ngoại ô thành phố Santa Cruz (Đức), thành phố biển đẹp nhất vùng, cách Hà Nội hơn mười vạn dặm.
Hôm nay ở Việt Nam đang là rằm tháng Tám. Thảo nhớ Hà Nội da diết, cô ước có một đôi cánh để ngay lúc này có mặt ở nhà.
Tiếng Eric khẽ khàng ở đâu đó: “Ngủ thôi em, ngày mai chúng ta còn phải tiếp tục trên bục giảng”. Bàn tay của anh đặt nhẹ trên vai Thảo. Cô kéo anh ngồi xuống, chỉ cho anh xem ánh trăng đang trải xuống như bạc trên mặt vườn.
Cô nói với anh, không có cốm, bánh dẻo, bánh nướng như đêm trăng ngày nào cô mời anh ở nhà cô tại Hà Nội, ăn sôcôla thì cô không muốn, nên cô muốn dành toàn bộ tâm tưởng cho hoài niệm.
Ngày mai cô được nghỉ, cô muốn thức khuya với ánh trăng đêm nay. Eric vui vẻ hôn cô rồi quay trở về phòng, để lại cô với mùa thu xưa của riêng mình.
Tiếng dương cầm thánh thót nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm vào không gian vắng lặng. Thảo bỗng thấy mình không biết rời sân bay Kenedy từ lúc nào mà đã trở về bên phố Hàng Đào.
Hàng Đào của Thảo, cách bây giờ chừng vài chục năm về trước, cái ngày Thảo mới lên 9 tuổi ngày ngày tàu điện leng keng sớm khuya. Thảo đưa mắt lên ban thờ, nơi mẹ đã bày đủ bánh dẻo, bánh nướng, hồng, na, bưởi. Ở cái phố cổ chật chội này, hương mùa thu chỉ dập dìu khi đêm đã về khuya và bắt đầu từ mâm cỗ trông trăng
Thảo xòe diêm châm ba nén hương, cô thì thầm với những tấm ảnh mờ ảo trên ban thờ. Cô có cảm giác vong linh tổ tiên đang hiện về trong làn hương dìu dịu. Thiêng liêng quá đỗi. Giây phút này chỉ ở đây, trong gian nhà này, ở khu phố này mới có.
Thảo đã xa nhà năm mùa trăng. Trung thu năm nào Thảo cũng cố gắng kiếm tìm cái giây phút ấy cho mình bên cửa sổ ngôi nhà ở ngoại ô Santa Cuz mà không tìm ra được.
*
* *
Em gái và chị gái đã bước vào. Em gái cầm một bó hoa cúc, chị gái cầm mấy bông hoa hồng. Thảo rưng rưng nước mắt khi thấy họ ăn mặc rất giản dị. Thảo bỗng nhớ ra, vừa mới thống nhất đất nước được dăm năm.
Cái áo sơ mi pha nilông mà chị và em mặc kia hẳn là mua bằng tem phiếu. Thế thì kiếm ở đâu ra những bông hoa tuyệt đẹp này. “Cô phải biết là chúng tôi nhớ cô ghê lắm nhé. Bỏ cả buổi chiều để đi tìm mua quà Trung thu cho cô đây.
Còn hoa thì Hà Nội không bao giờ thiếu. Nhưng thôi, nhanh nhanh lên, tàu sắp quay đầu chuyến mới đấy”, chị Hiền giục Thảo trong lúc cô còn đang hít hà mùi hương hoa hồng ôm trên tay.
*
* *
Ba chị em ríu rít dắt nhau ra Bờ Hồ, nơi các con tàu từ Mơ lên, Hàng Cỏ vào, Bưởi xuống để quay đầu đi chuyến mới. “Mình đi tàu tuyến Bờ Hồ - Bưởi, lên đến Quán Thánh thì xuống. Đến đó gọi xích lô để đi, cô đi giày cao gót thế này không đi bộ được.
Chúng ta sẽ lên đê Yên Phụ, lên đấy mới ngắm trăng được”. Tiếng leng keng giục giã của tàu điện khiến Thảo nhớ đến những lần đi tàu cùng Eric ở San Francisco, 5 đô/vé, xếp hàng rồng rắn mãi mới tới lượt. Tấm vé bằng bìa các tông in hình chiếc tàu điện của 100 năm trước. Ở đây vé 5 xu, tấm vé mỏng manh.
Thảo bước lên tàu, tìm cái tay vịn nhưng không có, cô cùng chị Hiền và em Lan ngồi xuống hàng ghế kê dọc thân tàu. Đến ga Đồng Xuân thì có thêm khách, họ nhanh chóng đặt mấy đôi quang gánh chất đầy hoa quả vào khoảng trống giữa hai hàng ghế. “Chuyến cuối cùng của chúng tôi đấy. Giờ này có nhà mới bắt đầu mua sắm Trung thu”.
Thảo rất xúc động, chỉ có ở đây người ta mới nói chuyện cởi mở với nhau thế này. Thảo mua mở hàng cho mỗi bà một ít. “Cám ơn cô nhé, thế này thì may mắn cho chúng tôi lắm đây”.
Lên đến đê Yên Phụ, một vùng mênh mông bát ngát. Ba chị em chọn một chỗ cỏ mượt rồi ngồi xuống, trải giấy báo ra, xếp hoa quả, bánh trái chờ trăng lên. Lúc này trăng còn khuất một phần trong mây đêm ở phía xa. Ba chị em bồi hồi nhớ về năm trước đó, sau khai giảng hai tuần là đến Tết Trung thu.
Bố bảo, mấy chị em muốn bố làm cho chiếc đèn kéo quân thì phải ngoan, phải học giỏi. Hôm ấy chủ nhật, ba chị em ngồi vây quanh bố. Nan tre mẹ đã vót sẵn. Bố chỉ việc buộc những nan đó khoanh lại thành một cái khung hình lục lăng, dưới đáy là gỗ dán để cóng đựng dầu.
Bố căng giấy can mờ bao quanh cái khung lục lăng ấy thành một cái đèn, tựa như cái đèn lồng ở Hội An ngày nay. Đến lúc bố làm cái khay ở bên trong thì bảo ba chị em nhắm mắt vào.
Khi mở mắt ra là lúc bố đã châm lửa vào cái cóng dầu, ba chị em nhìn thấy hình những ông tiến sĩ đầu có lọng che đi trước, theo sau là con ngựa co vó, con gà đang vươn cổ, con chim đang mổ thóc, con cá đang bơi… Ba chị em đều rất thích thú.
Ngày trăng tròn, mới 5 giờ chiều, mẹ đã giục mọi người ăn cơm để còn đi rước đèn. Bố thì buộc một cái khăn màu vàng bên trong có tiền thưởng vào một sợi dây ở đầu chiếc gậy gỗ dài.
Cây gậy vươn ra khỏi ban công tầng hai, từ dưới đất lên tới chỗ có chiếc khăn màu vàng cao chừng 3 mét. Cả ba chị em chẳng đứa nào muốn ăn cơm vì tiếng trống múa sư tử đã rộn ràng, lúc đầu thì từ xa vọng lại, càng lúc càng gần khiến mọi người xốn xang vô bờ bến.
Mẹ gắt, gì thì cũng phải ăn cơm đã chứ. Bố bảo, hôm nay chúng nó ăn một chút thôi cũng được rồi, còn có bánh nướng, bánh dẻo, bánh vừng vòng. Cơn háo hức lên đến đỉnh điểm khi nhóm múa sư tử của chú Hòa, người nổi tiếng múa sư tử hay ở bên phố Hàng Mã đã múa đến đầu phố Hàng Đường.
Bố bảo ba chị em rước đèn đi mời. Cả ba vừa đi vừa đọc: “Chú cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời, cha còn cắt cỏ trên đồi, mẹ còn đang bận đi mời quan viên…”. Cái Lan cứ kéo tay chị Hiền đòi chị chỉ cho nó chú Cuội trên Mặt Trăng. Rồi nó lại hỏi, sao lúc thì gọi là ông Trăng, lúc thì gọi là chị Hằng, cô Nguyệt… Chị Hiền lúng túng không trả lời được cứ giả vờ giục đi mau đi mau, khi nào các em lớn chị mới kể hết được.
Ba chị em đi qua các ngã tư Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Chiếu rồi vòng xuống Hàng Đường. Dọc những phố này, trẻ con chơi rất đông, chúng vừa hát vừa vỗ tay làm thành một vòng tròn xung quanh các mâm cỗ, đặt ở cửa nhà:
“… tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh
em cầm đèn sao em hát vang vang…”.
Ba chị em đi đến chỗ chú Hào đang cầm côn đi trước cái đầu sư tử to đùng. Con sư tử có lúc chồm lên, có lúc chúi chúi sang phải, sang trái, có lúc quỳ xuống rồi lại xông lên làm cây côn của chú Hào nhiều phen mất thăng bằng.
Chị Hiền đến nói với chú Hào câu gì đó, rồi chỉ cho chú cái khăn treo giải thưởng ở ban công nhà tôi. Chú Hào gật gật, con sư tử ngúc ngắc cái đầu, bộ râu rung rung ra chiều đồng ý. Họ múa cho khắp hai bên hàng phố xem mọi kiểu từ nhào lộn đến quần côn rồi dừng lại trước cửa nhà Thảo.
Cả nhà hồi hộp xem sư tử biểu diễn. Chiếc côn của chú Hào với cái hàm sư tử quay qua quay lại làm ba chị em thắt tim. Rồi bỗng các khúc thân và đuôi của sư tử dồn lại, chồm tới chiếc khăn vàng của bố, giật xuống trong tiếng hò reo vang dậy của cả phố phường. Bố khen múa hay lắm, hay lắm. Xứng đáng lắm…
Cả ba chị em đều yêu quý chú Hào. Chị Hiền đã khóc nức nở khi nghe tin chú lấy vợ. Thảo thì viết nhật ký rằng trên đời chỉ có chú Hào là người đáng yêu vì chú rất anh hùng, chú đã chiến thắng sư tử.
Còn cái Lan thì đến khi lớn rồi mới thôi đòi chú Hào dắt đi chơi. Nhiều người cứ bảo ở Hà Nội chẳng ai quen ai, nhà nào biết nhà nấy nhưng Thảo khi ấy thì nghĩ khác, bởi vì ở phố nhà Thảo ai cũng biết chú Hào đấy thôi.
Chị Hiền hát lên khe khẽ “Nhớ phố quen xưa, biết tên bàn chân”. Cái Lan cãi, đấy là Trịnh Công Sơn nhớ Sài Gòn đấy chứ. Chị Hiền bảo, mày bây giờ lớn lên, cứ nông nổi lắm thì mất gốc. Sài Gòn cũng như Hà Nội, những con người có gốc gác tâm tính đều như nhau. Cả phố chỉ cần thoáng qua cũng biết, nó, mày, cô ấy, cậu kia là con nhà ai, đang làm gì, ở đâu, tình nghĩa lắm em ạ.
Thảo nhìn chị Hiền, không ngờ chị giỏi giang như thế. Đúng là chị cả, lúc nào cũng chăm chỉ dạy dỗ các em. Chị còn hát hay, thuộc nhiều bài hát về mùa thu. Chị bảo âm nhạc Việt có cả một kho bài hát về mùa, mà những bài viết về mùa thu là hay nhất.
Ngày mai chị sẽ đưa các em đi xem “bầy sâm cầm nhỏ vỗ ánh mặt trời" và sẽ tới đường Nguyễn Du đi dưới hàng cây cơm nguội…
*
* *
Có tiếng Eric ở đâu đó trong phòng. Thảo chợt bừng tỉnh, thì ra cô đã ngủ gật bên cửa sổ. “Morning Em”. “Morning Anh”. “ Ôi, em không đi ngủ à”. “Em vừa trở lại đây từ Hà Nội… thật mà. Thật, rất thật anh ạ…”.
Thảo nói và trong cô vẫn nguyên vẹn cảm giác phố phường, căn nhà nhỏ, lao xao du khách, tiếng tàu điện leng keng, gương mặt bà bán hoa quả ở giữa hàng ghế trên tàu.
Eric mỉm cười, anh rất hiểu cô, hiểu tâm trạng cô lúc này. Giống như anh, những ngày đi dạy học ở Đức, anh rất nhớ khu vườn ngoại ô này. Anh thường mơ thấy nó. Những giấc mơ ấy mang lại cho anh thêm sức sống, giúp anh vượt qua nỗi cô đơn lúc xa nhà.
Eric ấn nút đầu máy ghi âm, căn phòng vang lên những âm thanh phố phường Hà Nội cách đây chừng 10 năm ấy. Thảo vô cùng ngạc nhiên. Lần đầu tiên Eric cho cô thưởng thức điều này.
“Anh biết, anh biết. Anh thấy em không có ý định đi ngủ. Thế là anh cũng không ngủ. Anh tìm lại kho tư liệu của mình. Ngày anh sang Việt Nam, thú vị với phố phường Hà Nội, chưa có camera, anh đã ghi lại những âm thanh này bằng một chiếc ghi âm mà mẹ em bán cho anh khi anh đến cửa hàng nhà em ở phố Hàng Đào”.
Thảo khóc, cô thấy biết ơn Eric. “Âm thanh phố phường” là một bản giao hưởng tuyệt vời nhất của ký ức mà Eric đã mang đến cho Thảo ở nơi cách xa Việt Nam tới mười vạn dặm này.
Truyện ngắn của
Trần Thị Trường