Gió

Năm 17 tuổi, trái tim tôi đã rung động bởi một người đàn ông lớn hơn tôi đủ một vòng quay của 12 con giáp: Dũng. Đó là vào cái thuở những đứa con gái bằng tuổi tôi còn phải đợi mẹ kêu thức dậy trong buổi sáng trời rét đậm. Ở tuổi đó, bạn bè tôi còn tung tăng cắp sách đến trường, còn hồn nhiên nũng nịu đòi ba mẹ sắm cho một chiếc váy xinh xinh nhân dịp mùa xuân đến. Nhưng với tôi, cuộc đời đã không giang bàn tay rộng để cho tôi một gia đình êm ấm. Tôi bước chân vào đời từ khi đôi chân còn khẳng khiu của một đứa trẻ. Tôi lăn lộn giữa thành phố thênh thang những con đường rộng, chẳng thiếu những căn nhà mà dẫu có ngước hết tầm nhìn của đầu tôi, tôi không thể nào nhìn được đến tầng cuối cùng.

 

Minh họa: Trần Thắng


Nhà tôi ở một miền quê buồn. Ban ngày đã buồn khi nhìn những con nước trôi cuộn về từ thượng nguồn xa lắc. Buồn muốn khóc khi nhìn thấp thoáng bóng người thành phố trên những chiếc thuyền chở hàng đi qua. Dường như chẳng có một chiếc thuyền nào dừng lại nơi tôi ở. Ban đêm còn buồn hơn khi trong đêm những câu vọng cổ buồn được phát ra trong những chiếc máy hát từ đầu đến cuối xóm trộn vào nhau. Tôi không hiểu tại sao ở làng quê của tôi mọi người lại rất thích cải lương. Mà cải lương thì trong đó luôn luôn kể lể những cuộc tình chia lìa. Vì buồn đến thế mà nhiều người đã bỏ quê ra đi, đến một thành phố nào đó kiếm sống. Ánh sáng đô thị như có một sức mạnh lạ lùng, khiến cho tôi cũng nôn nao tìm một chuyến ly hương.


Lệ là cô bạn hàng xóm, cách nhà tôi chừng vài trăm mét. Lệ đã bỏ quê lên thành phố học nghề làm tóc nữ. Bẵng đi cả một năm trời, Lệ trở về nhà chơi, tặng cho tôi một thỏi son môi. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời của mình nhìn thấy thỏi son môi. Tôi đã tô son lên đôi môi của mình, ngắm nhìn đôi môi mình trước gương. Còn Lệ thì cười hồn nhiên: “Tuần sau tao lên thành phố rồi đó. Hay là mày lên đó học nghề làm tóc đi. Học xong bà chủ nhận việc, lương cũng khá”. Không chần chừ suy nghĩ, tôi đã cùng Lệ đón xe lên thành phố sau đó. Bởi dù sao thì tôi cũng đang muốn thoát cảnh buồn của làng quê mình.


Đúng như lời của Lệ nói, bà chủ tiệm uốn tóc nơi nó làm đã vui vẻ nhận tôi. Bà ngắm nhìn tôi mà cười: “Em chỉ cần chưng diện lên một tí là bao nhiêu chàng trai thành phố phải đau tim. Em đẹp lắm”. Thật ra thì tôi chẳng chú ý đến việc mình đẹp hay xấu. Tôi chỉ mong học cho xong nghề, đi làm kiếm tiền để gửi về nhà phụ ba má tôi nuôi mấy đứa em ăn học. Nhờ chăm chỉ, tôi được bà chủ thương cho nên chỉ sau hai tháng là tôi đã được bà cho lương thử việc.


Ngày đầu tiên cầm đồng lương do chính mình làm ra. Tôi rủ nhỏ Lệ đi ăn bánh xèo chảo. Quán bánh xào chảo nằm ngay một đầu hẻm gần chỗ hai đứa tôi ở trọ. Có thể do bà bán bánh xèo chế biến ngon miệng cho nên quán lúc nào cũng đông khách. Tôi và Lệ chen mãi vẫn chưa có chỗ ngồi thì có tiếng gọi: “Lệ và Hằng vào đây. Còn một chỗ trống đây này”. Người gọi hai đứa tôi chính là Dũng. Thật ra ngay lúc đó tôi chỉ biết Dũng qua lời giới thiệu của Hằng: “Anh Dũng ở cửa hàng bán hoa vải bên kia đường. Hằng không biết à?”. Hàng hoa vải bên kia đường thì tôi biết, nhưng quả thật tôi chẳng hề chú ý tới ai là chủ cửa hàng, tôi cũng chẳng ngờ là Dũng vẫn thường đứng bên ô cửa kính bên đó mà quan sát tôi bên này. Dũng đã giành trả tiền bánh xèo hôm đó. Sau đó anh rủ hai đứa tôi đi xem ca nhạc tại sân khấu Trống Đồng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân đến một sân khấu ca nhạc.


Tôi không tin vào định mệnh, thậm chí tôi không nghĩ rằng trái tim của mình vội vã mềm lòng trước một người đàn ông. Tôi chỉ vừa 17 tuổi. Mẹ tôi vẫn thường viết thư lên dặn dò tôi: “Đừng tin con trai thành phố. Con mà tin có ngày sẽ khổ cả đời”. Tôi viết thư trả lời mẹ: “Con còn quá nhỏ mà. Má cứ yên tâm đi”. Cho nên tôi đã từ chối bao nhiêu lời hẹn hò của những chàng trai bao quanh tôi. Thế mà với Dũng thì khác, Dũng khoan thai chinh phục tôi theo cách của một người lớn tuổi. Anh mang tới nơi tôi ở những món ăn tôi thích, anh chọn cho tôi những đĩa nhạc của những ca sĩ tôi mến mộ, có khi ảnh chủ động mua cho tôi một tấm thẻ điện thoại để tôi ra các cabin gọi về nhà cho rẻ.

Người đàn ông đó đã gây cho trái tim tôi một tình yêu đến thật âm thầm. Anh chọn những vở kịch vui ở sân khấu nhỏ rủ tôi và Hằng cùng đi. Anh ngồi giữa hai đứa, chia cho tôi những hạt bắp rang giòn còn nóng, thỉnh thoảng pha trò tạo không khí. Rồi không cần anh nói: “Anh yêu em” như bao nhiêu đôi lứa vẫn thường lặp đi lặp lại trong cuộc sống này, tôi đã nghiêng về anh. Rồi một lúc nào không biết, những cuộc đi chơi, đi xem kịch, xem ca nhạc chỉ còn tôi và anh. Giống như Hằng đã hoàn thành nhiệm vụ của một người làm cầu nối cho tôi và anh. Anh cũng chẳng hấp tấp choàng vòng tay qua vòng lưng tôi, anh không vội vàng đặt môi anh lên đôi môi thuần khiết của tôi. Anh tạo cho tôi một cảm giác tin cậy. Tôi mù quáng yêu anh, để rồi tôi mù quáng hiến dâng mà không biết rằng mình đang bước vào một con đường cụt, không lối thoát.


18 tuổi, tôi rời thành phố tôi từng gắn bó trong một đêm đầy gió. Chuyến xe đò đêm mang những con người mệt mỏi băng qua những con đường ngập tràn ánh sáng đường. Gió vô tình quất vào mặt tôi cái lạnh mùa đông. Tôi cũng đang lạnh theo con gió vô tình.


Mẹ ngạc nhiên khi tôi gọi điện báo rằng tôi sẽ về. Qua máy điện thoại, mẹ hỏi: “Có chuyện gì với con phải không Lệ?” Tôi trả lời: “Chắc con về nhà luôn quá. Tự dưng con thèm nghe tiếng dòng sông chảy”… Cách đây mấy ngày, tôi đã làm một công việc mà tôi không nên làm: Bỏ chiếc bào thai vừa mới tượng hình trong bụng. Hằng đưa tôi đi đến Trung tâm. Mấy lần tôi nhớm chân bước ra. Tôi sợ khi nhìn thấy trong đám đông lô xô trước mặt tôi cũng có quá nhiều cô gái rất trẻ. Hằng gằn giọng: “Mày mới 18 tuổi, còn cha Dũng thì đã biệt tăm rồi. Sinh nó ra mày lấy gì nuôi nó?”.


Dũng đã bỏ tôi không một chút đắn đo. Hàng hoa vải phía trước nơi tôi làm việc đã thay chủ. Số điện thoại di động của anh chỉ vang lên âm thanh quen thuộc của tổng đài: “Số máy này tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách gọi lại sau”. Tôi đã thầm thì với Hằng: “Chắc tao phải bới tung cả thành phố này lên quá. Phải tìm ra Dũng”. Hằng cười giống như bị thọt lét: “Tìm ra gã sở khanh đó rồi mày quỳ gối xin nhận đứa con trong bụng mày à? Mà chắc gì nó để cho mày gặp nó?”. Tôi đã khóc vùi một ngày, khóc như chưa bao giờ được khóc. Hằng vẫn ở bên tôi, dịu dàng đưa khăn cho tôi lau nước mắt.


Xe đã ra vùng ngoại ô. Vầng trăng sớm treo trên đầu tạo ra một màu kem phủ lên những ngôi nhà, những bóng cây xa xa một vẻ gì huyền hoặc. Tôi đưa mắt nhìn những ngọn đèn trong những ngôi nhà rất xa lạ. Tôi tưởng tượng sau ngọn đèn kia có một mâm cơm vừa dọn lên, quây quần bên cạnh đó là một gia đình. Hình như ngọn gió đêm từ thành phố vẫn đang theo tôi trong cuộc hành trình, vì tôi nghe gương mặt mình mát lạnh.


Tôi đang làm cuộc hành trình trở về năm tôi 18 tuổi. Mẹ đang đợi tôi về như đợi một đứa con khờ khạo ngày nào của mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ biết trái tim tôi đã một lần tan vỡ.


Khuê Việt Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN