1.Chiếc “đầm già” lượn một vòng chữ C rồi phóng vút lên trời như con chim bồ cắt. Khi ở một khoảng khá cao, nó rì rào, đằm đẳm, lưng tưng như một cánh diều no gió.
Sơn và Chiến ghìm hai khẩu tiểu liên AK trên một chảng ba cây, đạn đầy ắp trong băng đã lên nòng, mắt đăm đăm theo dõi chiếc máy bay trinh sát của địch đang chờn vờn trên bầu trời của cánh đồng hoang đầy lau sậy.
- Mẹ! Mầy lạng xuống một cái nữa sẽ biết tay tao!- Sơn bực dọc.
- Bắn tan xác nó đi! Trả thù cho thằng Tâm…
Có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai Sơn, giọng ấm trầm nhưng nghiêm khắc:
- Ai lệnh cho các đồng chí bắn “đầm già”? Bắn chắc gì đã trúng nó! Chỉ hại cho anh em… Chúng ta đang trụ ở một nơi khá an toàn. Làm “hôi ổ” khó mà kiếm được chỗ nào tốt hơn!
- Dạ… dạ thưa chú Ba!Tụi tui muốn trả thù cho thằng Tâm. Chú nhìn kìa! Nó lạng lách trông nhức mắt quá… Chú cho tụi tui “mần” nó nghen?
- Không được! Các chú nghe lệnh tôi - không được bắn - Ba Tấn dứt khoát, rồi anh nhẹ giọng trở lại: “Nếu còn sống, còn đi theo cách mạng, chúng ta đâu thiếu cơ hội để trả thù cho đồng chí, đồng bào mình. Không được nóng vội. Hãy bình tĩnh, nhất là trong lúc này. Tôi hiểu tấm lòng các chú… Nhưng phải bảo toàn lực lượng, giữ bí mật nơi đóng quân! Chiến trận tiến thoái, thắng thua là lẽ thường. Hy sinh là chuyện phải chấp nhận thôi. Cái quan trọng là thắng lợi cuối cùng. Tôi cũng thương thằng Tâm lắm chứ!
- Dạ! …Dạ, tụi cháu nghe chú. Tụi cháu chấp hành lệnh của chú!- Sơn và Chiến hình như đã hiểu được những lời của Ba Tấn, nhưng trong lòng họ vẫn còn ấm ức, bực dọc…
Ba Tấn vấn một điếu thuốc, bật lửa, rít một hơi dài. Anh thoáng mơ màng nhìn ra con đường mòn mịt mùng lau sậy. Sơn và Chiến quảy súng lên vai, mắt nhìn lên bầu trời, trong lòng còn hậm hực. Cả ba người, hình như nhớ về cái đêm ấy. Chỉ mới đây thôi!
2. - Chú Ba! Ở đây cá mắm không thiếu. Nhưng gạo! Gạo chỉ còn đủ ăn hai ngày nữa thôi!
Ba Tấn thoáng trầm ngâm, anh nói:
- Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện này rồi. Phải đi một chuyến ra vùng “meo” vận động bà con ủng hộ lương thực và liên lạc với mấy cơ sở mình ngoài ấy.
Ba Tấn nói với các chiến sĩ của anh:
- Đêm nay, tôi sẽ chỉ huy các đồng chí đi công tác. Tất cả chấp hành theo lệnh của tổ chức, làm theo nhiệm vụ được phân công…
Màn đêm buông xuống cánh đồng hoang. Ánh trăng thượng tuần xanh xanh, le lói như chiếc xuồng con neo trên một bến sông đầy lau sậy. Gió xạc xào, hiu hiu thổi qua những rừng lá tối đen như mực. Đom đóm lập lòe trên những cành cây như đèn chớp… Đoàn chiến sĩ lặng lẽ, đạn lên nòng, đi theo lối mòn trong bóng đêm, lần hướng về cái vầng sáng mơ hồ ở xa xa phía bắc cánh đồng gần vùng ven thị xã. Họ đi xuyên qua vùng địch tạm chiếm.
- Mở cửa! mở cửa… anh Tư. Người của Mặt trận Giải phóng đây!… Ba Tấn đây!
Ánh đèn dầu leo lét trong nhà được vặn lên hơi sáng. Có tiếng ho và tiếng dép nhẹ. Cánh cửa hé ra, dọi chút ánh sáng lên chiếc mũ tai bèo của Ba Tấn:
- Trời! Ba Tấn… sao chú mày về đây được? Đồn bót giăng giăng. Tụi lính đêm nào cũng đi kích… nguy hiểm quá! Thôi vô… vô nhà nhanh đi!
Ba Tấn lách mình vào cửa. Tư Cầu đánh thức vợ dậy: “Ba Tấn và anh em về… Bà nấu cơm lẹ cho mấy chú ấy ăn đi. Chắc đói bụng hả Ba Tấn ? Ăn cơm nghen… Bắt đại con gà mái trong ổ làm thịt đi cho dễ. Nhẹ nhàng đừng làm kinh động nghen… Anh em mình trong ấy ra sao? Thằng Tâm con tôi có về với chú không? Ở trỏng, hầm hố có chắc chắn không? Mỗi lần tụi nó bắn “ô bích” tôi lo quá!
Ba Tấn thân mật vỗ vai Tư Cầu:
- Anh yên chí đi. Chỉ lo gạo… Còn mọi thứ đều ổn. Đường đi nguy hiểm quá nên tôi cho thằng Tâm ở nhà. Thằng con anh nó muốn giận tôi!
Tư Cầu gật gật đầu:
- Chú tính cũng phải. Nó là lính mới. Chú nói với nó, để má nó vô thăm, hay hơn!
- Hôm rồi, chắc anh nhận được thư tôi?
- Có. Tôi đã vận động được một số bà con ủng hộ mình một ít gạo tiền. Đang tìm cách chuyển vô cho mấy chú. Lúc này nó kiểm soát gắt lắm… Nhưng giá nào cũng phải đem vào thôi!
-Chúng tôi sắp hết lương thực nên phải mạo hiểm ra đây!
- Tôi biết. Chú xem!- Tư Cầu dẫn Ba Tấn vô buồng ngủ và giở lu ra, những bọc ni- long dầy đựng đầy gạo được cột cẩn thận từng túi nhỏ.
- Anh kỹ lưỡng quá!- Ba Tấn nắm tay Tư Cầu siết chặt.
Ba Tấn và các chiến sĩ trở về, mỗi người mang trên mình gần hai mươi kí gạo, họ lau lách qua một quãng đường khá dài, nguy hiểm luôn rình rập. Có lúc họ đi sát đồn giặc gần hai mươi mét, nghe rõ cả tiếng nói chuyện của bọn lính trong đồn.
Gần đến bìa cánh đồng để vào cứ. Có tiếng kêu như chim quốc: “Quốc …quốc… quốc…”. Có người đón! Tâm và hai chiến sĩ thổi ống tre giả tiếng chim làm mật hiệu.
- Chú Ba và mấy anh về trỏng trước, để tụi tôi gác đường chặn hậu cho an toàn! Chú Ba thấy ba má tôi ở ngoải có khỏe không?- Tâm hỏi.
- Khỏe cả. Anh chị Tư gom gạo của bà con ủng hộ và cho tụi mình một con gà mái đẻ…
Sau ít phút sắp xếp, Ba Tấn để Tâm và Sơn ở lại, ông và các chiến sĩ tải gạo về cứ. “Mấy đứa bây cẩn thận nghen!”- Ba Tấn ngoái lại dặn dò…
Ba Tấn về đến cứ. Anh bỏ cái bòng gạo xuống dất, thở phào nhẹ nhõm. Các chiến sĩ ở nhà bu quanh Ba Tấn. “Có thuốc Ruby và một can rượu nếp ngon đây…”- Ba Tấn vui vẻ- “Một con gà mái đẻ nữa. Bà con mình ủng hộ hết mình đấy ! kêu mấy đứa bắc nước nấu cháo… Tụi thằng Tâm về, mình lai rai chút đỉnh. Gà mái đẻ của chị Tư má thằng Tâm cho đó! Từ chối thế nào cũng không được. Con gà đang ấp”.
Bỗng có tiếng súng nổ dồn phía ven cánh đồng. Ba Tấn lặng người lo lắng. Mọi người ai nấy đều bồn chồn…
Trời hửng sáng, chưa rõ mặt người. Sơn mình mẩy bê bết bùn đất và máu, quảy hai khẩu súng trở về.
- Thằng Tâm đâu?… Nó đâu! Mày có sao không?- Ba Tấn ruột nóng như thiêu hỏi.
- Con không sao!... Thằng Tâm nó chết rồi chú Ba ơi! - Sơn mếu miệng nói.
- Sao… Sao chết vậy? - Ba Tấn nắm vai Sơn lắc lắc. Mắt anh đỏ ngầu.
- Tụi tôi sửa soạn rút. Tụi lính đi phục kích về, chạm mặt tụi tôi ở ngã ba cây Trâm. Trời tối, tụi tôi và tụi nó bắn nhau loạn xạ. Tụi lính nó chạy, tụi tôi cũng chạy… Chừng vài mươi bước, thằng Tâm trúng đạn ngã xuống. Nó đưa cây súng cho tôi, thều thào bảo tôi chạy đi. Nó còn ráng rút nhíp trái lựu đạn, đút cánh tay vào ngực, nằm sấp xuống, đè lên… Bọn lính mò trở lại… Tôi nghe nổ “Ùm!” một tiếng thật lớn, ngay chỗ cái xác của thằng Tâm!…
Tôi “xổ” một băng về hướng ấy, rồi bò xuống đồng, vạch lau sậy, lần về đây!
Mọi người ai nấy đều buồn bã. Ba Tấn co nắm đấm lại rồi thừ người đốt thuốc. Điếu thuốc cháy đến gần tận kẽ tay, anh mới hay.
- Có nấu cháo, mần gà không chú Ba? Nước sôi lâu lắm rồi!
Ba Tấn khoát tay:
- Thôi! Bảo tụi nó nấu cơm, kiếm gì ăn đỡ… Còn con gà, để mở cửa mả, cúng thằng Tâm rồi nhậu luôn với nó. Đêm nay dò đường cẩn thận, coi có lấy được xác nó về không!
Hai ngày, sau khi Tâm hy sinh, người của Ba Tấn vẫn chưa bắt liên lạc được với gia đình ông Tư Cầu. Ba Tấn và các chiến sĩ của anh truy điệu cho Tâm xong, họ ngồi nhậu lai rai dưới rặng trâm bầu. Con gà mái đẻ vẫn chưa bị làm thịt, họ đã thay bằng một con gà trống tơ cho đúng với lệ mở cửa mả! Ba Tấn uống một hơi ba ly rượu nếp ngon mà vẫn chẳng thấy gì. Lòng anh nằng nặng. Ba Tấn hình dung vợ chồng Tư Cầu: “Thằng Tâm nó là con trai độc nhất của anh chị Tư Cầu… Ảnh chị gởi cho mình. Không ngờ nó “đi” sớm quá vậy!”…Và còn “một người” nữa! - Ba Tấn nói khẽ với Sơn:
- Sơn nầy! Con Thắm ở bên cánh Quân y huyện, không biết sẽ ra sao khi hay thằng Tâm chết! Thằng Tâm nó coi tao như ba nó. Hôm nọ, nó tâm sự và tiết lộ bí mật với tao rằng: nó và con Thắm có ăn ở với nhau rồi! Hai đứa hẹn sẽ thành chồng vợ… Bây giờ. Mày biết không? Tao cầu mong… cầu mong cho con Thắm đừng có bầu, để nó khỏi dở dang đời con gái. Tội nghiệp!
Có tiếng “đầm già” sè sè, quần đảo trên bầu trời của cánh đồng.
3. Sau ngày hòa bình lập lại, hàng năm, vào khoảng cuối tháng mười âm lịch, khi gió chướng về, lau sậy trổ bông phơ phất, trắng xóa cả đồng bưng, Người ta thấy có một phụ nữ khá đẹp, ăn vận lịch sự, dẫn một bé trai, mặt mũi khôi ngô, đến thắp hương và đặt hoa ở mộ của Tâm. Mấy năm sau này, khi hài cốt các liệt sĩ được qui tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện, thì không thấy người phụ nữ ấy và cậu bé kia trở lại nữa… Còn cánh đồng hoang vu thuở ấy, một thời chở che cho cán bộ, chiến sĩ ta sau năm Mậu Thân ác liệt, bây giờ đã thành vườn ruộng phì nhiêu, sum suê cây trái. Chuyện về cánh đồng máu lửa ấy, chỉ còn trong ký ức của những người đã đi qua một thời chiến tranh nơi mảnh đất vùng ven nhiều ác liệt…
Người kể cho tôi nghe câu chuyện này, bây giờ tóc đã bạc trắng, đôi mắt ông thoáng ánh lên chút xa xôi: “Cô Thắm đến giờ vẫn không có chồng… Thằng bé, con của cô ấy làm bí thư hay chủ tịch xã gì ở đó. Hôm ấy, mẹ nó có nói cánh đồng hoang bây giờ… không còn hoang vu nữa!” .
Đặng Hoàng Thám