Lão, bao năm chỉ thân với con chó nhỏ. Lão gọi nó là con Tốt. Mọi chuyện từ chợ búa, sinh hoạt đến những tâm sự sâu kín lão đều nói với nó.
- Cơ mà hôm nay tao bị lố Tốt ạ. Lố mấy lần luôn. Trưa đi chợ, mụ bán hàng quen mời mua đậu hũ. Mụ bảo “Đây này, đậu còn nóng hôi hổi. Ăn chay mà không biết chọn hàng mua thì thôi rồi. Đậu mà trắng quá là pha bột nhiều. Chứ đậu nành thì có màu đậm thế này này”. Rồi tao bảo “Dưng (nhưng) mà, tôi nghe mùi đậu chua chua”. Mụ ta tiếp lời: “Có đậu nào mà không chua chua chứ. Phải ủ men lên men mới nên đậu mà”.
Rồi mụ nói “Rút cục ông có mua đậu của tui không”. Thực thì tao đã lố, vì ban đầu tao đã không muốn mua đậu dưng vẫn nhìn vào hàng đậu mụ ta. Mà với mụ, đã nhìn rồi nhất định phải mua. Khốn. Thế là hôm nay tao ăn đậu, dù tao không thèm. Mày thì có tí thịt bò đây. Lão gật đầu nói tiếp “uhm, mày nói đúng. Thế nên hôm sau đi chợ đừng có dại mà nhìn hàng của mụ ta. Còn trưa, lại lố tiếp. Mà thôi, để tối rảnh rang kể mày nghe sau. Giờ tao phải làm nốt cái này”. Lão vừa chuẩn bị bữa trưa, vừa thủ thỉ với con Tốt.
Lão sinh ra ở miền Nam, lớn lên ở miền Bắc, sống ở Nam Tây Nguyên. Giọng nói của lão lai đủ miền, mỗi từ “nhưng” lần nào lão cũng lứu lưỡi phát âm thành “dưng”.
50 tuổi, những nếp nhăn trên trán cao và rộng của lão hằn sâu, gấp nếp uốn như những rãnh sóng. Lão cô độc, vẻ mặt trầm, buồn. Lão ở trong khu tập thể của cơ quan. Nhà lão nhiều lúc rôm rả lắm, tưởng có khách nhưng chả có ma nào. Chỉ có lão và con Tốt. Lão say à, vài người thắc mắc. Chỉ có những người say mới rôm rả một mình như vậy được sau những người mắc bệnh. Mà người bị chập dây thần kinh nói thì nói không chủ đích. Còn lão, lần nào nói chuyện một mình lão cũng nói cười rất tử tế, lý lẽ rất có đầu có đuôi và giọng vừa nghe, không quá lạnh lùng, không quá phấn khích.
*
* *
Khu tập thể cơ quan gồm những bạn trẻ mới vào nghề, chỉ có lão là độc thân. Những chàng trai trẻ thỉnh thoảng lại đem bạn gái về rồi đóng cửa lại rồi đi sau đó một lúc. Những cuộc đối thoại ngắn. Những tiếng cười, lời chào hỏi cũng ngắn củn. Lão vẫn trung thành với những cuộc đối thoại, đúng ra là độc thoại vì con chó dù hiểu hết tiếng người thì cũng đâu đối đáp được:
- Ngày mai tao có một cuộc hẹn Tốt ạ. Dưng mà tao lưỡng lự lắm. Đó là mụ đàn bà mà tao đã cho cả căn nhà. Tao đã không để ý đến đàn bà từ lâu lắm rồi. Ả đàn bà nói có chuyện quan trọng. Tao chỉ biết tao chỉ có một chuyện quan trọng là không muốn gặp đàn bà. Mày nghĩ coi, tao sống với mày thế này có tình có nghĩa chán. Mày chả bao giờ làm tổn thương tao. Mày chả bao giờ hoạnh họe tao. Và tao cũng cóc cần mày phải thế này thế kia. Chỉ cần biết mỗi hôm tao đi làm về mày ra đón tao là đủ rồi. Đàn bà... Dưng mà tao cũng muốn gặp một lần xem nó muốn gì.
- Đừng có trố mắt ra nhìn tao như thế chứ. Ý mày là tao phải biết ơn ả đàn bà mà vì nó, tao trơ vơ một đời thế này ư? Ý hay đấy. Vì yêu một kẻ bội bạc rồi tao hiểu thế nào là bội bạc để mà không làm ai đau nữa. Ừ nhỉ. Cô ả đã dạy tao sống có tình là đừng làm phản còn gì. Phúc chán.
Lão nói như được đối đáp rất ăn rơ.
Chiều, lão cùng con Tốt ra công viên. Lão hẹn ả ở đó. Thực ra lão chỉ muốn bình thường hóa mọi việc đã qua cho rỗng đầu. Lão sợ chút tình si xưa lại trở lại khi gặp ả. Rồi thì kể lể, rồi thì giải thích mà chỗ kín đáo thì thật không tiện cho lão. Lão chọn công viên để gặp ả cũng là cách lão đối diện với lòng mình. Dù lòng lão chỉ có hận ả chứ thương cái cóc khô gì nữa. Nhưng cứ nhớ đến dáng đi uyển chuyển của ả lão lại không khỏi bùi ngùi. Tuổi trẻ, tình yêu… tất cả bắt đầu từ dáng đi ấy và hận thù cũng từ đó mà ra. Chỉ vì lão quá tin ả. “Đời anh là của em, nhà sao lại không thể đứng tên em được”. Là chính miệng lão nói chứ ai.
Trong lúc chờ người đàn bà bội bạc, lão nhớ câu chuyện dài, buồn của mình. Trẻ, lão đẹp trai. Rồi lão yêu ả đàn bà trẻ đẹp đã có một con ở tuổi hai mươi hai. Lão si mê ả đến lúc ả bỏ lão không một lời từ biệt. Đang hậm hực định bỏ về khi nhớ những gì ả đã gây ra cho mình thì lão thấy ả đến. Bước đi uyển chuyển của ả không lẫn vào đâu được. Bước đi gợi tình.
- Em mới lại Đà Lạt hồi trưa. Chiều giờ vẫn thấp thỏm chờ gặp anh.
- Vậy sao, xa Đà Lạt đủ lâu để quên phố núi mùa này rất lạnh hay sao mà không mặc áo khoác vậy.
Chính lão cũng không hiểu được do đâu mà lão có thể dịu dàng với ả đến thế.
- Uhm anh, em không còn chiếc áo nào đủ ấm. Định tối đi chợ âm phủ… Em đến để trả lại anh số tiền và ngôi nhà em đã bán hồi đó. Em biết nói xin lỗi anh cũng muộn rồi, nhưng mà em thành thật xin lỗi anh. Ả run lên, trong mắt ả có niềm ăn năn. Lão im lặng.
Rồi lão cởi chiếc áo măng tô đưa cho ả, “mặc vào đi, lạ khí hậu sẽ bệnh đó”. Trong lòng lão nghĩ, ả đàn bà đã cuỗm sạch tài sản của lão, đẩy lão ra vỉa hè, giờ ả không có tiền sắm cái áo đủ ấm cho đêm phố núi, phải chờ đến đêm mới đi chợ hàng si mua áo ấm mà trả lại cả số tiền hàng trăm triệu cho mình sao.
Cơn hận trong lão chuyển hóa thành điều gì đó mong manh. Tưởng như là hương hoa hoàng lan của kí ức Hà Nội xưa mà không phải. Lão muốn về nhưng lão sợ về sẽ mất ả lần nữa. Lão sợ điều gì đó khó tả giống như ngồi xứ nóng, cầm cục đá lạnh và ước: đá ơi đừng tan. Có cái gì đó khó hiểu khó tả và không hiểu không tả được. Điều gì đó khó gọi tên rồi đã cũng chẳng thể gọi tên. Và dẫu có gọi được thành tên là niềm mong hay sự sao lãng thì cuối cùng cũng là một ngọn gió. Gió thì mong manh, bão tố thì mạnh. Gió thì mát còn bão tố thì hãi hùng.
Và có cái gì đó vừa như gió vừa như bão. Điều gì đó có như không. Không mà như có. Lão cảm thấy buổi gặp này, đã đưa lão đến một nơi khác xa lạ. Con suối nhỏ chảy từ đâu trên đàn lá, phía bình minh và đổ xiết xuống tận phía hoàng hôn. Một cái gì đó vờ như là có đó. Cái gì đó vờ như không. Đành để gió cuốn đi. Lão từng có những lúc “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai, sống quen không ai cần ai” để nhận ra có những lông hồng nặng như là gió. Gió có thể tốc cả mái nhà vững chãi, biết đâu ả có thể… Tựa như là sóng mà không phải sóng. Tựa như là hoàng hôn mà không phải hôn hoàng. Tựa như nụ cười mà không là chính nó. Có thể tắm thêm lần nữa trên cùng một đoạn sông?.
Ả đàn bà tự mặc chiếc áo mà lão đưa.
Ả nhìn lão, đôi mắt như biết ơn nhưng lão không đáp lại ánh nhìn đắm đuối như hồi trẻ. Lão nhìn phía nào ả không đoán được. Nhưng ả không dám hỏi xem lão đang nghĩ gì, nhìn gì. Hồi còn trẻ hẹn hò, rồi thành vợ của lão, ả hay vặn vẹo: “anh đang nghĩ gì nói em nghe, hay anh đang nhìn đểu em đúng không”. Nhưng với những gì đã làm đối với lão, ả không dám hỏi gì thêm, ả chỉ mong lão nói cho ả biết chút gì đó về lão. Rồi ả bình tĩnh lại, nói: “Em xin lỗi, đã bán ngôi nhà của anh. Nhưng mà em không có cách nào khác. Thằng con em, nó vay nóng của người ta mà không trả thì chúng chém. Em phải làm liều. Vì em biết anh sẽ giận em, nhưng anh sẽ tha thứ.
Bao nhiêu năm qua, em đã làm lụng để chuộc lại ngôi nhà. Em đã bán cả thứ không nên là hàng hóa, bán một món hàng cho bao người, người tỉnh người say, người già người trẻ… chỉ cần họ mua là em bán. Em kiếm tiền dơ bẩn nhưng ngôi nhà vốn dĩ nó không nhơ nhớp. Chỉ có em là nhơ nhớp. Anh mà chê nó không nhận lại, em sẽ không có ngày nào được sống thanh thản”. “Thôi, dù gì nó cũng rồi. Ngôi nhà, giữ lấy. Anh đã có chỗ ở yên ổn rồi. Bạn anh cũng thích bọn anh ở mãi chỗ đó”. Ả đàn bà rỉ ướt khóe mắt, rồi thôi. Chắc mắt ả không gượng không ép được miếng nước mắt nào ướt át hơn thế được nữa. Dù sao thì ả vẫn còn chút thiện tính. “Em bán thân có thể mua lại nhà, nhưng danh dự thì sao?”. “Anh vẫn còn nghĩ cho danh dự của em ư?”, ả xúc động nói. “Vì danh dự của em, vì tình yêu của anh, anh đã cưu mang mẹ con em, dưng mà em tệ quá”.
Lão thấy nhẹ lòng, chữ “tệ” lão nói ra được với ả lần này sao nặng nề với ả thế. Nặng vì lão không đánh, không chửi không xua đuổi ả mà chỉ trách một từ “tệ”.
Tiếp đó là một chuỗi im lặng dài.
Con chó nhỏ bỏ đi đâu đó lúc gã và ả nói chuyện đã trở về nằm dưới chân ghế đá chỗ lão ngồi lúc nào mà lão không hay. Nó ăng ẳng tiếng nhỏ như mỗi lần nó không đồng ý với lão chuyện gì. Lần này nó như nói với lão: “bị con đàn bà gạt mà nói dối tôi là “cho cả căn nhà” đúng là điêu mà”. Ai bảo tốt với người ta quá làm gì. Lại còn có vụ “em biết là anh sẽ giận em, nhưng anh sẽ tha thứ” mới ghê chứ. Ông bị tình yêu làm cho mù màu rồi. Nhưng mà, có ả đàn bà thì mình đâu có chỗ trong lòng lão. Con Tốt gãi gãi chân trước vào tai như nghĩ bụng: “Cái lão già này, với mình thì khắt khe, với người bội tình lại rộng rãi thế mới khổ chứ. Đi chợ thì đắn đo cả miếng đậu hũ, mà người ta trả cả ngôi nhà cũng không nhận lại. Bộ thích ở tập thể hay sao”.
Rồi lão để cho ả tự đi về, sau lão về đường lão. Đường từ công viên về nhà lúc hoàng hôn nhá nhem. Lão trầm tư hẳn. Chiếc xe đạp chậm chạp hơn, hai bánh như dừng lại đến muốn đổ, không bon bon vun vút có lúc bỏ xa con Tốt một khoảng nữa. Con chó nhỏ vừa đi vừa ngửi đường về ở những chỗ đã đánh dấu bằng nước đái lúc đi làm cho tốc độ lúc nhanh lúc chậm nhưng nó vẫn chạy trước lão cả quãng xa. Lúc nó bỏ lão sau một khoảng. Nó quay lại, như tìm kiếm, như đón lão, như giục lão đi nhanh rồi chạy ngoắng về phía trước.
*
* *
Không có chiếc áo khoác ấm, lão cố đạp xe nhanh để xua cái lạnh. Những cơn gió lạ cứ hất vào mặt, mặc lão cúi mặt lao vun vút về phía trước. Đến con dốc dã quỳ, lão thả hai tay như hồi trẻ con. Cảm giác mạo hiểm không có gì sánh nổi. Lão thấy mình trẻ lại, đầy sức sống, yêu đời. Một cảm giác đã mất trong lão từ ngày ả đi giờ mới len lỏi trong lão.
Lão nhận ra mình sự cô độc bao năm qua. Nhưng mà lão được con Tốt tốt. Lão vui vì con Tốt hiểu mình. Tối đó lão đi nhậu tận khuya mới về. Lão say. Chắc lão đang cố quên tất cả. Đêm say đó, lão nói nhiều và dại hơn mọi lần. Nhưng mà mừng cho lão. Là lão đã nói thật được điều lão dấu kín trong lòng. Rằng lão vẫn nhớ ả đàn bà phụ tình bạc nghĩa kia. Thì ra, bấy lâu lão xem con Tốt như ả đàn bà đó. Một tình thương đủ để chối bỏ tất cả và bao dung với hết thảy.
Cố quên, nhưng lão đã nhớ tất cả. Chỉ có thể là tình yêu, lão trả lời cho điều lão băn khoăn vì đâu mà đang hận ả đến vậy mà lúc gặp lại ả tại công viên, lão lại nhẹ nhàng, quan tâm đến ả.
Đêm ngủ lão mơ, lão gọi tên ả. Lão nói mớ “Tình yêu không phải là điểm yếu. Nó là sức mạnh. Thục, Thục…”, cái tên người đàn bà duy nhất trong đời lão có, cho đến bây giờ.
Sáng ra, lão không thấy con Tốt, nhưng lão không đi tìm nó.
Trần Thị Thanh