Em là người sôi nổi. Em mê những cuộc vui nên bất cứ buổi họp mặt bù khú nào, bạn bè chỉ cần alô là em ào chạy tới. Song, có một nơi đông vui mà em không thích đến. Đó là đám cưới. Chỉ đơn giản vì em ghét trả lời: “Cái X, Y cưới rồi. Còn mày chừng nào lên xe hoa?”.
Ờ, thì chừng nào… có nhiều tiền, chừng nào mua được nhà riêng, chừng nào lương tăng gấp đôi để khỏi ăn bám bố mẹ… Em hay trả lời bâng quơ cho xong những câu hỏi kiểu ấy. Em cũng đôi lần hẹn hò, yêu đương.
Nhưng mỗi khi anh nào mở lời: “Này em, anh muốn quan hệ của mình tiến xa hơn”, em bỗng thấy lạnh người.
Vấn đề nghiêm trọng đây. “Em nghĩ mình cần thêm thời gian để hiểu nhau hơn” - câu từ chối cũ rích nhưng luôn hữu hiệu.
Gắn bó với ai đó cả đời thật là điều quá sức tưởng tượng. “Phải chi lấy chồng như mua hàng trong siêu thị, được quyền đổi hoặc trả lại” - em hay đùa với đám bạn như thế và lần nào cũng nhận được vỏn vẹn một từ: “Hâm”.
Lấy chồng, động từ ấy em chỉ muốn dời nó về tương lai xa tít. Đơn giản vì em sợ…
Em sợ bị lọt thỏm trong vòng vây đường gạo mắm muối. Em sợ thành mụ đàn bà đầu xù tóc rối cả ngày léo nhéo mắng con, la chồng. Em sợ tiếng “mẹ ơi, mẹ à” của lũ con nheo nhóc làm át nhạc Trịnh du dương. Em sợ vướng vào những khổ tâm giằng xé giữa bên chồng bên vợ.
Và em sợ mỗi cuối tháng ngụp lặn trong biển hóa đơn: tiền điện tiền nước, tiền gạo, tiền gas, tiền xăng xe, tiền thôi nôi, đám tiệc…
Cái list càng dài, đồng lương của em càng “suy dinh dưỡng” trong khi bão giá thì tăng.
Cho nên em đúc rút một công thức và xem đó như “thành tựu” của đời mình: “lấy chồng = rước khổ”.
“Độc thân vui tính” chẳng tốt quá sao, cuộc sống như được “vô trùng”, được cách li khỏi con vi - khuẩn - âu - lo.
Cho đến hôm rồi, khi nhận thiệp hồng của nhỏ bạn thân. Em hỏi đám cưới chuẩn bị được gì rồi?
Bạn bảo chỉ chụp vài tấm hình cưới, chọn phóng to 700 ngàn/tấm, mướn một bộ váy cưới 600 ngàn, 200 thiệp mỗi tấm chỗ quen lấy một ngàn bảy… Đơn giản. Bình dị.
Em thoáng ái ngại. Một tương lai thiếu hụt có thể đoán trước. Vậy mà mắt bạn vẫn ngời ngời hạnh phúc. Cho đến khi… em đi ăn kem với chị bạn. Chị huyên thuyên kể về chuyến đi công tác nước ngoài. Hai chị em tíu tít. Rồi giọng chị bỗng trầm xuống khi thấy đôi vợ chồng trẻ bế bé gái xinh xinh bước vào quán.
Câu chuyện bỏ nửa chừng. Ly kem tan chảy. Chỉ có ánh mắt chị nhìn đứa bé, vừa có cái gì da diết, lại vừa như thèm thuồng. Ánh mắt của người phụ nữ ở lứa tuổi “băm” bị vây bủa trong mớ ngổn ngang học hành, công việc vẫn chưa tìm được cho mình chút hạnh phút riêng.
Và cho đến khi… em soi gương. Giật mình. 27 tuổi. Nhanh thật. Mới ngày nào còn mười chín đôi mươi. Nụ cười em chưa viền những nếp nhăn nhưng hình như sách báo nói đã bắt đầu lão hóa.
Thoáng rùng mình. 10 năm nữa em sẽ như thế nào? Những cuộc hẹn hò bù khú khép lại. Bạn bè dần xa vì ai cũng bận bịu công việc, gia đình. Lúc đó em còn lại gì? Chắc còn ánh mắt.
Ánh mắt của chị. Một ánh mắt khắc khoải, day dứt và chất chứa bao khát khao thầm kín. Và chợt nhớ ánh mắt của bạn.
Lạ thật. Một người hăm hở vì được “rước khổ”, một người đau đáu vì chưa được “khổ”…
Ngày thường, cửa sổ nhà em luôn đóng im ỉm để né mớ âm thanh hỗn độn từ hàng xóm. Nhưng đêm nay em mở toang cho gió thiên nhiên ùa vào. Một không khí thật khác. Nó không mát lạnh đến tê người.
Cũng chẳng phải không mùi, không vị như cái không khí được tỏa ra từ máy điều hòa có bộ lọc ion hiện đại. Nó đem theo hơi mát của những nụ cười và cả cái oi nồng của những bực dọc, cáu gắt giữa cuộc đời thường nhật. Nó đủ đầy hương vị cuộc sống. Thật trong lành, dễ chịu. Thì ra cuộc sống không bao giờ là một môi trường chân không được “vô trùng”.
Nên hạnh phúc không phải là khi em được miễn nhiễm khỏi mọi muộn phiền. Hạnh phúc chính là lúc em tìm thấy niềm vui dù nhỏ nhặt trong bộn bề những âu lo.
Theo PNVN