Bên kia cầu vồng

Đời người, đến tuổi già, người Việt Nam mình có câu “Trẻ cậy cha - Già cậy con”, thật đúng.


Càng nghĩ càng thấy đúng. Càng nghĩ càng thấy thấm. Đúng như chân lý. Rành rành kiếp người rong ruổi. Người nối người. Đời tiếp đời, cả nghĩa đen nghĩa bóng, nghĩ ngược và nghĩ xuôi.


Kể từ buổi lọt lòng mẹ cho đến lúc xuôi tay, con người ta có 4 giai đoạn sống: Thuở bé - lúc trẻ - trung niên - vào tuổi già. Nửa trước, cậy cha nhờ mẹ. Chặng cuối cùng cậy con.


Bình thường, lẽ ra là như thế. Song cuộc sống - đời người không phẳng lặng kể từ môi trường sống cho đến những ý nghĩ ở trong đầu, hành vi thể hiện.


Đời trước, đời sau, thế nào còn có sự xê dịch, đổi thay ngoài ý muốn theo dạng: “Ở bình thì tròn, ở bầu thì dài.” Cho nên, chân lý và tiêu chí sống làm người khó tránh khỏi hai chiều hướng: Tốt và xấu.


Ngày tôi đến tuổi 50, được làm ông rồi, mới được nghe cha tôi (người đã vượt tuổi 70) nói vui: “Trẻ cậy cha, già con cậy” vào những năm 1980 của thế kỷ trước (thế kỷ 20).


Ví dụ thường gặp: Nhiều bà mẹ già khi con gái, con dâu sinh nở đã được các con nhờ đến trông cháu, đỡ đần hoặc trông nhà khi bận bịu, đi vắng.


Nhiều bậc cha mẹ già còn phải lo cho con, cháu ăn học, tìm việc làm sau khi học xong. Con cháu đã không phải phụng dưỡng, lúc đổi cõi, ông bà có tài sản, đồng tiền nào cũng để lại cho con cháu vì tình thương vô bờ bến, nghĩa vụ cao cả của người làm cha, mẹ, ông, bà, cụ...


Có một sự thật không dành riêng cho một ai, một nhà nào rằng: “Một mẹ nuôi nổi 10 con - 10 con không nuôi nổi một mẹ”.


Chẳng là: “Già con cậy” đó sao? Ấy vậy mà... cũng chẳng phải bây giờ, không ít cha, mẹ già bị con cháu hắt hủi, sống vạ vật, có người đói khát phải đi xin ăn, lang thang đầu đường xó chợ, chết lúc nào không biết.


Cụ ông, cụ bà nào lâm vào cảnh cơ cực ấy, có những nguồn cơn khác nhau, song cũng đều bởi: Tuổi già sức yếu.


Thấy rõ một điều này: Những người còn trẻ nói chung và con cháu chưa hiểu người già, cảnh vào già của ông bà, cha mẹ có bất hiếu cũng bởi lòng ích kỷ, thiếu hiểu biết, ít tình thương, tình người và còn do tác động của đời sống xã hội - môi trường sống, nơi được sinh ra (xuất thân).


Lấy cái mốc: Đến tuổi nghỉ hưu, coi như đã vào già, là từ trên 50 tuổi. Già thật rồi, là 60 trở lên, ai cũng bước vào cái chặng: Răng rụng, mắt mờ, tai điếc, chân tay chậm chạp, trí nhớ giảm, sức yếu, dễ ốm đau, ngã như chơi, 3 căn bệnh phổ biến chào mời: Tim mạch, não, tiêu hóa.


Chính vì thế, từ xưa người già đã được tặng danh hiệu: “Lẩm cẩm - lẩn thẩn”, khó tính. Khổ, răng rụng, chỉ nhấm và nuốt chửng chứ không nhai được. Ăn phải thứ khó tiêu thì sôi bụng.


Trí nhớ lẫn dần, nhớ nhớ, quên quên, trông gà hóa cuốc, đụng đâu dễ hỏng đấy, ký ức bời bời, chuyện xưa trộn với chuyện nay, tự nhiên mặc cảm, yếu đuối như đứa trẻ... cứ như trêu ngươi: “Còn trẻ ăn được thì không có cái để mà ăn, đến lúc có miếng ra miếng vào thì không ăn được nữa”.


Mọi thứ khi về già chỉ có bớt đi chứ không thêm lên. Thú gì nữa, thèm gì đâu. Không thể bắt đầu bất cứ điều gì, việc gì nữa.


Tới khúc nhôi ấy, không cậy con, cháu thì cậy ai nữa. Ngồi đấy, nằm đấy, thân già thui thủi thôi. Thế nhưng: “Bụng đói thì đầu gối phải bò”.


Vào già, sức đề kháng còn, thì còn tự sống, còn nhúc nhích được, còn bản năng sống, cho dù có phải vật vờ, lang thang khi không biết dựa vào đâu, vào ai. Sự quật khởi của người già khiến cho lớp trẻ khó hình dung ra được. Nên đời có câu bi phẫn mà đúng: “Chó già giữ xương”.



Người già nay được gọi mềm mại là: “Người cao tuổi”. Gọi là gì thì gọi. Ai được tuổi cao thì người ấy bước lên chiếc cầu vồng tuổi già thôi. Thế cho nên, ngay từ khi còn trẻ, không thì từ tuổi trung niên, nên sớm nghĩ tới tuổi già sắp tới của mình để dự liệu cho cuộc sống vào già của mình để có được bản - lĩnh - vào - già để chủ động và tự thân đón - nhận tuổi già.


Có nghĩa là biết mình đã, đang, còn những gì là hành trang cho chặng cuối đời. Có cần “cậy con” không? Cần chứ! Cần lắm. Nhưng nhỡ phải đứa con bất hiếu, thì không bị động. Đời con, đời cháu bây giờ, là quãng đời ta đã trải qua.


“Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Con, cháu nào cũng phải bươn chải, lăn lộn để sống còn. Dù có hiếu đến mấy cũng không thể ngày nào cũng nhớ, cũng phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.

Được khá giả còn đỡ chứ nghèo, sự chăm chút còn ít ỏi hơn nữa. Lòng già nào lại đòi hỏi cho mình để đến nỗi con, cháu phải khổ vì mình. Tự lo cho mình được chút nào, đỡ cho con cháu chút ấy.


Cha mẹ vì con cái, món “nợ đồng lần” còn mãi mãi từ đời này sang đời khác. Vui nhờ thế, khổ cũng tại thế.


Tuổi già là cái lúc không thể trốn chạy của những con người còn trẻ, trung tuổi hôm nay. Nhìn người già sống hôm nay với trăm, nghìn nỗi sống, ai ơi sẽ chọn cảnh nào?


Những gì thấy hôm nay, có thể là ngày mai lúc vào già của mình lắm. Bất hiếu với cha mẹ thì ắt nhận được sự đáp trả của con cái.


Hành vi bất hiếu, thậm chí đang tâm độc ác trong xử thế đối với cha mẹ, ông bà, người già trên đời xưa nay không hiếm và sẽ còn thấy ở bất cứ nơi đâu. Có thể gọi hành vi ấy là một thứ tội ác, không chỉ phải lên án, mà còn là nỗi lo về phẩm chất, tình người, tính người của xã hội, loài người.


Là một thứ tính ác giáng vào lòng nhân hậu, giá - trị - sống, văn hóa sống của con người, loài người. Một dân tộc mà sống ác, một quốc gia phát xít, chẳng trước thì sau sẽ bị tiêu diệt. Kẻ bất hiếu ắt sống bất an.


Theo TGPN


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN