Theo Ban Hạ tầng đô thị (chủ đầu tư), toàn dự án có 321 trường hợp vướng mặt bằng liên quan đến việc tái lấn chiếm hoặc có sự giao cắt, chồng lấn ranh với các dự án khác. Tình trạng này nhiều nhất ở quận Bình Tân với 224 trường hợp, Quận 12 có 36 trường hợp, còn lại Bình Chánh có 2 trường hợp, Tân Bình 3 trường hợp, Gò vấp 21 trường hợp; Bình Thạnh có 2 trường hợp.
Chủ đầu tư cho biết, các quận huyện liên quan đang tích cực rà soát, kiểm tra, đối thoại, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án, đến nay đã giải quyết được 273/321 trường hợp. Cụ thể, quận Bình Tân giải quyết 207/224 trường hợp, Gò Vấp được 37/54 trường hợp, Quận 12 giải quyết được 28/36 trường hợp, Tân Bình giải quyết được 1 trường hợp.
Liên quan việc bồi thường giải phóng mặt bằng, quận Gò Vấp đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 43/46 trường hợp, còn lại đang triển khai tiếp xúc đối thoại, đối chiếu hồ sơ, vận động 3 hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, Quận 12 đã bàn giao mặt bằng 82/182 hộ, hiện đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đền bù, thu hồi đất của 100 hộ còn lại.
Về xây lắp, hiện cả 10 gói thầu đã được ký kết hợp đồng, nhà thầu đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tiến độ toàn dự án ước đạt 37%; trong đó, một số hạng mục chính có tiến độ tốt như xây dựng kè bờ kênh đạt gần 62%; xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất đạt trên 50%; xây dựng các cống cấp 2 đã đồng loạt thi công 22/22 cống.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn Quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh.
Dự án xây dựng tuyến kè bờ kênh tổng chiều dài khoảng 63 km; nạo vét kênh chiều dài 3l km, bề rộng đáy kênh trên 30m (từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đai) và trên 40m (từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn); xây đường giao thông hai bên bờ kênh tổng chiều dài 63 km, bề rộng từ 7 - 12m.