Nhiều phường, xã chuyển sang "vùng cam"
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh hiện đạt cấp độ 2. Trong đó, 2/22 địa phương có cấp độ 3 là huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè; 7/22 địa phương đạt cấp độ 2 gồm Quận 3, Quận 10, Quận 12, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và 13/22 địa phương đạt cấp độ 1.
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, có 197/312 địa phương đạt cấp độ 1, 102/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 13/312 địa phương đạt cấp độ 3.
Theo đó, có 3 quận, huyện tăng cấp độ dịch so với tuần trước là Quận 10 (từ cấp độ 1 lên cấp độ 2), huyện Cần Giờ (từ cấp độ 1 lên cấp độ 3) và huyện Nhà Bè (từ cấp độ 2 lên cấp độ 3). Hai địa bàn giảm cấp độ dịch so với tuần trước là Quận 11 và quận Phú Nhuận (từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1).
Lý giải nguyên nhân vì sao huyện Nhà Bè và Cần Giờ nâng cấp độ dịch lên mức nguy cơ cao, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, do hai địa phương này có nhóm công nhân sinh sống trên địa bàn làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất mắc COVID-19.
Cụ thể, tại huyện Nhà Bè, các ca bệnh sinh sống trên địa bàn được phát hiện từ các công nhân làm việc tại 2 khu công nghiệp lớn là Hiệp Phước và Long Hậu. Tuy nhiên, do hai khu công nghiệp này chưa tổ chức được khu cách ly tạm thời nên cho công nhân trở về địa phương, dẫn đến nguy cơ tăng lên. Tương tự, huyện Cần Giờ cũng có nhóm công nhân làm việc ở khu công nghiệp Long Hậu mắc COVID-19 nên dẫn đến nguy cơ ca nhiễm tăng lên.
"Huyện Nhà Bè có nhiều khu công nghiệp, lại có cảng biển, biến động dân cư cao nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh COVID-19 sẽ cao. Áp lực của huyện Nhà Bè cũng là áp lực chung, tương tự như đối với các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Trong bối cảnh công nhân cư ngụ tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm trên địa bàn huyện Cần Giờ tăng là do công nhân làm việc từ khu chế xuất, khu công nghiệp nhiễm bệnh về nhà lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh. Số F0 ghi nhận phần lớn trên 18 tuổi, đã được tiêm vaccine nên chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, có 1 trường hợp chuyển viện do có bệnh nền.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải cho rằng, số ca mắc mới trong tuần có giảm so với tuần trước nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, từ 900 đến 1.000 ca mỗi ngày. Đặc biệt, so với tuần trước, số phường, xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 3 cũng tăng từ 4 phường, xã lên 13 phường, xã. Ngoài ra, nếu như trong tuần trước không có quận, huyện nào có dịch ở cấp độ 3 thì tuần này xuất hiện huyện Cần Giờ và Nhà Bè từ cấp độ 1 và 2 chuyển lên cấp độ 3.
Bên cạnh đó, số ca xuất viện cũng luôn thấp hơn số ca nhập viện. Cụ thể: ngày 4/11 có số ca nhập viện là 1.137 nhưng xuất viện là 688; ngày 6/11 có số ca nhập viện là 908 và xuất viện là 800; ngày 7/11 có số ca nhập viện là 953 và xuất viện là 533.
“Từ những số liệu trên cho thấy, tình hình dịch bệnh tại thành phố trong những ngày gần đây có diễn biến phức tạp. Theo đó, người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K, kèm theo đó là phải thay đổi hành vi, thay đổi thói quen để thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, căn cứ Kế hoạch 3515 của UBND TP Hồ Chí Minh, việc đi lại của người dân ở vùng cấp độ 3 không bị hạn chế. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo quy định.
Xét nghiệm quy mô rộng để đánh giá sát thực tế
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, để kiểm soát số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, theo kế hoạch hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tổ chức giám sát xét nghiệm kịp thời F0, không để dịch lan rộng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Theo đó, ngành y tế sẽ tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khu vực chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở hỗ trợ xã hội; các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát định vị ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.
Trong khi đó, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm với quy mô mẫu rộng nhằm đánh giá tình hình sát thực tế hơn. Việc xét nghiệm này cần đảm bảo 2 yếu tố là quy mô mẫu và cơ cấu xét nghiệm sao cho trúng để mẫu xét nghiệm có độ tin cậy cao.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Theo tính toán, với 10 triệu dân thì mỗi ngày, Thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu.
Về kế hoạch chăm sóc và điều trị cho F0 tại nhà, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện Thành phố còn 51.424 túi thuốc A, B để cấp cho F0 đang điều trị tại nhà. Tùy theo tình hình dịch bệnh, Thành phố có thể tổ chức mua sắm thêm 100.000 túi thuốc A, B theo kế hoạch. Riêng đối với túi thuốc C, hiện Thành phố còn 21.417 túi và khi có nhu cầu, Thành phố sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm túi thuốc này.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, khi tình hình dịch căng thẳng, Thành phố đã lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã đã giúp chăm sóc F0 qua điện thoại cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.
"Hiện số F0 giảm nhưng việc duy trì các trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Do đó, tùy theo mức độ, tình hình F0 trên địa bàn, các địa phương sẽ triển khai duy trì các trạm y tế lưu động. Mỗi trạm y tế lưu động có thể chăm sóc từ 50 - 100 F0”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Về việc chuẩn bị nhân sự cho trạm y tế lưu động khi lực lượng Quân y rút khỏi thành phố, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế thành phố đã có phương án giao lại cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế. Các trạm y tế lưu động sẽ được giao cho các bệnh viện trên địa bàn, bao gồm các bệnh viện công lập, bệnh viện ngoài công lập cũng như huy động các thầy thuốc ở các phòng mạch, phòng khám tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.
Tính từ 16 giờ ngày 7/11 đến 16 giờ ngày 8/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.316 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Hiện TP Hồ Chí Minh đang điều trị 11.527 bệnh nhân, trong đó có 255 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.