Cơ chế thí điểm cho sự phát triển đột phá
Ngày 24/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 với kỳ vọng tạo ra xung lực mới, khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tàu kinh tế của cả nước, mở đường cho việc áp dụng các cơ chế, chính sách vượt trội tại các địa phương.
Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, quy định 44 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trên 7 lĩnh vực, với các nội dung về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP Hồ Chí Minh; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.
Trong số 44 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98 của Quốc hội có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội ; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang trong quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP Hồ Chí Minh.
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Nghị quyết 98 là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài của TP Hồ Chí Minh và cả nước. Đây có thể coi là cú đột phá cho một hình mẫu phát triển mới. Một trong những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết 98 chính là cách tiếp cận tổ chức bộ máy phù hợp với vai trò, tầm vóc của Thành phố; cho phép Thành phố có cơ quan chức năng phù hợp với mình; chủ động biên chế cấp cơ sở. Với cơ chế mới này, Thành phố có cơ hội đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả...
Nhìn nhận Nghị quyết 98 ở một góc độ khác, Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 98 của Quốc hội là một nghị quyết mang tính đột phá và hành động rất cao, cho phép Thành phố có thẩm quyền về quyết định ngân sách; được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); được quyết định về hệ số giá đất trong dự án đối tác công tư, tạo đột phá cho giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cơ sở hạ tầng then chốt; đề cao tính giám sát của cộng đồng xã hội… Những cơ chế, chính sách này sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo được sự đồng thuận xã hội để phát huy mọi nguồn lực giúp Thành phố phát triển mạnh mẽ.
Linh mục Trần Quang Vinh, đại biểu HĐND Thành phố cho biết, đông đảo cử tri và các chức sắc tôn giáo rất hoan nghênh, đón nhận tin vui khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP Hồ Chí Minh. Đồng bào cử tri Thành phố thể hiện sự ủng hộ, quyết tâm đồng lòng cùng chính quyền Thành phố nhanh chóng triển khai Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thiết thực và cụ thể.
Chia sẻ với niềm vui của nhân dân Thành phố đón nhận Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 98 tạo cơ sở pháp lý giúp Thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết những điểm nghẽn về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Đây cũng là “ý Đảng, lòng dân”, tạo đột phá trong huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thành phố để phát triển nhanh, bền vững.
Sẵn sàng cho cơ hội “vượt vũ môn”
Ngay từ khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, dù chưa đến thời gian có hiệu lực, cả hệ thống chính trị TP Hồ Chí Minh đã ráo riết chuẩn bị cho việc triển khai Nghị quyết 98 vào thực tế bằng những việc làm cụ thể.
Ngày 8/7, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 21 để cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2023 và dự thảo Chỉ thị của Thành ủy về lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Nghị quyết 98 là sự triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện thuận lợi để cho TP Hồ Chí Minh thực hiện sứ mệnh của mình đối với sự phát triển trong giai đoạn tới.
Nghị quyết 98 là nghị quyết “hành động”, cả hệ thống chính trị của Thành phố phải vào cuộc để chuẩn bị bước vào “chiến dịch” với sự thống nhất cao về ý chí và hành động để hoàn thành trọng trách được giao trong vai trò đầu tàu, tiên phong của cả nước.
Chỉ hai ngày sau, HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức Kỳ họp thứ X với một nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết (có hiệu lực từ 1/8/2023) về triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, tạo tiền đề tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, góp phần giữ vững vai trò là cực tăng trưởng, là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Nghị quyết 18/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội đã được thông qua ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp với sự nhất trí 100% đại biểu có mặt, thể hiện sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của nhân dân Thành phố trong triển khai những cơ chế, chính sách mới.
Cũng ngay trong kỳ họp lần thứ X, HĐND Thành phố đã thông qua một số nghị quyết trên cơ sở nội dung Nghị quyết 98 của Quốc hội như sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP Hồ Chí Minh về Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Tất cả những nghị quyết này có hiệu lực sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội có hiệu lực vào ngày 1/8/2023.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98 bao gồm rất nhiều nội dung mới, vì vậy quá trình triển khai đòi hỏi Thành phố phải vừa nghiên cứu, vừa điều chỉnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mới có thể đạt hiệu quả cao. Để sớm hiện thực hóa Nghị quyết 98, ngay từ khi Chính phủ ký hồ sơ trình Quốc hội về Nghị quyết 98 thì UBND Thành phố đã lên kế hoạch tạm phân công các cơ quan chuẩn bị. Bao gồm tổ công tác chuẩn bị 11 nội dung trình HĐND Thành phố (tại kỳ họp thứ X) và nhóm công tác chuẩn bị 37 nội dung hoàn thành trong 6 tháng cuối năm về triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Chủ tịch UBND Thành phố cho biết thêm, ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, UBND Thành phố sẽ khẩn trương hoàn thành các thủ tục thành lập Sở An toàn Thực phẩm với mục tiêu phấn đấu trình HĐND Thành phố ngay trong tháng 9 này.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98 của Quốc hội là nghị quyết hành động với những vấn đề có tính đột phá, vượt lên quy định bình thường. Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung dồn toàn lực để đưa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thành phố cần vững vàng trước mọi thử thách, bản lĩnh trước mọi quyết định của mình để tạo bước đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Có thể nói, bằng sự nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã và đang từng bước hiện hữu tại TP Hồ Chí Minh, mang theo kỳ vọng không chỉ của nhân dân Thành phố mà của cả đồng bào trong nước và nước ngoài về sự chuyển biến mang tính đột phá trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược... Từ đó thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững với tư cách một đầu tàu kinh tế của cả nước.