Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành thông tư quy định đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập theo Luật Đấu thầu năm 2023, Sở đã tập hợp nhu cầu triển khai thực hiện gói thầu thuốc generic và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền để mua sắm tập trung cho các trạm y tế trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025.
Theo đó, gói thầu thuốc generic được phân công cho Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu. Sau khi đóng thầu, có 80 nhà thầu tham dự, với 482 sản phẩm dự thầu. Gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền được phân công cho Bệnh viện Y học cổ truyền làm bên mời thầu. Sau khi đóng thầu, 28 nhà thầu tham dự với 104 sản phẩm dự thầu.
Sau thời gian khẩn trương thực hiện, đến nay, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền đã lựa chọn được 50 thuốc trúng thầu trong 57 thuốc mời thầu (đạt tỷ lệ 87,72%). Với giá kế hoạch của 50 mặt hàng trúng thầu là 15.231.543.445 đồng và giá trúng thầu tương ứng của 50 mặt hàng là 12.239.972.820 đồng, giá trị tiết kiệm đạt 2.991.570.625 đồng (tỷ lệ tiết kiệm đạt 19,64%).
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, gói thầu thuốc generic do Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu, quy mô gói thầu tương đối lớn, hiện nay đã xong giai đoạn đánh giá hồ sơ và tổng hợp kết quả. Sở Y tế đã thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và Bệnh viện Hùng Vương sẽ thực hiện rà soát theo kết quả thẩm định. Dự kiến gói thầu này cũng sẽ được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong khoảng từ ngày 10 - 12/10/2024. Theo thông tin tổng hợp ban đầu, có khoảng 240 thuốc trúng thầu trong 298 thuốc mời thầu (đạt tỷ lệ 80,53%).
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, với tỷ lệ mặt hàng có nhà thầu tham gia và trúng thầu đạt hơn 80% so với số lượng mặt hàng mời thầu đối với cả hai gói thầu, danh mục thuốc tại trạm y tế có thể tăng lên đến khoảng 300 mặt hàng, đáp ứng cho yêu cầu điều trị tại trạm y tế.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện gói thầu, thuốc trúng thầu của các gói thầu này còn có thể được điều chuyển số lượng phân bổ tùy theo nhu cầu và tình hình sử dụng thực tế của các trạm y tế, trung tâm y tế giúp nâng cao sử dụng thuốc của các cơ sở y tế.
Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, mặc dù các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã nghiêm túc triển khai đấu thầu thuốc cho các trạm y tế đúng theo quy định nhưng kết quả cung ứng thuốc của hầu hết các đơn vị này còn rất hạn chế.
Hiện nay, chỉ có một số trạm y tế thuộc số ít các trung tâm y tế như Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú và Cần Giờ có danh mục thuốc tương đối đa dạng và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, còn lại các trạm y tế của đa số trung tâm y tế chỉ có trung bình từ 10 đến15 mặt hàng thuốc. Nhiều trạm y tế chưa đảm bảo đủ cơ số thuốc tối thiểu điều trị các bệnh lý mạn tính theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.