TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu và hàng bình ổn thị trường Tết 2023

Chiều 3/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022 và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại buổi họp báo, các đơn vị chức năng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến việc cung ứng hàng hóa dịp Tết 2023 và việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo chiều 3/11.

Hàng bình ổn sẽ chiếm đến 43%

Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phải đảm bảo nguồn cung; lưu thông, tiếp nhận, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. 

"Hiện ngành công thương TP Hồ Chí Minh đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ, kế hoạch của UBND Thành phố đã ban hành; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ cho người dân. Theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến đáp ứng từ 25 - 43% nhu cầu thị trường”, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết.

Chú thích ảnh
Các nhà phân phối liên tục giảm giá để kích cầu tiêu dùng mua sắm dịp cuối năm. 

Cũng theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, để hỗ trợ các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu online, kết nối cung cầu chuyên đề, mùa vụ, trong đó trọng tâm là hoạt động kết nối tập trung. Tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, nổi bật là đợt 2 chương trình “Shopping Season 2022” với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ diễn ra từ 15/11 đến 15/12/2022 và hội chợ hàng tiêu dùng cuối năm.

Mặt khác, ngành công thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Sở cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường; không để xảy ra việc đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm. Trong chương trình bình ổn năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 34%, dầu ăn chiếm 28%, đường chiếm 21%, thịt gia súc chiếm 19%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.

Vẫn còn tình trạng thiếu xăng dầu

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc cung ứng xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trên tổng số 34 doanh nghiệp đầu mối của cả nước. TP Hồ Chí Minh hiện có 29 cửa hàng bán lẻ và 550 cửa hàng xăng dầu; qua công tác kiểm tra, xử lý và theo dõi tình hình thực tế thị trường xăng dầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu nguồn cung xăng dẫn tới một số cửa hàng không có xăng để bán.

Chú thích ảnh
Người dân TP Hồ Chí Minh vẫn chật vật với tình trạng thiếu xăng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên giám sát, kiểm tra và trên thực tế có thể khẳng định không có tình trạng găm hàng. Trong quá trình kiểm tra cụ thể, những cửa hàng không bán là do không còn xăng dầu trong bồn chứa.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, trong 3 ngày gầy đây, số lượng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hụt nguồn hàng có giảm đi. Cụ thể, ngày 3/11 có 65 cửa hàng thiếu hụt xăng, ngày 2/11 có 87 cửa hàng và ngày 1/11 có đến 111 cửa hàng. "Trong 2 ngày qua đã có thêm 24 cửa hàng nhập được xăng. Tình trạng tạm hết xăng dầu rải đều ở hầu hết các quận, huyện; tuy nhiên tại các quận trung tâm, tình trạng đảm bảo cung ứng tốt hơn. Khu vực vùng ven, các cây xăng bị thiếu hụt cao hơn. Tuy nhiên, không có địa bàn nào bị “trắng” không có cây xăng phục vụ, không xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn gây xáo trộn hoạt động sản xuất, đời sống của người dân", ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn tình trạng treo biển "hết xăng, còn dầu". 

Theo thống kê của Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, năm 2022, đoàn liên ngành đã kiểm tra 12 doanh nghiệp, lấy đột xuất 89 mẫu xăng dầu các loại để giám định đánh giá chất lượng. Kết quả có 88 mẫu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; 1 mẫu chưa đảm bảo nhưng không phải do pha trộn mà do quá trình vận chuyển, bảo quản không đảm bảo. Chưa phát hiện dấu hiệu pha trộn trái phép hoặc xăng dầu giả trên địa bàn.

"Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý", ông Nguyễn Tiến Đạt thông tin thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh khởi động sớm thị trường hàng Tết
TP Hồ Chí Minh khởi động sớm thị trường hàng Tết

Bước sang tháng 11, thị trường hàng Tết tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu khởi động với nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN