Theo bà Lê Thị Hồng Nga, biến thể EG.5 đã được báo cáo và phát hiện từ tháng 2/2023. Sự xuất hiện biến thể mới này không nằm ngoài sự tính toán của các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, trong tuyên bố của WHO khi kết thúc tình trạng đáp ứng khẩn cấp về y tế công cộng đối với COVID-19, Tổng thư ký của WHO đã khẳng định chỉ chấm dứt tình trạng đáp ứng khẩn cấp về y tế công cộng chứ không có nghĩa là dịch COVID-19 đã hết. Theo đó, virus SARS-CoV-2 vẫn còn trong cộng đồng, vẫn còn số ca mắc và ca tử vong.
Tuy nhiên, điều kiện để kết thúc đại dịch COVID-19 chính là những biển thể mới này không làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh, không ảnh hưởng đến số ca mắc và số ca nhập viên. Song song đó, hiện nay tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên thế giới rất cao.
Liên quan đến các hoạt động giám sát biến thể mới EG.5 tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Hồng Nga cho biết, thực tế tại Thành phố hiện nay, số ca mắc COVID-19 hàng tuần ghi nhận còn rất ít. Cụ thể, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận chỉ có 2 trường hợp mắc COVID-19. Mặt khác, trong cộng đồng cũng không ghi nhận được chùm ca viêm hô hấp. Bên cạnh đó, qua Hệ thống giám sát các biến chủng COVID-19 của Trung tâm cũng chưa ghi nhận biến thể mới EG.5.
“Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Theo đó, các hoạt động giám sát COVID-19 một cách bền vững vẫn được ngành y tế Thành phố thực hiện. Đó là vẫn duy trì hệ thống giám sát ca bệnh, lấy mẫu giám sát biến chủng và duy trì hoạt động tiêm chủng vaccine COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế”, bà Lê Thị Hồng Nga thông tin thêm.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hồng Nga cũng cho biết thêm, việc kiểm soát COVID-19 vẫn cần sự chủ động phòng bệnh của mỗi người dân. Theo đó, bà Nga khuyến cáo người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, bởi hiện nay, ngoài COVID-19 vẫn còn nhiều tác nhân khác gây ra các bệnh viêm đường hô hấp.