Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, đây là hoạt động trực tiếp kết nối sinh viên hỗ trợ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng, học chữ, cải thiện kết quả học tập, có thêm động lực, sự tự tin và được vui chơi, giải trí lành mạnh, nhất là trẻ tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn đầu, dự án được triển khai tại Trung tâm Phát huy Bình An (Quận 8), Trường Tình thương Cầu Hàn (Quận 7), Mái ấm Ánh Sáng (Quận 3) và Trường Tình thương EILI (quận Tân Bình) với sự tham dự của nhiều sinh viên.
Dự án có quy mô không lớn so với Thành phố trên dưới 10 triệu dân nhưng được kỳ vọng có thể làm tốt nhất và kéo dài 5 - 10 năm. Đặc biệt, dự án đi vào ổn định sẽ thu hút đông đảo sinh viên, tình nguyện viên tham gia để việc trợ giúp trẻ em ngày càng hiệu quả; chất lượng, nội dung hoạt động phong phú hơn; góp phần lan tỏa, nhân rộng mô hình vì cộng đồng và trẻ em đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội cùng đồng hành hỗ trợ, ông Nguyễn Ngọc Phúc chia sẻ.
Ông Yi Euyhun, Giám đốc điều hành Tổ chức Jump cho biết, mô hình dự án hiện hoạt động rất hiệu quả tại Singapore, Hàn Quốc, mới đây là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy sự phù hợp với phong tục tập quán của người châu Á. Đặc biệt, dự án được triển khai dưới hình thức ba bên (đơn vị tổ chức có nhiều kinh nghiệm làm công tác xã hội, tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, trẻ em ở các trường tình thương, mái ấm) cùng đồng hành hỗ trợ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người dân địa phương thay đổi cách nhìn để nỗ lực nhiều hơn trong học tập, sinh hoạt và đời sống.
Dự án hướng đến hỗ trợ tinh thần tình nguyện, chia sẻ cảm xúc, đồng hành, tạo môi trường lành mạnh, tích cực cùng các em. Do vậy, các tình nguyện viên sẽ liên tục được đào tạo, hướng dẫn để luôn gắn bó, cùng học tập, sinh hoạt, vui chơi, hướng các em phát triển theo chiều hướng tích cực. Ông Yi Euyhun kỳ vọng, các em được giúp đỡ sẽ tiếp tục học tập, vươn lên trở thành người có ích, trở lại làm tình nguyện viên cho chương trình, giúp đỡ cộng đồng, trẻ em khác...
Đại diện nhóm sinh viên Khoa Công tác xã hội Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Vân Anh bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng dự án. Thông qua hoạt động trực tiếp với trẻ, Vân Anh cùng các tình nguyện viên được trực tiếp trải nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực, kiến thức chuyên trước khi tốt nghiệp, tham gia vào thị trường lao động hiệu quả nhất.
Với tinh thần tình nguyện, sẵn sàng cống hiến, các tình nguyện viên cam kết dành 4 tiếng/tuần xuyên suốt 5 tháng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chia sẻ cảm xúc, truyền động lực, giúp trẻ em đang theo học tại các mái ấm, nhà tình thương nỗ lực vượt khó, tiếp tục học tập, phát triển bản thân để cùng phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau…