Theo ông Phan Văn Mãi, trong quá trình xây dựng các phương án, kế hoạch tại cơ sở, phải tổng hợp đầy đủ các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời và báo cáo về trên tham mưu xử lý; rà soát, giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính có liên quan một cách thuận lợi nhất, hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân, các tổ chức; cùng với đó phải ứng dụng công nghệ để chuyển đổi các hồ sơ.
"Trước hết, nhận thức phải thông, sau đó thì phải triển khai kỹ lưỡng, khoa học để đạt được kết quả. Sắp tới, các địa phương sẽ ban hành các kế hoạch, phương án sắp xếp. UBND Thành phố sẽ tổng hợp từ các quận huyện, thành phố Thủ Đức để tháng 12 trình HĐND Thành phố và hoàn thiện việc sắp xếp theo kế hoạch là quý I/2024", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá: "Các tổ chức dưới phường, xã đã hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực cho hoạt động của chính quyền cơ sở, cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại cơ sở. Đặc biệt, thông qua mô hình này, chúng ta đã thực hành mở rộng dân chủ cơ sở rất tốt. Chúng ta phải khẳng định sự tồn tại này rất cần thiết, rất có ý nghĩa cho sự ổn định và phát triển tại cơ sở cũng như toàn thành phố".
Theo kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi sắp xếp, dưới phường, thị trấn chỉ có khu phố; dưới xã chỉ có ấp. Việc sắp xếp căn cứ trên số hộ thực tế, quy mô số hộ theo quy định (khu phố quy mô từ 500 hộ trở lên, ấp từ 350 hộ trở lên), địa giới, ranh giới khu phố, ấp để chia nhỏ hoặc thành lập mới khu phố mới, ấp mới. Đối với các khu phố, ấp đã hoạt động ổn định, ranh địa giới không thay đổi, có thể vận dụng thấp hơn hoặc lớn hơn quy mô số hộ dân để giữ nguyên khu phố, ấp.
Khi sắp xếp sẽ có 5 chức danh được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước gồm: Bí thư; Trưởng khu phố, ấp; Trưởng Ban công tác Mặt trận; Chi hội trưởng Phụ nữ và Bí thư Chi đoàn thanh niên. Ngoài 5 chức danh trên, người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng từ đoàn phí, hội phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động và từ các nguồn quỹ khác (nếu có) phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn thành phố.
Theo Sở Nội vụ, với mô hình mới, thành phố bỏ cấp tổ dân phố, tổ nhân dân, giúp giảm từ 27.377 xuống 5.242 khu phố - ấp, tức giảm khoảng 80%. Một khu phố có ít nhất 500 hộ trở lên và ấp có 350 hộ trở lên. Theo quy chuẩn này, hiện Thành phố có 277 khu phố - ấp dưới chuẩn phải gộp lại, 926 trên chuẩn phải chia tách, còn 801 giữ nguyên. Sau khi sắp xếp lại, số người hoạt động giảm từ hơn 64.000 người còn hơn 26.000 người.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, thực hiện sắp xếp lại chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người; tác động đến người dân và nhiều chủ thể khác. Đặc biệt, sau khi sắp xếp sẽ dôi dư nhân lực, trong đó không ít người đã nhiều năm công tác tại địa phương, do đó việc xử lý phải linh hoạt, phù hợp. Sở Nội vụ cần sớm có hướng dẫn lập danh sách đối với những người có nhiều năm tham gia công tác ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân đến nay không tiếp tục tham gia để đề xuất biểu dương, khen thưởng.
Tại Hội nghị, đề cập đến việc sắp xếp các quận huyện, phường xã, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sau rà soát, Thành phố có 6 đơn vị cấp huyện, 149 đơn vị cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số (có 7 đơn vị cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước). Tuy nhiên, nếu theo các tiêu chí đặc thù, cần rà soát lại, có thể sau rà soát lại sẽ có một số đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc diện không phải sắp xếp.
"Việc này Thành phố đang nghiên cứu, xây dựng đề án để trình các cơ quan có thẩm quyền. Thành phố sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa phương án phù hợp để làm sao thực hiện đúng quy định nhưng không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố".