Đồng thời, ngành công thương TP Hồ Chí Minh luôn bám sát diễn biến thị trường và đưa ra nhiều kịch bản linh hoạt để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm đến mọi người dân trong mọi tình huống.
Giải tỏa bán buôn tự phát
Cụ thể, sau khoảng gần một tuần triển khai Chỉ thị số 10/CT-UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2021 về việc siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, chính quyền 24 quận, huyện đã phối hợp cùng ngành công thương thành phố tổ chức lại hoạt động thương mại; trong đó, lực lượng chức năng đã khẩn trương giải tỏa hàng loạt chợ tự phát, chợ tạm, chợ cóc... và kể cả những khu vực bán buôn tự phát trên các tuyến đường liền kề mạng lưới chợ truyền thống, điểm bán buôn lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực dân cư đông đúc...
Ghi nhận thực tế tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP Hồ Chí Minh cho thấy, không khí bán buôn chỉ diễn ra tại khu vực phân bố quầy/sạp chính theo quy định của Ban quản lý chợ. Cùng với đó, dọc theo những tuyến đường liền kề chợ không còn những đơn vị kinh doanh tự phát lấn chiếm lề đường như thời điểm trước khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 10. Đồng thời, những hộ kinh doanh gia đình ở các mặt bằng kinh doanh thương mại xung quanh chợ cũng tinh gọn quy mô bán buôn và treo bảng "chỉ bán mang đi".
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu, đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, những khu vực bán buôn tự phát ven theo bốn mặt chợ cũng được lực lượng chức năng và Ban quản lý chợ thực hiện giải tỏa trong những ngày qua. Đặc biệt, tại đây liên tục phát loa thông tin đến tiểu thương, thương nhân và đơn vị kinh doanh về Chỉ thị 10 của UBND TP Hồ Chí Minh, cũng như biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nhã Linh, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đi chợ truyền thống là thói quen tiêu dùng của người dân Việt, tuy nhiên tình hình kinh doanh, buôn bán tự phát tại mạng lưới chợ truyền thống cũng làm người dân quan ngại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Do đó, khi tình hình kinh doanh, bán buôn tự phát ở những khu vực liền kề chợ được giải tỏa, sẽ tạo điều kiện an toàn sức khỏe người dân khi đến mạng lưới chợ truyền thống mua sắm và đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định cho những quầy/sạp trong chợ hơn.
Theo báo cáo nhanh của một số quận, huyện, lực lượng chức năng đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai Chỉ thị 10 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn đối với lĩnh vực thương mại. Điển hình, để quyết liệt chấn chỉnh hoạt động thương mại, trong đợt ra quân lần này, lực lượng chức năng thực hiện quy trình nhắc nhở, tuyên truyền, vận động đơn vị kinh doanh chấp hành Chỉ thị 10 của UBND TP Hồ Chí Minh.
Riêng đối với những đơn vị kinh doanh không chấp hành, lực lượng chức năng tiến hành linh hoạt biện pháp cứng rắn như xử phạt hành chính, tạm thu giữ phương tiện kinh doanh, lập hàng rào chắn khu vực tụ tập bán buôn tự phát, giăng dây giới hạn những tuyến đường thường xuyên xuất hiện đơn vị kinh doanh tự phát... Cùng với đó, chính quyền quận, huyện cũng lập chốt liên ngành, gồm lực lượng công an, trật tự đô thị, dân phòng... để kiểm tra, giám sát những "điểm nóng" buôn bán tự phát trên địa bàn để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, vấn đề bán buôn tự phát từ lâu đã là vấn nạn tại khu vực thành thị, chứ không riêng tại TP Hồ Chí Minh nên giải pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là làm sao nâng cao được nhận thức của người dân không mua bán tại những điểm kinh doanh tự phát.
Theo đại diện lực lượng chức năng ở một số quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chỉ khi người dân; trong đó, cả người bán và người mua ý thức được việc buôn bán tự phát trong thời điểm bình thường đã gây mất trật tự xã hội, còn đối với bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay càng nguy hại hơn. Từ đó, người dân chủ động từ bỏ thói quen mua sắm hàng hóa bán buôn trên các tuyến đường, chợ tự phát... để tự bảo vệ an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19.
Tuân thủ giãn cách mua sắm
Trên thực tế, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại kênh bán lẻ hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống liên quan đến ca nghi nhiễm và nhiễm dịch COVID-19 phải tạm đóng cửa và ảnh hưởng đáng kể đến việc bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, nhà bán lẻ, doanh nghiệp, Ban quản lý chợ... cũng đang tích cực kêu gọi người dân tham gia mua sắm tại điểm bán phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế và quy định của chính quyền TP Hồ Chí Minh.
Tại Co.opmart, Co.opXtra đã tiên phong tiến hành phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng siêu thị tránh tình trạng khách ùn vào siêu thị quá đông không đảm bảo giãn cách. Song song đó, những điểm bán này cũng kích hoạt đa dạng phương án đảm bảo an toàn môi trường siêu thị cho đến phương án hàng hóa, nhân sự, bán hàng qua điện thoại, online, giao hàng tận nơi, giảm giá hàng hóa... để vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong trường hợp có thông tin có ca nghi nhiễm cần truy vết có liên quan đến siêu thị, các điểm bán này sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa và sau đó khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên. Sau khi thực hiện đủ tất cả điều kiện an toàn, thì Co.opmart, Co.opXtra nhanh chóng hoạt động trở lại phục vụ người dân trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu thị trường và phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, ngành công thương không ngừng nỗ lực bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên diện rộng hoặc xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến. Vì vậy, người dân không nên có tâm lý tích trữ số lượng hàng hóa để tránh tình trạng tập trung tại điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Về vấn đề vận chuyển và lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và 22 tỉnh, thành đã thống nhất thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ thông tin thị trường, nguồn cung hàng hóa và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh (nếu có). Riêng tại TP Hồ Chí minh, Sở Công Thương đã làm việc với Sở Giao thông vận tải cùng xây dựng phương án ưu tiên phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa 24/24. Ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên ngành tăng cường giải pháp hỗ trợ đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu như cấp giấy chứng nhận lưu thông cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, bán hàng trực tuyến...