Xử lý "điểm đen"
Hàng năm, Tp. Hồ Chí Minh luôn ban hành các kế hoạch xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông. Số điểm đen tai nạn giao thông có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2016 có 17 điểm đen tai nạn giao thông, thì đến nay chỉ còn 7 điểm đen.
Trong năm 2019, Thành phố có tổng cộng 3.427 vụ tai nạn, làm chết 641 người và bị thương 2.406 người; so với 2018 giảm 213 vụ, giảm 74 người chết và giảm 69 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xẩy ra 1.381 vụ tai nạn, làm chết 249 người và bị thương 978 người; so với cùng kỳ giảm 277 vụ, giảm 56 người chết và giảm 168 người bị thương.
Tháng 3/2020, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã công bố xóa 4 điểm đen giao thông tại giao lộ Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (Quận 1), giao lộ đường D2 – đường D7 thuộc Khu công nghệ cao (Quận 9), trước số 186 đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) và giao lộ Nguyễn Văn Linh – Quản Trọng Linh (Bình Chánh). Tháng 7/2020, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục công bố xóa điểm đen tai nạn giao thông trên cầu Bình Lợi 1 (quận Bình Thạnh).
Hiện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh còn 7 điểm đen về tai nạn giao thông tại khu vực trước số 235 Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt đoạn từ Yersin đến Nguyễn Thái Học (Quận 1); nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2); cầu Nguyễn Tri Phương (Quận 5); đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ trụ điện NDT/T170C đến trụ điện T173C (Quận 9); cầu Sài Gòn 2 (Bình Thạnh) và vòng xoay An Sương (Quận 12 và Hóc Môn).
Ghi nhận thực tế, các nút giao An Sương, Mỹ Thủy, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh… luôn trong tình trạng mật độ lưu thông cao, nhất là các loại xe tải hạng nặng, xe container… Sau khi các công trình giao thông được hoàn chỉnh (nút giao Mỹ Thủy còn một số hạng mục), các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn, giảm tình trạng xe gắn máy, xe ô tô cỡ nhỏ lưu thông cùng với các loại xe tải lớn, container… Điều này sẽ làm giảm dần các nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra tại các nút giao cửa ngõ này.
Hiện các đơn vị đã và đang nỗ lực để cải thiện giao thông, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông. Tại nút giao Mỹ Thủy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ thường xuyên kiểm tra tình hình giao thông tại khu vực, tình hình triển khai thi công dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy để đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị liên quan kịp thời khắc phục các bất cập phát sinh; UBND Quận 2 khẩn trương thực hiện việc bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai các giai đoạn tiếp theo nhằm hoàn thiện nút giao thông này.
Trong khi đó, việc đưa vào sử dụng toàn bộ công trình nút giao thông ba tầng An Sương được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông khu vực này thời gian tới.
Ùn tắc giao thông giảm
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải công bố xóa 6 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông tại các giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư (Quận 7), Lê Văn Việt – Đình Phong Phú (Quận 9), Tô Ngọc Vân – TX25 (Quận 12); Quốc lộ 1 – khu vực cầu Bình Điền (Bình Chánh), đường Hoàng Minh Giám (Phú Nhuận và Gò Vấp), ngã tư Thủ Đức (Quận 9 và Thủ Đức).
Trong đó, khu vực Hoàng Minh Giám, một trong những tuyến đường cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, đã giảm ùn tắc giao thông do công trình cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn và các dự án cải tạo, mở rộng một số tuyến đường lân cận hoàn thành. Cầu vượt thép dạng chữ N tại khu vực này hoàn thành giúp giảm xung đột giao thông giữa các hướng qua nút giao.
Ông Lê Thanh Ngọc, nhiều năm buôn bán khu vực giao cắt Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm cho biết, trước đây nút giao này luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe diễn ra liên tục, cả giờ cao điểm lẫn bình thường. Từ khi công trình cầu vượt tại nút giao được sử dụng, ùn tắc giao thông giảm hẳn do các xe không bị xung đột với nhau. Tuy nhiên, một phần cũng do dịch COVID-19, lượng phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng giảm, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng 51 công trình giao thông trọng điểm góp phần cải thiện căn bản tình hình giao thông khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, các nút giao thông lớn… Năm 2016, thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông, năm 2017 giảm còn 34 điểm, năm 2018 giảm còn 28 điểm và năm 2019 giảm còn 22 điểm ùn tắc giao thông.
Đối với 22 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông còn tồn tại, hiện có 9 điểm có chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 6 điểm không có chuyển biến. Ngoài ra, qua khảo sát, đánh giá trên 198 tuyến đường trên địa bàn thành phố năm 2019, tình hình trật tự lóng lề đường có nhiều chuyển biến tích cực, số tuyến đường được đánh giá có tình hình phức tạp chỉ chiếm tỉ lệ gần 15%. Cụ thể, có 49 tuyến đường được đánh giá thông thoáng; 120 tuyến đánh giá có chuyển biến; 29 tuyến được đánh giá phức tạp.
Tính đến tháng 6/2020, thành phố đang quản lý tổng số phương tiện là hơn 8,1 triệu phương tiện (gồm hơn 768 ngàn xe ô tô và trên 7,38 triệu xe mô tô; bình quân mỗi ngày có 112 xe ô tô và 590 xe mô tô đăng ký mới. Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, số phương tiện tăng nhanh trong khi điều kiện hạ tầng giao thông đô thị hạn chế, hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn chưa hình thành, dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vẫn phức tạp.
Hiện trạng giao thông đô thị Tp. Hồ Chí Minh đang gặp phải tình trạng ùn tắc tại các khu vực như các cửa ngõ vào thành phố từ Quốc lộ 1 phía Nam, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50…; các trục đường ra vào khu vực cảng biển Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng Hiệp Phước; khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tại nhiều điểm trong khu vực trung tâm vào các khung giờ cao điểm.
Kết quả khảo sát của Sở Giao thông Vận tải tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ. Kết quả nghiên cứu năm 2017 của Tư vấn quốc tế BCG, thời gian chuyến đi tăng thêm trong giờ cao điểm bình quân các thành phố châu Á là 67%, tỷ lệ này ở Tp. Hồ Chí Minh là 112%.
Ông Lương Minh Phúc cho biết, Ban Giao thông Thành phố đã đăng ký với thành phố hơn 100 dự án nhằm xóa ùn tắc, kẹt xe ở nhiều quận huyện. Qua triển khai một số dự án, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn và mặt bằng. Trong 75 dự án đang làm, có 57 công trình vướng mặt bằng, thậm chí một số dự án phải tạm ngưng do mặt bằng không có. Ban sẽ chủ động làm việc với các địa phương, liên tục cập nhật về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở từng dự án để có phương án giải quyết.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh một trong những điểm nghẽn của thành phố là phát triển hạ tầng, muốn phát triển phải có hạ tầng tốt; trong đó, phải từng bước đầu tư phát triển hạ tầng tiếp cận được với nhu cầu đòi hỏi của tăng trưởng kinh tế.
Do đó, để triển khai các dự án giao thông thuận lợi, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về bài toán giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tập trung khơi thông nguồn lực, đầu tư có định hướng để các công trình cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh và kết nối với các địa phương trong vùng.
Bài cuối: Tăng hiệu quả đầu tư