Tại Hội nghị “Triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 7/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác cải cách hành chính của Thành phố đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng kiến tạo, phục vụ.
Tuy nhiên, hoạt động phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức vẫn chưa thông suốt, nhịp nhàng. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải bổ sung hồ sơ nhiều lần. Hiện nay, vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi; vẫn còn 19,2% người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chủ đề năm 2021 là “năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Thành phố xác định, cải cách hành chính là công việc thường xuyên, liên tục. Người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị phải cụ thể hóa và triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các chương trình hành động của Thành ủy và UBND Thành phố; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm công tác cải cách hành chính.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, cải cách hành chính phải đột phá vào việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp và phải gắn liền với chuyển đổi số của Thành phố. Từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tự đổi mới, nâng cao năng lực, không ngừng học hỏi và nhạy bén trong công tác tham mưu để hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
“Nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND Thành phố đã ban hành. Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, đồng thời khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.
Tại Hội nghị, thông tin về tiến độ thực hiện đề án đô thị thông minh, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, Thành phố đã triển khai được quy trình tích hợp số hóa và liên kết kho dữ liệu dùng chung. Thành phố đã quy hoạch lại lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông để đảm bảo việc chuyển đổi số, tăng cường an toàn không gian mạng.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân, trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần XI về Chương trình cải cách hành chính; đề cao trách nhiệm người lãnh đạo các cấp, các sở, ngành trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác cải cách hành chính, đồng thời rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc điểm của Thành phố và quy định mới.
Thành phố thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; nâng cao chất lượng, số lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cũng như kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020 Thành phố đã gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính để xét “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” khi bình xét chi thu nhập tăng thêm đối với người đứng đầu. Thành phố đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, Thành phố đã tinh giản biên chế đối với 1.105 trường hợp kể từ khi triển khai quy định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, ban hành 51 quyết định phê duyệt 936 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Trong năm 2020, các sở, ban, UBND quận, huyện, phường, xã nhận giải quyết gần 20,3 triệu hồ sơ, trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,72%. Tổng số dịch vụ công thực hiện trực tuyến tính đến tháng 12/2020 là 802/1.807 thủ tục hành chính.