45 năm TP Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài cuối: Chung sức xây dựng thành phố bằng trái tim, khối óc

TP Hồ Chí Minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục ghi nhận vai trò cùng những đóng góp không nhỏ của người công nhân thành phố.

Đó cũng là thành quả từ phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; những công trình, phần việc chất lượng, hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Công nhân năng động - đổi mới - sáng tạo

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 8,6 triệu dân, trong đó lực lượng công nhân, lao động là khoảng 2,2 triệu người. Đây không chỉ là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa mà còn đang làm ra nhiều của cải vật chất, thúc đẩy phát triển công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Anh Trương Thái Sơn là Tổ phó quản lý vận hành lưới điện thuộc Công ty Điện lực Chợ Lớn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh). Anh có hàng chục năm gắn bó với ngành. Từ năm 2006 đến nay, anh Sơn đã có 22 sáng kiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế. Nhiều sáng kiến của anh tạo điều kiện an toàn tuyệt đối cho công nhân ngành điện; trong đó việc áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ cho Tổng Công ty Điện lực thành phố đã giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm.

Còn anh Trần Phú Vinh là một trong những thủ lĩnh điển hình của công nhân lao động Công ty Cổ phần Thương mại Xuất khẩu may Phương Nam (quận Tân Bình). Anh không chỉ năng động, sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp mà còn chinh phục được các đồng nghiệp, người lao động bởi tính cởi mở, gần gũi. Anh Vinh cho rằng công nhân lao động là tài sản quý của doanh nghiệp; ngược lại người lao động cũng rất cần nơi làm việc tốt, ổn định, đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, anh luôn tìm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người lao động và doanh nghiệp để người lao động gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là lao động có nhiều năm kinh nghiệm.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố, dù là công nhân lao động trực tiếp hay quản lý, nhưng tất cả cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; thường xuyên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm; năng nổ trong phong trào và cũng là tấm gương cho nhiều người lao động khác, ông Trung khẳng định.

Tại Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, chỉ có thi đua mới tạo ra sự đột phá và huy động được nguồn lực to lớn của xã hội để phát triển. Qua thi đua, chúng ta mới hình thành được môi trường tốt cho đổi mới, sáng tạo. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phong trào thi đua yêu nước trở thành một xu hướng chủ đạo của xã hội.

Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, TP  Hồ Chí Minh với phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" đã có 54 trong tổng số 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau" thành phố đã huy động được hơn 11.453 tỉ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Với phong trào thi đua phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là kinh tế tăng trưởng khá và ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng bình quân 8,3%/năm.

Chung sức xây dựng thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình

Chú thích ảnh
Một góc trung tâm TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Trải qua 45 năm sau ngày được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển với những thành tựu vượt bậc; là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy, từ những năm 1988 - 1989, thành phố được biết đến qua các phong trào lớn về văn hóa, xã hội như phong trào xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Thành phố còn được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. “Những phong trào đó là sản phẩm thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén, thích ứng cùng quá trình và xu thế hội nhập của thành phố. Các phong trào không chỉ đem lại những giá trị tích cực cho xã hội mà còn tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, khơi dậy truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân".

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, hàng nghìn các bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, lực lượng tình nguyện đã xông pha vào các điểm “nóng”, nơi cách ly, phong tỏa để giám sát dịch bệnh. Nhiều y, bác sỹ trẻ không chỉ hăng hái tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại địa phương mà còn xung phong đến “tâm dịch” Bắc Giang để hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp chính quyền, đoàn thể và Công đoàn cùng nhiều tổ chức, cá nhân thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời làm giảm bớt những khó khăn của người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp cùng công nhân, người lao đã đồng lòng, nhất trí chuyển đổi cách làm; tăng cường các biện pháp phòng dịch; tập trung mọi nỗ lực để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai cấp công nhân nói chung, đội ngũ công nhân thành phố nói riêng được xác định là lực lượng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội hướng đến hội nhập và phát triển cùng đất nước. 

Trong những năm gần đây nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã có các chính sách bồi dưỡng, phát triển đội ngũ các kỹ sư trẻ tài năng, chuyên gia, công nhân lành nghề trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, đủ sức tiếp cận công nghệ tiên tiến. Mỗi người công nhân thành phố cũng đã ý thức hơn trong việc học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước hình thành lực lượng nòng cốt, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

Nhìn lại 45 năm qua, TP Hồ Chí Minh không chỉ tiên phong xây dựng, phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa mà còn là địa phương đi đầu, khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đã và đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – Thành phố Thủ Đức.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, TP Hồ Chí Minh tiếp tục được xem là địa phương đi đầu trong phong trào “Thi đua lao động giỏi - lao động sáng tạo” với nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú, tạo động lực để người lao động luôn có nhiều sáng kiến, cải tiến, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Sự sáng tạo đó không chỉ đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần khẳng định vai trò, vị trí của người lao động tại doanh nghiệp, tự hào là người công nhân của thành phố mang tên Bác, thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thanh Vũ (TTXVN)
45 năm TP Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài 1: Tự hào 45 năm công nhân thành phố mang tên Bác
45 năm TP Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài 1: Tự hào 45 năm công nhân thành phố mang tên Bác

TTXVN thực hiện hai bài viết về truyền thống giai cấp công nhân TP Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, tích cực thi đua lao động sản xuất xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN