Xuân về với thầy trò Bản Lang

Bản Lang cách trung tâm huyện Phong Thổ (Lai Châu) tới 21 cây số đường núi hiểm trở. Ngày nào cũng như ngày nào, từ các bản xa của xã Bản Lang, bọn trẻ thức dậy từ sáng sớm để đến trường học chữ. Ước mơ con chữ và bước chân tới trường của học trò nơi vùng cao này còn nhiều lắm những nhọc nhằn.

 

Sau hơn 1 giờ đồng hồ trên chiếc xe máy, uốn theo đường dốc núi từ trung tâm huyện Phong Thổ, Bản Lang hiện ra trước mắt chúng tôi. Không trang hoàng phố xá như nhiều xã vùng xuôi, những căn nhà người Mông chênh vênh trên sườn núi cao càng làm cho cảnh sắc nơi đây đậm chất vùng cao. Trong làn sương sớm, chúng tôi vẫn nhận thấy thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng tung bay từ những ngôi trường ở trung tâm xã và cả những ngôi nhà đại đoàn kết của người dân được lợp ngói kiên cố.

 

Trường THCS Bản Lang là nơi học sinh của nhiều dân tộc thiểu số học chữ.


Với diện tích trên 17.000 ha, Bản Lang thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Nói là cách trung tâm huyện 21 cây số nhưng khoảng cách và địa hình còn khó khăn hơn nhiều bởi không bằng phẳng như một xã vùng cao, Bản Lang đan xen bởi núi cao, vực sâu và nhiều đèo dốc khó đi.

Theo ông Lò Văn Xén - Bí thư Đảng ủy xã thì Bản Lang có 14 bản nhỏ, là nơi định cư từ lâu đời của nhiều dân tộc anh em như Dao, Thái, Giáy, Mông và số ít người Kinh ở xuôi lên. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao là người Dao. Cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nghèo và khó khăn lắm. Điều đó được thể hiện qua những căn nhà gỗ đơn sơ chênh vênh trên vách núi, những con đường gập gềnh dẫn vào các bản tập quán canh tác còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao.


Tới ngôi trường gần trung tâm xã, trường THCS Bản Lang, nhìn ban đầu, thấy trường được xây dựng khá khang trang và có cả nhà bán trú cho học sinh ở xa. Nhưng theo một số người dân ở quanh trường thì cách đây mấy năm, trường còn đơn sơ lắm, lớp học và nhà ở cho giáo viên tương đối tạm bợ, nước sạch dùng cho sinh hoạt khan hiếm. Chẳng thế mà khi gặp thầy giáo Đồng Xuân Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, người đã gắn bó với Bản Lang từ năm 2008, chúng tôi đã được nghe kể về những khó khăn không chỉ của trường thầy mà còn của giáo dục Bản Lang.

Theo thầy Lợi, cả xã Bản Lang có 6 trường học ở cả ba cấp là mầm non, tiểu học và THCS, mỗi cấp có hai trường. Nghe qua chúng tôi thấy ngạc nhiên bởi một xã vùng cao lại có tới 2 trường ở từng cấp học. Chí ít chỉ là các phân hiệu dành cho học sinh ở xa đối với nhiều xã vùng cao hiện nay. Nhưng theo thầy Lợi, Bản Lang có diện tích rộng, địa hình phức tạp, đường xá đi lại rất khó khăn. Nhất là đi từ trong các bản của người Dao, người Mông, người Thái. Xã và huyện thấy không thể đặt phân hiệu được nên mỗi cấp học ở đây phải tách làm hai trường để trường học được gần dân, con em đồng bào sẽ thuận tiện khi đến trường học chữ. Tách trường rồi vậy mà chuyện học của bọn trẻ trong các bản vẫn còn khó khăn nhiều.

Thầy Hiệu trưởng tâm sự, những ngày mùa đông, Bản Lang là nơi đặc biệt giá lạnh. Chưa đến Tết mà rét đậm rét hại năm nào cũng về, đến cây cỏ cũng khó đâm chồi nẩy lộc chân ai cũng bị cước và nẻ do lạnh. Học sinh đến trường buổi sớm, tóc và lông mi phủ trắng sương muối. Nhiều khi do nhà còn nghèo, học sinh mặc không đủ ấm.


Hiện nay, cả xã Bản Lang có 2.137 học sinh các cấp. Thầy cô giáo ở Bản Lang kể rằng, trước đây Bản Lang nghèo khó, dân bản chủ yếu lo cái ăn, cái mặc, cái ở đã quá vất vả, nói chi đến chuyện học chữ của bọn trẻ. Vì vậy, trong nhiều năm, tỷ lệ trẻ mù chữ khá cao, số học sinh bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy nhiều nên trường học trở nên thưa thớt. Mặc dù thầy cô có đến nhà vận động song ai cũng hiểu rằng, cần phải có một chính sách nào đó của Nhà nước thì con chữ mới có thể “neo đậu” được.

Đúng như mong mỏi của cả thầy và trò, những năm gần đây, học sinh Bản Lang nhận được nhiều ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Ưu tiên mọi thứ, từ sách giáo khoa, học phí, đồ dùng học tập, đến tiền trợ cấp bữa ăn hằng ngày cho học sinh bán trú ở xa. Những năm học gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu thực hiện chính sách “3 đủ” đối với học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên dần dần, số học sinh xuống núi nhiều hơn. Học sinh hầu như không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào. Theo thầy Lợi, từ năm 2008 đến nay, nhà trường không thu từ học sinh khoản tiền nào mà chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để giúp các em vượt khó đến trường.


Hiện nay, trường THCS đã có nhà bán trú cho học sinh ở xa. Riêng trường THCS Bản Lang, 107 học sinh tại các bản xa ở lại trường. Học sinh cách trường xa nhất là trên 10 cây số đường rừng núi, đi lại khó khăn cộng với hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên muốn học chữ thì phải ở lại khu bán trú. Thầy Hiệu trưởng cho biết, không như trước đây, học sinh phải tự túc ăn uống và sinh hoạt nhưng hiện nay, nhờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 420 ngàn đồng/tháng/học sinh, cộng với sự chung tay đóng góp của phụ huynh, tất cả số học sinh bán trú dân nuôi của nhà trường đã được ăn tập trung tại bếp ăn và ăn đúng khẩu phần, đúng chế độ.

Vậy là học sinh Bản Lang không còn lo đói cái bụng, xa bước chân đến trường. Giờ đây, các em yên tâm ở trong khu bán trú ấm cúng như gia đình để học chữ. Khu bán trú của trường THCS Bản Lang khá khang trang với hai nhà xây cấp bốn, một nhà trát xi. Thầy Lợi cho biết, có được cơ ngơi này là nhờ vào các đơn vị như tập đoàn điện lực Lai Châu, Báo Lai Châu, dự án 30a hỗ trợ kinh phí để xây dựng. Có lẽ, sự chung tay của xã hội đã làm ấm thêm nơi ăn chốn ở cho các em học sinh Bản Lang. Hằng ngày, ngoài giờ học, các em học sinh khu bán trú còn được lao động tập thể bằng việc nuôi lợn, nuôi gà. Hiện nay, các em cùng cán bộ hành chính tận dụng những canh rau thừa, nuôi được 10 con lợn đến độ cho xuất chuồng và gần 40 con gà. Thầy Lợi cho biết, dự kiến trước khi nghỉ Tết sẽ mổ lợn để tổ chức cho các em ăn Tết rồi mới về bản.


Khi được hỏi về hiệu quả của mô hình bán trú dân nuôi của nhà trường nói riêng và cả xã Bản Lang nói chung, thầy Đồng Xuân Lợi khẳng định, mô hình này đã có tác dụng lớn trong việc hút học sinh xuống núi học chữ. Tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm giảm trông thấy, năm qua, trường THCS Bản Lang chỉ có duy nhất một học sinh bỏ học, tỷ lệ sĩ số luôn duy trì trên 98%. Những năm học gần đây, học sinh thích đến trường, gắn bó với khu bán trú và chăm chỉ học hành hơn. Phải chăng, khi cái ăn, cái mặc, cái ở đã bớt nhọc nhằn thì việc tiếp thu cái chữ đối với các em học sinh vùng cao này sẽ dễ dàng hơn.


Bản Lang khó khăn là thế nhưng từ nhiều năm nay, đội ngũ các thầy cô giáo cắm bản, cắm xã đã vượt lên những khó khăn của địa phương để dạy chữ. Cả xã hiện nay có 187 giáo viên. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên người địa phương chỉ chiếm khoảng 20%, còn đa số là giáo viên từ miền xuôi lên đây công tác và gắn bó luôn với Bản Lang. Có thầy cô ở tận Nghệ An, có người ở Thái Nguyên, Bắc Cạn, Thái Bình...


Giáo dục Bản Lang hôm nay đã đổi thay nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, nhờ vào lòng nhiệt huyết của đội ngũ các thầy cô giáo miền xuôi lên đây dạy chữ. Song, Bản Lang vẫn còn đó những khó khăn mà không phải ngày một ngày hai giải quyết được. Đó là sự khó khăn về cơ sở vật chất như đường giao thông liên bản, nhà ở cho giáo viên và lớp học, trình độ dân trí của người dân vùng cao còn nhiều hạnh chế. Vì vậy, Bản Lang hôm nay vẫn mong đợi sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, của các nhà hảo tâm để những đứa trẻ sinh ra trên những triền núi cao đầy nắng, đầy sương này được vững bước chân tới trường học chữ. Biết đâu, trong số đó, nay mai sẽ làm đẹp, làm giàu cho Bản Lang xa xôi này.


Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN