Mỗi độ xuân về, mưa nhè nhẹ rơi, cây cối sau mùa đông khẳng khiu, sần sùi, trơ trọi lá, giờ đây như khoác áo mới. Những chồi non rì rầm bật dậy, dường như người và cây, cảnh vật cùng vui khi xuân tới. Trong lòng những người xa xứ khi xuân về ai mà chẳng xốn sang nhớ nhà, nhớ quê hương và đặc biệt là nhớ nhất cảnh Tết quê.
Tết Việt luôn đầm ấm trong mỗi gia đình. |
Làng quê tôi, cũng như trăm ngàn làng quê Việt khác. Cũng dòng sông uốn lượn, lũy tre xanh ngát, đàn trâu đủng đỉnh qua cầu khi chiều buông, hoàng hôn phủ, khói lam chiều lất phất bay, bếp lửa bập bùng trong hương thơm của muôn ngàn cây cỏ, rơm rạ. Lòng ngổn ngang suy nghĩ, có lẽ chúng ta phải cảm ơn tiên tổ xưa đã “sinh” ra ngày Tết dân tộc - Tết Nguyên đán. Tết về, biết bao người xa xứ không về quê được mà vẫn nhớ Tết quê mình. Những người may mắn được về sum họp với quê hương, người thân, vẫn bất ngờ với những khám phá cái hay, cái đẹp của ngày Tết truyền thống. Mỗi dân tộc đều có Tết riêng của mình, nhưng Tết của người Việt Nam chúng ta có những nét riêng độc đáo, mang đầy tính văn hóa cộng đồng. Những ngày giáp Tết ở các vùng quê, không khí chuẩn bị đón xuân mới náo nhiệt lạ thường.
Mưa xuân nhè nhẹ trên những cây quất, cây cam, hoa đào cùng muôn loại hoa khác nở rộ đua nhau báo hiệu mùa xuân về. Rạng sáng 29, 30 Tết, hầu hết ở các thôn, xóm đều vọng vang tiếng lợn kêu, tiếng chày giã giò bốp chát. Không thành văn bản quy định, nhưng thông thường ba bốn gia đình anh em họ hàng hoặc bà con xóm giềng cùng đụng chung một con lợn khoảng 30 - 40 kg. Khi lợn được mổ thịt xong, những thanh niên trong các gia đình thường quây quần vào lọc thịt, giã giò hoặc làm lòng lợn, chuẩn bị dụng cụ đánh tiết canh. Đám trẻ quây xung quanh phản thịt hoặc ngồi xem giã giò bên cối đá. Từng chiếc chày gỗ đưa lên, đưa xuống nhịp nhàng, điệu nghệ. Vừa làm, vừa bàn chuyện làng, chuyện xã hoặc hỏi thăm những người xa quê sao chưa về ăn Tết. Phải nói rằng, chuyện bên những cối giã giò rất rôm rả và đủ các loại chuyện vui buồn. Giờ đây máy xay thịt làm giò phổ biến tràn lan, nhưng vẫn còn có những gia đình, những dòng họ vẫn giữ tập tục giã giò ngày Tết trong cối đá mà người xưa để lại. Giò, chả, lòng lợn, đã được luộc chín, rồi chia đều cho các gia đình trong nhóm, trong họ. Không khí đoàn kết thật vui trong bữa tiệc cuối năm.
Sau khi có thịt lợn rồi, thường chiều 29, 30 Tết, các gia đình mới gói bánh chưng. Gạo nếp trắng ngần được ngâm trong các chậu đầy nước. Sau đó vớt ra rá để cho ráo nước. Đỗ xanh được đồ chín và giã tơi. Hạt tiêu bắc được xay nhỏ mịn, muối trắng rắc đều lên rổ gạo, thịt làm nhân bánh đã được thái xong. Khuôn bánh được mang ra, gói bánh chưng to hay nhỏ tuỳ theo mỗi gia đình, tập tục địa phương. Trẻ em háo hức ngồi xem gói bánh, đêm xuống cũng là lúc bánh chưng được cho vào nồi luộc. Còn gì thú hơn khi xem luộc bánh. Ánh lửa bập bùng trước cơn gió cuối đông, tiếng củi lửa lốp đốp, tiếng nước trong nồi sôi ùng ục, hòa lẫn tiếng nói chuyện rì rầm. Tất cả những âm thanh, hình ảnh đó, có ai mà quên được. Bởi nó gợi cho ta tinh thần văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc, văn hóa Tết. Nó là sự kết dính bền chắc của tình người, tình quê tối lửa tắt đèn có nhau. Sướng, khổ, vui, buồn cùng chia sẻ. Trong những đêm giáp Tết, biết bao em bé ở thôn quê, thức cùng cha mẹ, anh chị để xem luộc bánh chưng và háo hức đợi chờ chiếc bánh nho nhỏ mà người lớn thường gói riêng cho chúng.
Xã hội mỗi ngày một phát triển, bánh chưng bán ngày Tết ở thành thị không thiếu. Giò chả các loại cũng sẵn. Nhưng phần lớn những người thoát ly xuất thân từ nông thôn ra thành phố ai cũng bứt rứt khó chịu, như thiếu đi một cái gì đó rất thiêng liêng, cao cả ở trong mình, có lẽ đó cũng là cảnh những ngày giáp Tết ở quê. Họ tiếc nuối cho con cháu không được chứng kiến cảnh chia thịt lợn, chia phần ngày Tết và không tận mắt xem gói bánh chưng để đêm xuống thao thức chờ bánh chín. Ở thôn quê trong những ngày giáp Tết, tình làng, nghĩa xóm vốn đã đậm đà càng đậm đà hơn. Nhất là khi ta được chứng kiến cảnh chủ nhà bưng đĩa lòng lợn nóng hổi, bát tiết canh phủ đầy nhân lạc sang biếu bà con làng xóm gặp hoàn cảnh khó khăn, hay người già cả hoặc bố mẹ. Thật là nghĩa tình, hiếu thảo biết bao.
Thiêng liêng, đầm ấm, linh thiêng nhất là lúc đón giao thừa. Các cụ già trịnh trọng làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Tiếng chuông chùa, tiếng trống đồng loạt gióng lên khi giao thừa tới. Sáng mồng một Tết, mọi người trong những bộ quần áo mới, chúc mừng ông bà, bố mẹ, nhân dịp năm mới an khang, thịnh vượng. Đám trẻ mặt tươi vui trong những bộ quần áo mới, khoanh tay chúc sức khỏe người trên, rồi đón nhận những đồng tiền “lì xì”. Điều kỳ lạ, trước Tết hàng xóm dù có xích mích hoặc thậm chí đánh chửi nhau nhưng sáng mùng một Tết gặp nhau ở ngoài ngõ, ngoài đường mặt vẫn tươi vui, chúc nhau năm mới thành đạt. Xuân về thật kỳ diệu, làm cho con người gần gũi với nhau hơn, thương yêu nhau hơn và quên hết nỗi buồn, xích mích nho nhỏ đã qua. Trong các nhà thờ tổ, từ đường dòng họ và dịp Tết, cháu con ở các nơi đổ về thắp hương lễ tổ. Họ kính cẩn, thưa với tổ tiên những điều đã làm được và dự định sẽ làm. Ông trưởng tộc trong bộ quần áo lễ nghi dân tộc cùng cả họ ra chùa thắp hương. Hương khói nhẹ bay trong không khí xuân về càng tăng độ linh thiêng kỳ ảo ngày xuân. Tiếng chuông chùa thỉnh thoảng lại vang vang hòa trong không gian, quyện trong hơi thở đất trời, gợi cho chúng ta cảm giác lâng lâng dễ chịu, đầm ấm, thân thương, không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt khi mỗi độ xuân về Tết đến được sống và thưởng thức Tết quê.
Bài và ảnh:Đặng Hùng