Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó mật thiết với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng, Viêt Nam nói chung, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, có dịp qua cầu Cồn Tiên rẽ về hướng thị trấn An Phú, huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang), ghé thăm xóm Chăm Đa Phước, thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú (tỉnh An Giang) - một trong những xóm Chăm có từ lâu đời, nơi còn giữ nguyên những bản sắc vắn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm Islam ở An Giang.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn theo lối kiến trúc xưa của dân tộc Chăm ở vùng sông nước An Giang, anh Haji, ấp Hà Bao 2, xã Đa Phương chia sẻ, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc Chăm ở Đa Phước ngày càng được nâng lên, bà con ở đây không những được hướng dẫn cách sản xuất để nâng cao thu nhập, mà còn được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, mua bán. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng thánh đường Al Ehsan, ở ấp Hà Bao 2, ông Phạm Tấn Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước cho biết, thánh đường Al Ehsan luôn mở đón khách tham quan, kể cả trong những ngày Tết. Trước thánh đường Al Ehsan - với lối kiến trúc lộng lẫy, du khách sẽ cảm nhận được không khí thanh bình, sự đầm ấm của cộng đồng dân tộc Chăm trên vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, các sản phẩm mang dấu ấn riêng của bà con xóm chăm Đa Phước như: Khăn choàng, vải dệt thủ công, với hoa văn độc đáo… luôn có sức hút kỳ lạ đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Hòa mình trong không khí vui Xuân ở Đa Phước, du khách có thể biết thêm về lịch sử hình thành vùng đất, con người đồng bào dân tộc Chăm ở vùng sông nước An Giang xưa và nay, qua những điệu múa, những món quà lưu niệm hay những món ăn độc đáo được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm. Đa Phước vừa có nét độc đáo của văn hóa Đạo Hồi Islam, hòa quyện cùng nhịp sống các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer… trên mảnh đất đầu nguồn biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Người Chăm vốn có cuộc sống gắn chặt với cộng đồng, nơi sinh hoạt của cộng đồng là thánh đường hoặc tiểu thánh đường. Nhưng riêng người Chăm ở Đa Phước nói riêng và An Giang nói chung luôn sống hòa thuận với cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer và các dân tộc anh em khác.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người Chăm An Giang lại hòa chung niềm vui của cả dân tộc Việt Nam, với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí để thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Bà Rohymah ở tổ 19, ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, cho biết Tết Nguyên đán không phải là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Chăm, nhưng lâu nay bà con người Chăm vẫn xem như Tết của dân tộc mình.
Tuy không sung túc như của người dân tộc Kinh, nhưng năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết Nguyên đán, đồng bào dân tộc Chăm lại tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu bóng đá, bóng chuyền… để hòa chung niềm vui của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Ông Lê Nguyên Châu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đến công tác tôn giáo và dân tộc, đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện an sinh xã hội của đồng bào các dân tộc, trong đó có bà con dân tộc Chăm.
Được hỗ trợ nhà ở, điện nước sinh hoạt, đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đường giao thông, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, miễn giảm học phí cho học sinh... đời sống bà con các xóm Chăm ngày càng khởi sắc.
Đặc biệt, mỗi dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Chăm cũng như Tết Nguyên đán, các cấp, ngành trong tỉnh đều tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết các Thánh đường Hồi giáo và tặng quà các gia đình đồng bào dân tộc Chăm tiêu biểu.
Theo ông Lê Nguyên Châu, đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang hiện có hơn 13.000 người, tập trung ở thị xã Tân Châu và các huyện: An Phú, Châu Thành, Châu Phú... Bà con sống chan hòa cùng các dân tộc anh em, kinh tế chủ yếu là mua bán nhỏ, chăn nuôi, may, thêu, dệt vải... Đến nay, trên 80% số hộ gia đình người dân tộc Chăm trên địa bàn có mức sống từ trung bình đến khá, giàu.
Đón Tết Kỷ Hợi 2019, người dân Đa Phước có nhiều niềm vui lớn, khi xã vừa liên tiếp được công nhận 3 danh hiệu: Xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và cuối năm 2018 Đa Phước được công nhận là đô thị loại V.
Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Tấn Thời cho biết, Đa Phước có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiện, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết của bà con nhân dân, đến nay Đa Phước phát triển thương mại dịch vụ khá cao, cơ cấu kinh tế tương đối bền vững và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tổng thu nhâp bình quần đầu người ở Đa Phước hiện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,93%; các công trình cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố; giao thông nông thôn được kiên cố hóa 100%, đảm bảo đi lại và phục vụ sản xuất cho Nhân dân.
“Thành quả hôm nay không chỉ là kết quả của quá trình nỗ lực, chung sức chung lòng của Đảng bộ, nhân dân xã Đa Phước, mà còn là kết tinh của “ý Đảng, lòng dân” trong phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước Phạm Tấn Thời khẳng định.
Về Đa Phước hôm nay, dọc theo tỉnh lộ 956 và các tuyến đường liên xã, du khách sẽ cảm nhận được những đổi thay của đất và người nơi đây. Những ruộng lúa, bờ hoa xa tít. Trên những trục đường giao thông, những bờ rào xanh bằng cây hoàng yến khoe bông vàng rực trong nắng, nhiều mái nhà mới mọc lên tinh tươm như tô điểm cho xóm Chăm Đa Phước ngày Xuân thêm khởi sắc.