Đối với 14 tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn (Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh), việc xóa mù phải đạt 90%.
Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở độ tuổi trên 15 không biết đọc, biết viết hiện vẫn ở mức 21%.
Việc xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn ở những địa phương vùng sâu, vùng xa,vùng khó. |
Ông Đoàn Trần Hiệp, Chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Điện Biên cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là việc ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, nhất là những xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn; chưa thực sự quan tâm đến công tác xóa mù chữ. Do đó, ở các xã này số lượng người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn cao.
Nhiều địa phương vùng dân tộc đã có sự quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trường lớp; nhằm tạo điều kiện cho trẻ tới trường, góp phần vào công tác xóa mù chữ. |
Tại tỉnh Lai Châu, qua thực tế ghi nhận tại một số địa phương cũng thấy thực tế, công tác xóa mù cũng không đạt được hiệu quả như yêu cầu của Đề án đặt ra. Tỷ lệ người mù chữ ở vùng đồng bào DTTS Mảng, La Hủ vẫn rất lớn.
Lực lượng biên phòng tham gia xóa mù chữ. |
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lý A Hơn, dân tộc Hà Nhì, giảng dạy tại bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè chia sẻ: Việc xóa mù cho đồng bào DTTS là hết sức cần thiết, song nếu cứ huy động người dân đến lớp học cho đủ sĩ số thì không đem lại kết quả. Điều quan trọng là học phải đi đôi với hành, vì trong số những người không biết chữ cũng có không ít người từng đi học. Song học mà không thường xuyên sử dụng đến chữ viết, thì tái mù là điều dễ hiểu.