WHO đánh giá công tác tiêm chủng tại Việt Nam rất thành công

Thời gian gần đây, những thông tin xoay quanh việc tiêm phòng vắcxin đã làm rất nhiều người dân hoang mang, nhất là các bà mẹ có con nhỏ. Để người dân hiểu rõ hơn về tiêm chủng mở rộng cũng như chất lượng vắcxin, cách sử dụng vắcxin, sáng 2/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia trong nước và Tổ chức Y tế thế giới về các nội dung liên quan đến công tác tiêm chủng mở rộng.

 

Tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại tỉnh Bình Dương.

 

Theo đánh giá của bác sĩ Kohei Toda, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã hết sức thành công, tỷ lệ bao phủ cao của chương trình là thành tựu quan trọng đáng khích lệ.


Với Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được các bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván, nhiều bệnh khác như sởi, viêm gan... giảm đáng kể, các ca mắc bạch hầu, ho gà... ít xảy ra. Tình hình mắc sởi từ hàng trăm ngàn trường hợp mỗi năm vào trước năm 1985, đến nay chỉ còn vài chục ca mỗi năm. Tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B từ 5% xuống 2% vào 2010. Sau 28 năm thực hiện chương trình này, 67 triệu trẻ đã được tiêm chủng dự phòng, 42.000 trẻ thoát khỏi tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Hiện nay, 10 trong 11 loại vắcxin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắcxin sản xuất trong nước, chỉ có 1 loại vắcxin nhập từ nước ngoài là vắcxin có thành phần Hib liên quan đến vắcxin Quinvaxem.


Tuy nhiên, Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đang gặp không ít thách thức. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Chúng ta đạt được nhiều thành tựu đáng kể nên đã có tâm lý chủ quan, thỏa mãn dẫn đến giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng. Việc tiếp cận tiêm chủng khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Trong khi kinh phí đầu tư của nước ngoài đang giảm dần, nhiều loại vắcxin có hiệu quả, vắcxin phòng chống Rotavirus; vắcxin chống viêm não mô cầu... vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng”.


Theo thống kê, từ tháng 7/2012 đến nay, có tới 13 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, gần đây nhất, trong hai ngày 20 - 21/7, đã có 4 trẻ em ở Quảng Trị và Bình Thuận tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B. Đây là con số rất đáng báo động, khiến người dân hoang mang, cán bộ y tế lo ngại, giảm lòng tin.


GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, sự cố về vắcxin có 3 nguyên nhân chính: Do vắcxin; do quy trình tiêm chủng; do tỉ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1000 trẻ sống còn gọi là hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh. Hiện nay, cơ quan chức năng đang nỗ lực để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố tai biến tiêm chủng tại tỉnh Quảng Trị, trong đó, nguyên nhân đột tử đã được loại trừ, chỉ còn nguyên do vắcxin hoặc do quy trình tiêm chủng.


Theo GS Trịnh Quân Huấn: Việc Bộ Y tế chuyển điều tra xác định nguyên nhân do quy trình hay do vắcxin sang Bộ Công an là đúng, giúp cho công tác điều tra được minh bạch hơn. Bộ Y tế là cơ quan vừa sử dụng vắcxin, bảo quản, vừa triển khai các hoạt động về vắcxin, thành lập hội đồng đánh giá tai biến vắcxin... nên nhiều người cho rằng vừa “đá bóng vừa thổi còi”... Bên cạnh đó, với lợi thế về kỹ năng điều tra giám sát nghiệp vụ, Bộ Công an làm là hoàn toàn chính xác. Đây là một trong những việc làm cần được công khai, minh bạch, vì sức khỏe trẻ em, phải làm rất rõ cho toàn dân biết. Ông Trịnh Quân Huấn cũng bày tỏ nghi ngờ rằng không có vắcxin nào làm 3 trẻ tử vong một lúc, cùng triệu chứng, cùng một địa điểm tiêm, với 2 lô vắcxin khác nhau...


Được biết, sau khi xảy ra tai biến tiêm chủng tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế đã có thông báo tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc việc tiêm hai lô vắcxin phòng viêm gan B liên quan đến vụ ba trẻ sơ sinh bị tử vong. Các lô vắcxin này đã được gửi ra nước ngoài để kiểm soát về hiệu lực và độ an toàn. Nếu được xác định an toàn và vẫn có hiệu lực, các lô vắcxin này sẽ được tái lưu hành.

 

Trả lời băn khoăn của độc giả về chất lượng vắcxin tiêm dịch vụ với vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, GS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vắcxin và sinh phẩm y tế, khẳng định: “Nói vắcxin tiêm dịch vụ ít tai biến hơn vắcxin tiêm chủng mở rộng là chưa đúng mức, chưa có cơ sở. Để có thể so sánh được, cần phải có nghiên cứu điều tra. Đến nay, chưa có nghiên cứu, kết luận về vắcxin nào ít biến chứng hơn. Dù là vắcxin tiêm dịch vụ vẫn phải nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế và vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vắcxin tiêm chủng mở rộng, không có sự khác biệt nào”.


Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN