Vui đón Tết ở bản người Mông

Người Mông ở Lưu Thông vốn siêng năng, cần cù, chịu khó. Đặc biệt, từ khi có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng bào được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các công trình giao thông, nước sạch, nhà văn hóa...đã làm thay đổi một cách căn bản đời sống đồng bào dân tộc Mông nơi đây, diện mạo nông thôn vùng cao, biên giới đã thay đổi rõ rệt.

Người Mông. Ảnh giadinhtoi.vn


Bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) có 100% là đồng bào dân tộc Mông, với trên 58 hộ.

Ông Vừ Giống Nênh, Trưởng bản Lưu Thông cho biết: Trước đây người Mông ở Tương Dương nói riêng và bà con người Mông ở các địa phương khác nói chung thường ăn tết trước Tết Nguyên đán một tháng vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch và thường tổ chức ăn uống kéo dài trong nhiều ngày rất tốn kém và lãng phí.

Gần đây, người Mông đã tự bỏ dần ngày tết riêng của mình và tổ chức đón Tết Nguyên đán cùng với các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Vào những ngày giáp tết, không khí náo nức chuẩn bị đón năm mới thật sôi động.

Các gia đình trong bản chuẩn bị rất chu đáo để đón Tết, từ con lợn, con gà, bộ váy áo, chiếc khăn quàng cổ đến những bó củi... đều được sắm sửa từ vài tháng trước. Tết cổ truyền, nhà nhà rộn ràng tiếng giã gạo làm bánh dầy vang khắp bản làng.

Trong những ngày đầu xuân, chị em người Mông mặc những bộ váy mới đi chúc Tế t và tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc như: Ném Pao, thổi kèn lá, đánh quay, múa gậy, kéo co, hát đối... thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng tô điểm cho sắc xuân nơi vùng cao Tương Dương càng thêm rực rỡ.

Ông Vừ Bá Dê, Bí thư chi bộ bản Lưu Thông cho biết: Có được Tết Quý Tỵ vui tươi và đầm ấm, ngay từ đầu năm Nhâm Thìn, chi uỷ bản Lưu Thông có nghị quyết chuyên đề về phát triển các loại cây, con đặc sản vào sản xuất, chăn nuôi và cho thu nhập cao. Mặt khác, chi bộ còn chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong bản truyền dạy cho con, cháu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và vận động gia đình, dòng họ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào được nâng lên; đồng thời chi bộ tổ chức ký cam kết với Ban thường vụ huyện uỷ Tương Dương về việc thực hiện “5 có, 5 không” với những nội dung thiết thực, gắn với cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông như: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; có ý thức xây dựng bản làng phát triển toàn diện; có nhiều người hiếu học, biết chữ.

Nhờ vậy, kinh tế ở bản Lưu Thông phát triển toàn diện, phong trào nuôi trâu bò nhốt, gà đen, lợn đen và ao cá vừa cải thiện bữa ăn vừa tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài chăn nuôi, bà con còn trồng bí xanh, khoai sọ, gừng... cho thu nhập cao. Nhiều gia đình trong bản đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại như: Vừ Vả Rùa, Vừ Nỏ Hùa, Vừ Lý Phổng, Vừ Xê Vả, Thò Bá Tễnh...

Điển hình như gia đình trưởng bản Vừ Giống Nênh, mỗi năm thu nhập bình quân 15 tấn bí xanh, gần 4.000 kg gừng, 5 con trâu, 2 con bò, 3 ao cá, hàng chục con gà...tổng thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.

Hay như gia đình chị Mùa Y Bô, vừa kinh doanh hàng tạp hoá vừa nuôi hàng chục con nhím, lợn đen, cá...doanh thu hơn 100 triệu/năm. “Cuộc sống bà con nay đã khác trước, ấm no hơn, đủ đầy hơn. Đó là nhờ ơn Đảng và sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đường giao thông vào bản nay vẫn còn khó khăn, bà con dân tộc Mông chúng tôi mong muốn sớm được bê tông hoá, nhựa hoá để giúp đi lại thuận tiện hơn”, chị Y Bô nói.

Kinh tế phát triển cuộc sống ấm no, bà con dân bản quán triệt và thực hiện tốt nội dung "5 không”, là không du canh du cư, vượt biên trái phép; không làm trái với phong tục tập quán của dân tộc; không để người chết nhiều ngày trong nhà; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy và không tảo hôn, sinh nhiều con.

Những nội dung này được tuyên tuyền, phổ biến tới từng hộ trong bản, đã giúp bà con nhận thức rõ tầm quan trọng của bản cam kết và thực hiện một cách có hiệu quả. Nhờ đó, bản Lưu Thông trong nhiều năm liên tục đạt bản Văn hoá cấp huyện. Mùa xuân đang về trên bản Lưu Thông - bản của người Mông ở xã Lưu Kiền, hứa hẹn một năm mới tràn đầy ấm no và hạnh phúc.



Viết Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN