Chính phủ Mỹ ngày 2/8 đã phản ứng gay gắt sau khi Nga cho phép người tiết lộ thông tin tình báo Edward Snowden tạm trú và rời khỏi khu quá cảnh ở sân bay để tự do đi lại trong nước Nga.
Mỹ “cực kỳ thất vọng”
Chính phủ Mỹ đã bày tỏ thái độ “cực kỳ thất vọng” trước quyết định của Nga. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói: “Hành động này của chính phủ Nga đã làm tổn hại quá trình hợp tác lâu dài về thực thi pháp luật giữa hai nước”. Ông Carney còn nói sẽ xét lại xem có cần tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Nga vào tháng 9 tới hay không.
Màn hình máy tính chiếu hình ảnh luật sư Anatoly Kucherena cho báo chí xem bản sao giấy phép tạm trú của Snowden. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ mà ông Carney nói đến sẽ diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở thành phố Saint Petersburg của Nga. Ngoài ra, hai bên còn có một cuộc gặp khác giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, và như vậy hội nghị này cũng có thể bị đổ bể.
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối bình luận về vụ việc trên thì các nghị sĩ Mỹ đã “sôi sục”. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Chuck Schumer muốn Mỹ "trả đũa" bằng cách đề nghị chuyển địa điểm tổ chức hội nghị G20 ra khỏi Nga. Thượng nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham gọi đây là "hành động xúc phạm nước Mỹ". Hai thượng nghị sỹ này còn đề nghị đẩy nhanh thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu và mở rộng khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sát hơn nữa tới biên giới Nga. Ông Robert Menedez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Snowden được tạm trú ở Nga là một “bước lùi” cho quan hệ Nga-Mỹ.
Snowden cảm ơn nước Nga
Sau khi rời sân bay Sheremetyevo, Snowden đã ra một tuyên bố trên trang web của tổ chức tiết lộ tin mật WikiLeaks, trong đó anh cảm ơn nước Nga và chỉ trích chính quyền Mỹ vì không tôn trọng luật pháp quốc tế. Snowden nói: “Cuối cùng thì luật pháp cũng chiến thắng”.
Trước đó, Snowden đã rời sân bay Sheremetyevo một cách bí mật, đến mức qua mắt được hầu hết cả rừng phóng viên chầu chực săn đón mọi cử động của anh. Phát ngôn viên sân bay xác nhận anh này đã ra khỏi sân bay lúc khoảng 14 giờ (giờ địa phương).
Luật sư người Nga của Snowden, ông Anatoly Kucherena, cho biết sẽ giữ bí mật nơi ở mới của Snowden vì lý do an ninh, do anh này hiện là “người bị truy đuổi gắt gao nhất hành tinh”. Theo ông Anatoly, Snowden sẽ xuất hiện trước công chúng và trả lời phỏng vấn truyền thông một khi đã quen với nơi ở mới.
Trong khi đó, dư luận Nga đánh giá việc Nga cho Snowden tạm trú là động thái khẳng định tính độc lập của nước này. Chính khách Eduard Limonov viết trong một bài bình luận trên tờ Izvestia: “Nga hành động như một cường quốc độc lập, nghiêm túc. Giờ tôi tin là sức nặng của chúng ta trên thế giới sẽ tăng lên”.
Về triển vọng quan hệ song phương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cả Nga và Mỹ đều không muốn vụ Snowden ảnh hưởng xấu tới toàn bộ quan hệ giữa hai nước. Về phần mình, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, Yury Ushakov, cũng nhanh chóng tìm cách hạn chế tổn thất về ngoại giao khi nói vụ này không quan trọng và sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ chính trị giữa hai nước.
Giới phân tích cho rằng mặc dù sự việc mới nhất đã giáng thêm một đòn vào mối quan hệ vốn chẳng mấy tốt đẹp giữa Nga và Mỹ, song mỗi bên vì quyền lợi riêng sẽ không để sự việc đi quá xa, đẩy hai nước trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Thùy Dương (tổng hợp)