Quân đội Thái
Lan ngày 22/1 cho biết đã phát hiện có vũ khí và chất nổ đang
được chuyển vào thủ đô Bangkok, trong bối cảnh hoạt động biểu tình
của phe chống chính phủ có xu hướng ngày càng bạo lực. Binh sĩ Thái Lan điều tra hiện trường vụ đánh bom ngày 21/1. Ảnh: AFP-TTXVN |
Người
phát ngôn Lục quân Thái Lan khẳng định một phe phái có dụng ý
xấu đang huy động vũ khí và bom để chuẩn bị tấn công đối thủ.
Trước đó, Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã ban bố Sắc lệnh tình
trạng khẩn cấp trong 60 ngày bắt đầu từ 22/1 tại Bangkok và các
tỉnh lân cận.
Theo Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan
Sihasak Phuanggetkeow, sắc lệnh tình trạng
khẩn cấp hiện hành không bao gồm việc cấm hoặc giải tán các cuộc biểu
tình hay hạn chế truyền thông. Ông Sihasak cho biết chỉ một phần của sắc
lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố và đây chỉ là "một giải pháp mang
tính răn đe", theo đó các nhân viên cảnh sát và an ninh có quyền hạn lớn
hơn để giải quyết các tình huống, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử
vào ngày 2/2 tới. Hiện Chính phủ vẫn chưa ban bố lệnh giới nghiêm
ban đêm.
Theo Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, Trung tâm duy trì hòa
bình và trật tự (CMPO) đã được thành lập để thay thế Trung tâm quản lý
hòa bình và trật tự. Người đứng đầu CMPO, Bộ trưởng Lao động Chalerm
Yubamrung, cho biết cảnh sát sẽ là lực lượng đi
đầu trong đảm bảo an ninh trong khi quân đội đóng vai trò hỗ trợ. Quan
chức này khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ hành động theo tiêu
chuẩn quốc tế, không sử dụng vũ lực, cũng không giải tán
người biểu tình.
Ngành du lịch thất thu 10 tỷ bath Trong khi đó, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để
đối phó với bạo loạn bị cho là một đòn nặng nề nữa đánh vào ngành du
lịch chủ chốt của Thái Lan. Dự báo của Hiệp hội kinh doanh du lịch Thái
Lan cho biết việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và một
số khu vực xung quanh sẽ khiến du lịch thất thu nặng nề. Theo hiệp hội,
kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình cuối tháng 10 năm ngoái, lượng khách
du lịch vào Thái Lan đã giảm dần và các hợp đồng đặt khách sạn cũng bị
hủy bỏ hàng loạt. Hiệp hội cảnh báo việc áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn
cấp sẽ khiến cho lượng khách du lịch trong quý I năm nay, mùa du lịch
cao điểm ở Thái Lan, giảm khoảng 30 - 40% đồng nghĩa thất thu khoảng 10
tỷ baht (304 triệu USD).
Một lượng lớn khách Trung Quốc chuẩn bị
sang du lịch Thái Lan nhân dịp Tết Nguyên đán đã hủy các chuyến đi vì
Bắc Kinh cảnh báo công dân nước này không du lịch Bangkok. Khoảng 30
chuyến bay tới Bangkok từ Trung Quốc và 10 chuyến bay từ Nga đều đã bị
hủy bỏ không thời hạn.
Cùng ngày 22/1, Giám đốc Phòng Thương mại
Thái Lan (TCC) Isara Wongkusolkij cũng cảnh báo
việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ làm tổn hại hình ảnh đất
nước này và khiến khách du lịch nước ngoài e ngại. Theo ông Isara, về
ngắn hạn, lượng khách du lịch tới Thái Lan sẽ sụt giảm trong khi về dài
hạn, các dự án đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị hoãn lại. Trước đó, Cục
Thông tin Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết 46 quốc gia và khu vực đã đưa
ra cảnh báo du lịch tới nước này.
TCC cũng hạ thấp mức dự báo về
tăng trưởng kinh tế năm 2014 xuống còn 3-4%, thay vì 4-5% trong dự báo
trước đó. Theo TCC, các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại khoảng 500-700
triệu baht mỗi ngày cho nền kinh tế Thái Lan. Trong khi đó, hãng đánh
giá mức độ tín nhiệm Moody's cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế
của Thái Lan trong năm 2013 xuống còn 3%, thấp hơn mức 3,7% trong dự báo
trước đó.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngân hàng trung ương
Thái Lan (BoT) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25%, bất chấp
những lo ngại ngày càng lớn về tác động của cuộc biểu tình rầm rộ hiện
nay đối với nền kinh tế quốc gia. Trong tuyên bố của mình, BoT thừa nhận
tình hình chính trị hiện nay tiếp tục làm mất lòng tin của người tiêu
dùng, và điều này tác động xấu tới triển vọng tăng trưởng nói chung. Tuy
nhiên, BoT cho rằng các nền tảng kinh tế mạnh sẽ giúp vượt qua các nguy
cơ ngắn hạn này. Mặc dù vậy, BoT cũng không loại trừ khả năng cắt giảm
lãi suất trong tương lai khi cho biết "ngân hàng sẵn sàng có các hành
động thích hợp".
TTXVN/Tin Tức