Việt Nam – Trung Đông đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư

Việt Nam và Trung Đông có nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam và Trung Đông” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty MIG và RELAM – Dubai tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11/5.

Đại diện Công ty Relam Investment và MIG Holdings ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai TRADE – HUB tại Việt Nam.

Trung Đông – thị trường tiềm năng

Ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Đông là khu vực thị trường lớn với dân số trên 300 triệu người. Đây cũng là thị trường có sức mua lớn, khả năng chi trả cao trong khi các yêu cầu về mặt kỹ thuật không quá khắt khe. Mỗi năm Trung Đông nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD về lương thực, thực phẩm; dự kiến giá trị nhập khẩu đến năm 2035 là 70 tỷ USD. Trong khu vực Trung Đông có nhiều thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt như Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập-Xê út, Iran…

Trao đổi thương mại Việt Nam  - Trung Đông đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Đông đạt 12 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 9 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông khoảng 3 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng như lương thực, nông sản, Trung Đông còn là thị trường có nhu cầu lớn điện thoại di động, thiết bị điện tử, về hàng tiêu dùng, da giày….là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong khối Trung Đông, UAE hiện là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD. Ông Trịnh Vinh Quang, Đại sứ Việt Nam tại UAE cho rằng, Việt Nam và UAE là những nền kinh tế có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau; trong đó, Việt Nam là cửa ngõ của để các doanh nghiệp UAE tiếp cận thị trường khối ASEAN, ngược lại UAE chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ở khu vực Trung Đông.

Ông Obaid al dhaheri, Đại sứ UAE tại Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam là đối kinh tế hàng đầu của UAE tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam  - UAE có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong các ngành năng lượng tái tạo, luyện kim (nhôm, thép), sửa chữa tàu biển, hóa dầu, hóa chất, cơ khí chế tạo...

Về hợp tác đầu tư, doanh nghiệp UAE đã bước đầu tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất, du lịch dịch vụ... Cho đến nay, UAE có hơn 14 dự án đầu tư trực tiếp với trị giá khoảng trên 26 triệu USD (không tính góp vốn đầu tư gián tiếp dưới tên các đối tác khác) tại Việt Nam và xu hướng đầu tư này đang tiếp tục tăng lên.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, kết quả hợp tác thương mại, đầu tư giữa  Việt Nam – Trung Đông thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của đôi bên. Cụ thể, mặc dù trao đổi thương mại tăng trưởng từng năm nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Đông mới chiếm hơn 1% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Ngược lại, mặc dù các nước Trung Đông có thế mạnh về xuất khẩu dầu khí, hóa chất, nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng kim ngạch trao đổi các mặt hàng này còn rất ít.

Thêm vào đó, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Trung Đông mang tính bổ sung rất tốt cho nhau nhưng trên thực tế, cán cân thương mại hai bên đang có sự mất cân bằng rõ nét, Việt Nam xuất siêu còn Trung Đông thâm hụt thương mại khá lớn.

Đẩy mạnh hợp tác kết nối doanh nghiệp

Ông Lê Thái Hòa cho rằng, Việt Nam và các nước Trung Đông có quan hệ tốt đẹp về mặt chính trị, ngoại giao, tiềm năng hợp tác kinh tế cũng rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tập quán kinh doanh nên cộng đồng doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều thông tin cũng như cơ hội hợp tác cụ thể.

Vì vậy, để khai thác tốt khu vực thị trường Trung Đông các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ những đặc điểm về tập quán kinh doanh cũng như các quy định, chứng nhận cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Trung Đông. Đặc biệt, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm cần có chứng nhận Halal (những quy định được phép theo Luật Hồi giáo)

Thêm vào đó, mặc dù các nước Trung Đông có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng thanh toán cao nhưng đó cũng là lý do một số đối tượng lợi dụng để lừa đảo thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, kiểm chứng thông tin về uy tín, lịch sử  giao dịch của đối tác cũng như thảo luận các phương thức thanh toán ít rủi ro nhất trước khi ký kết hợp đồng và giao hàng.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chia sẻ, thị trường Trung Đông có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, thủy sản. Đây là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.


Theo ông Đỗ Hà Nam, các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Trung Đông có thể thông qua thị trường Dubai vì đây là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất của khu vực, đồng thời là cửa ngõ, là nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp Trung Đông. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tham gia các hội chợ thương mại hàng năm tại Dubai để có thể gặp gỡ trực tiếp những nhà mua hàng đến từ tất cả các nước Trung Đông và khu vực lân cận, qua đó cắt giảm các khâu trung gian và thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài.

Để tăng cường việc kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông, Công ty Relam Investment (UAE) và MIG Holdings (Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai TRADE – HUB tại Việt Nam. Đây là nền tảng trang mạng thương mại đã được Relam Investment triển khai ở nhiều quốc gia nhằm kết nối kinh doanh trực tuyến toàn diện.

Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc MIG Holdings cho biết, TRADE –HUB Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, được đầu tư để trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất, thương mại, cung ứng dịch vụ, tổ chức tài chánh và nhà đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông. Trong đó, bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối dịch vụ logistics, tư vấn phương thức thanh toán phù hợp với từng thị trường cũng như kiểm tra năng lực của các của các đối tác, từ đó giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Ông Phương chia sẻ, TRADE –HUB Việt Nam hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc marketing, xúc tiến thương mại. Đồng thời giúp họ cắt giảm thủ tục và chi phí khi hợp tác với các đối tác thứ cấp thông qua việc kết nối người mua và người bán, cũng như chia sẻ dịch vụ logictis đối với các đơn hàng nhỏ.

Ở lĩnh vực đầu tư, ông Neil Madgegor Giám đốc điều hành Savil Việt Nam cho biết, đầu tư từ Trung Đông vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản và công nghệ cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư Trung Đông thường nghiên cứu thị trường rất kỹ, mong muốn sự minh bạch, rõ ràng trong hợp tác cũng như ưu tiên lựa chọn các đối tác có năng lực quản trị tốt nhằm đảm bảo thành công khi đầu tư lớn.

Vì vậy, để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Trung Đông các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư từ đó nâng cao khả năng hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.

Bài và ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
Hàn Quốc thành lập cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam và UAE
Hàn Quốc thành lập cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam và UAE

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 2/5 cho biết nước này đã lập một cơ quan tham vấn bao gồm các quan chức chính phủ và đại diện các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các dự án phát triển lớn tại Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới hai quốc gia này mới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN