Thủy điện Bản Vẽ nằm trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương là công trình thủy điện lớn nhất các tỉnh Bắc Miền trung đã hoàn thành xây dựng, phát điện.
Để xây dựng công trình này, trên 2.000 hộ dân với 10.000 nhân khẩu thuộc các xã trong huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới tại huyện Thanh Chương cách xa trên 150 km. Tuy nhiên, sau một thời gian đến tái định cư tại nơi ở mới, đến nay người dân đang “ồ ạt” trở lại nơi ở cũ.
Những ngày này, bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, là một trong những bản được thành lập làm nơi tái định cư cho các hộ dân bản Kim Hồng, xã Kim Tiến, huyện Tương Dương (là xã nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ) vắng vẻ hơn bao giờ hết.
Khu tái định cư Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, trở nên vắng vẻ vì người dân bỏ về nơi ở cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật |
Có những ngôi nhà cửa đóng then cài; chuồng trâu bò để mặc mưa nắng, không có trâu bò ở; các con đường dẫn vào bản vắng hoe. Thỉnh thoảng lắm mới thấy có gia đình có người ở nhà. Có tình trạng này là do hàng loạt người dân sau khi tái định cư đã quay trở về nơi ở cũ ở xã Kim Tiến (nay là xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương).
Người dân tại khu tái định cư bản Kim Hồng cho rằng họ phải trở về nơi ở cũ là do tại nơi ở mới không được cấp đất sản xuất, điều kiện sống, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại khác không đảm bảo cuộc sống, sản xuất. Anh Lương Văn Thủy, người dân tại bản tái định cư Kim Hồng cho biết: họ đến đây nhưng đất chưa được chia, gạo thì không có nữa. Dân ở đây muốn lên quê cũ. Anh Chương Văn Tuyên cũng là người dân sống tại đây nói: Ở đây không đủ sống. Riêng tiền mua gạo cũng không đủ.
Tìm hiểu tại đây, phóng viên TTXVN được biết, bản tái định cư Kim Hồng có 102 hộ, 436 khẩu hộ, được di dời tái định cư từ năm 2009 và được chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ là Ban Quản lý dự án thủy điện 2 (Tập đoàn điện lực Việt Nam) và huyện Thanh Chương xây nhà, chia lô đất ở. Tuy nhiên, nhà ở thì có nhưng đất sản xuất thì chưa được cấp; trường học, chợ búa, trạm y tế thì ở cách xa, không thuận lợi đi lại, học hành... Cả một loạt vấn đề khó khăn nảy sinh đang làm người dân nản lòng với khu tái định cư mới.
Thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, tại bản này đã có 65 hộ chuyển về nơi ở cũ.
Rời khu tái định cư ở xã Ngọc Lâm, huyện Tương Dương, chúng tôi tiếp tục tìm đến xã Kim Tiến (nay là xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) là nơi người dân bản Kim Hồng quay trở về. Để đến được đây, phải đi thuyền hàng tiếng đồng hồ trên vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và phải đi bộ cắt rừng với rất nhiều khó khăn. Tìm hiểu thực tế, không phủ nhận một điều là tại nơi này, người dân dễ dàng hơn trong việc mưu sinh kiếm sống; hàng ngày chỉ cần xuống vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là có thể đánh bắt cá đem bán.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Việc người dân trở về sẽ làm cho huyện gặp nhiều khó khăn trong quản lý hành chính nhà nước, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng lòng hồ.
Rõ ràng, việc người dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ ồ ạt trở về đang tạo gánh nặng cho địa phương cả nơi đến và nơi đi. Để giải quyết vấn đề này là việc không đơn giản, cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các địa phương và Ban quản lý dự án thủy điện 2 mà đặc biệt là UBND huyện Thanh Chương và Ban quản lý dự án thủy điện 2.
Được biết, mới đây UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 538/UBND - CN đề nghị huyện Thanh Chương phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 khẩn trương triển khai công tác bàn giao đất sản xuất để đồng bào tái định cư nhanh chóng ổn định đời sống; giao huyện Tương Dương tuyên truyền, vận động và tăng cường công tác kiểm tra, quản lý không để cho người dân trở về sinh sống trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Nguyễn Văn Nhật