Làn điệu sình ca mượt mà, sâu lắng; những điệu múa đẹp đến mê hồn, những phong tục tập quán độc đáo... là “kho báu” của dân tộc Cao Lan ở thôn Trại Khách, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; nơi được ví như một ngôi “làng cổ” của dân tộc Cao Lan, đang gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Cao Lan trước nguy cơ mai một.
Những “báu vật” dân tộc
Bà Vi Thị Sửu, Chủ nhiệm câu lạc bộ hát sình ca của thôn Trại Khách cho biết: Sình ca là lối hát đối đáp (giao duyên) của dân tộc Cao Lan, tuy không có nhạc nhưng mỗi câu hát ngân lên lại có sức mạnh lan tỏa rất lớn. Triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ…Tương truyền, sình ca được chia thành 12 tập và hát trong 12 đêm, mỗi tập mang một nội dung, ý nghĩa khác nhau; nhưng có một điểm chung là: Khi đã biết và yêu sình ca thì con người sẽ luôn biết giữ đạo đức, biết kính trên nhường dưới, sống chan hòa và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau…
Một buổi tập văn nghệ của CLB văn nghệ sình ca thôn Trại Khách. |
Bà Sửu cũng cho biết thêm: Để sình ca đi vào lòng người không thể thiếu những điệu múa, như múa Nón, múa Quạt, múa Tung Còn, múa Khai Đèn... Những động tác nhịp nhàng, vui tươi trong các điệu múa hòa cùng làn điệu sình ca tạo nên sức hút vô cùng đặc biệt. Đây là niềm tự hào của dân tộc Cao Lan bao thế hệ nay.
Bên cạnh làn điệu sình ca, cộng đồng dân tộc Cao Lan nơi đây còn tự hào vì bảo tồn được những phong tục truyền thống của dân tộc, như lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ tang...
Những ngôi nhà sàn cổ cũng là một trong những nét đặc sắc ở ngôi làng này. Ông Hoàng Liên Sơn, trưởng thôn 15 Trại Khách, xã Kim Phú (Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết: Thôn có hơn 90 hộ, trong đó 97% là dân tộc Cao Lan với nhiều dòng họ lớn như: họ Tiêu, họ Hoàng, họ Vi, họ Lâm... Trẻ con sinh ra ở đây ngoài nói tiếng phổ thông đều biết nói tiếng của dân tộc mình, cho nên tiếng nói của dân tộc Cao Lan được bảo tồn rất tốt. Bên cạnh đó, thôn còn giữ được khoảng 70% nhà sàn truyền thống.
Kinh nghiệm bảo tồn
Để giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước nguy cơ bị mai một, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở đây đã có những cách gìn giữ rất độc đáo.
Để giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước nguy cơ bị mai một, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở đây đã có những cách gìn giữ rất độc đáo. |
Chia sẻ với chúng tôi về điều này, ông Sơn cho biết thêm: Người dân nơi đây bảo tồn bản sắc văn hóa theo phương châm “Người người gìn giữ, nhà nhà gìn giữ”, nghĩa là mỗi dòng họ có một hương ước riêng, trong đó quy định phải có trách nhiệm bảo tồn văn hóa của dân tộc mình... Từ đó mỗi người sẽ tự có ý thức và trách nhiệm đối với bản sắc văn hóa của dân tộc, gìn giữ và không để nó mai một.
Ông Đoàn Khắc Mười, chủ tịch UBND xã Kim Phú (Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết: Xã Kim Phú có 11 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Cao Lan có ý thức, trách nhiệm và cách làm rất hay trong vấn đề tự bảo tồn tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Do đó, bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan trong xã vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ nhất. Để khuyến khích, giúp đỡ đồng bào dân tộc Cao Lan bảo tồn bản sắc văn hóa, hàng năm xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ về trang phục... hướng tới bảo tồn và phát triển làng văn hóa dân tộc Cao Lan; lấy đây là tấm gương để các dân tộc anh em trong xã noi theo...
Cộng đồng Cao Lan ở thôn Trại Khách nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung hôm nay có thể tự hào vì bản sắc của dân tộc mình đang được gìn giữ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, viễn cảnh về một ngôi làng trù phú cũng đang mở ra với người dân nơi đây. Bởi trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020”, thì trong giai đoạn 2013-2015, đây sẽ là nơi để xây dựng “Làng văn hóa dân tộc Cao Lan”.
Bài và ảnh: Phạm Yến - Minh Trang