Ứng phó với nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9

Nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam dịp cuối năm là rất cao. Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia y tế tại “Hội thảo tham vấn tăng cường giám sát và phòng chống dịch cúm A/H7N9”, do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Bộ Y tế… tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.


Nguy cơ cao


Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Từ tháng 3/2013 đến nay vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới. Riêng trong tháng 11 và 12/2013, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 2 ca nhiễm cúm A/H7N9, nâng số ca mắc lên 147 ca, trong đó có 43 ca tử vong.Tất cả trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm đường hô hấp nặng với triệu chứng: Sốt, ho, khó thở...

Tiêm vắcxin bổ sung phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm tại xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9, cũng như chưa phát hiện thấy virút này trên đàn gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Bởi lẽ, Việt Nam nằm sát Trung Quốc, sự giao lưu của người dân hai nước qua đường biên giới rất nhiều. “Đặc biệt, rất khó kiểm soát việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm. Mùa đông - xuân lại là thời điểm virút cúm phát triển mạnh. Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng là dịp gia tăng nhu cầu sử dụng gia cầm, gia tăng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.


Điều đáng lo ngại là đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được virút cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người, hay lây từ người sang người. Mà đặc tính của virút cúm A dễ biến đổi, nên nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ người sang người là rất có thể xảy ra.


TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho biết: “Ngành thú y vẫn tăng cường giám sát, nhằm chủ động phát hiện virút cúm A/H7N9 trên gia cầm. Đến nay, tuy chưa phát hiện được trường hợp dương tính nào nhưng chúng tôi vẫn rất lo ngại về nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9. Bởi lẽ, chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, khó áp dụng mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Người dân còn chủ quan, lơ là trước bệnh dịch trên đàn gia cầm cũng như trên người. Việc tiêm phòng vắcxin trên đàn gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, rất khó kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, nhất là gà thải loại vì loại gà này rất rẻ, tại cửa khẩu Móng Cái chỉ vẻn vẹn 35.000 đồng/kg, nhưng vận chuyển về tới Hà Nội giá có thể cao gấp đôi...”.


Chủ động giám sát, phát hiện virút


“FAO cũng đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm hỗ trợ các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập cúm A/H7N9, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong công tác giám sát, phát hiện virút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm, cũng như trên người. Khi xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm A/H7N9, cần chú trọng việc giám sát chủ động tại các chợ gia cầm sống, bởi đó là nơi thường phát sinh, gia tăng bệnh dịch”, một đại diện Tổ chức FAO tại VN khẳng định.


Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn 1 của kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H7N9, tức là giai đoạn chưa có trường hợp bệnh trên người. Vậy nên, để ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.


Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo tất cả các ca bệnh giám sát, các bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện. Tập trung giám sát tại các cửa khẩu quốc tế, các vùng biên giới giáp vùng dịch, các bệnh viện lớn, vùng có nguy cơ. Củng cố phòng xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, sinh phẩm... triển khai điều trị bệnh nhân và chống dịch. Xây dựng các thông điệp truyền thông; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại địa phương.


“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, nhất là phối hợp với ngành nông nghiệp, công thương để giám sát, kiểm tra nhập khẩu, quản lý mua bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm; theo dõi dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm, xử lý ổ dịch triệt để. Bên cạnh đó, cũng tăng cường phối hợp quốc tế, nhằm kịp thời cập nhập thông tin về tình hình dịch, cũng như các biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu nhất”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.


Để chủ động phòng dịch cúm A/H7N9, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống, khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt hoặc sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh… Nếu đang ở vùng có dịch cúm trên gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm ốm, chết mà có những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, khó thở, tím tái nhanh… thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN