Thỏa thuận hỗ trợ tín dụng 15 tỉ USD và giảm 1/3 giá khí đốt cho phép Ukraine tránh được mối hiểm họa từ khủng hoảng cán cân thanh toán, thậm chí là nguy cơ sụp đổ chính phủ, nhưng nó đồng thời cũng là cái cớ để phe đối lập lợi dụng chống phá chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Yanukovych trao đổi văn kiện hợp tác song phương. Ảnh: AFP-TTXVN |
Nga đồng ý hỗ trợ khoản tín dụng 15 tỉ USD cho Ukraine dưới dạng mua trái phiếu, cùng với đó là quyết định giảm 1/3 giá mua khí đốt cho Ukraine. Đây là thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Yanukovych hôm 17/12 ở Moskva.
Phát biểu sau gần 3 giờ đàm phán, Tổng thống Putin tuyên bố: “Nga và Ukraine là đối tác chiến lược của nhau, với truyền thống hữu nghị và hợp tác chặt chẽ. Tôi muốn mọi người chú ý đến một sự thật rằng (sự trợ giúp này) không gắn với bất kì một điều kiện gì... Ngày hôm nay, chúng tôi không hề thảo luận việc Ukraine tham gia vào Liên minh thuế quan”.
Theo người đứng đầu điện Kremlin, Chính phủ Nga sẽ dùng một khoản ngân sách trong Quỹ Phúc lợi Quốc gia để đầu tư vào số trái phiếu chính phủ trị giá 15 tỉ USD do Ukraine phát hành trong thời gian tới. Tính đến thời điểm ngày 1/12/2013, Quỹ này có tổng tài sản là 89,8 tỉ USD. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết: Các điều khoản liên quan đến hoạt động đầu tư này sẽ sớm được công bố công khai; ngay trong năm 2013, Nga sẽ mua 3 tỉ USD, hợp đồng này có thể sẽ được hoàn tất ngay trong cuối tuần này. Ông Putin cũng cho biết, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ bán khí đốt cho Ukraine với giá 268,5 USD/1.000 m3 khí, giảm so với mức giá 400 USD như hiện nay. Giá mới này sẽ được áp dụng từ tháng tới. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng đã chứng kiến lễ kí kết nhiều văn kiện hợp tác khác như dự án khôi phục hoạt động chế tạo máy bay An-124, phát triển công nghiệp đóng tàu, bảo đảm an toàn hạt nhân, biên phòng, văn hóa...
Thỏa thuận hợp tác với Nga cho phép Kiev tránh được hiểm họa từ khủng hoảng cán cân thanh toán, thậm chí là nguy cơ sụp đổ chính phủ, trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine trải qua quý thứ 5 liên tiếp tăng trưởng âm. Đảng cầm quyền "Các khu vực" của Ukraine ra tuyên bố đánh giá cao các thỏa thuận chiến lược vừa đạt được với Nga, coi đây là bước quan trọng nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Tuy nhiên, phe đối lập đã lợi dụng điều này để tạo cớ hòng đẩy căng hoạt động chống phá chính quyền của Tổng thống Yanukovych. Họ đã huy động hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ việc liên kết với Liên minh châu Âu (EU) đổ về Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev trong nhiều giờ để theo dõi kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Lực lượng đối lập cho rằng quyết định của Tổng thống Yanukovych là sự thỏa hiệp, khiến Ukraine phụ thuộc vào Nga; đồng thời khẳng định sẽ tìm cách ngăn cản Quốc hội thông qua thỏa thuận trên. Thủ lĩnh phe đối lập Ukraine, cựu vô địch đấm bốc Vitali Klitschko, tuyên bố: “Chỉ có một con đường cho đất nước này: Tiến hành bầu cử sớm. Tôi thách thức ông Yanukovych. Ông ta là đối thủ cá nhân của tôi và tôi đưa ra lời thách đấu trên vũ đài”.
Từ Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Washington không quan tâm nhiều đến thỏa thuận trên, vì nó “không giúp giải quyết quan ngại” của hàng chục nghìn người biểu tình Ukraine. Ông Carney cũng hối thúc Chính phủ Ukraine “lắng nghe người dân và khôi phục con đường hướng tới một tương lai hòa bình, công bằng, dân chủ và thịnh vượng về kinh tế với châu Âu, vốn là nguyện vọng của người dân Ukraine".
Hoài Thanh