Tỷ phú của phum sóc

Sóc Prey Chop (xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nằm ở vùng sâu tách biệt, đất chật người đông, giao thông cách trở, đời sống của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, giữa mảnh đất cằn cỗi ấy, vẫn có một người nông dân Khmer vươn lên thành “tỷ phú” từ hai bàn tay trắng. Một hình mẫu cho người nông dân Khmer ở vùng sâu, ít học nhưng lại làm giàu từ sự cần cù, chịu khó, đó chính là nông dân sản xuất giỏi Danh Sà Khol.


Sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo lại đông anh em, nên ngay từ nhỏ, để có cái ăn, mấy anh em Danh Sà Khol phải vất vả làm đủ nghề từ đào đất, chăn bò, làm vườn, gặt mướn… Lập gia đình ở tuổi 20, tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng mới cưới chính là ngôi nhà lá che tạm mưa nắng. Không đầu hàng số phận và không để cái nghèo đeo bám đến thế hệ sau, vợ chồng ông hướng đến làm giàu bằng buôn bán. Bắt đầu với những cái đơn giản nhất. Buổi sáng, vợ buôn bán ít rau cải tại chợ trong sóc, trưa thì gánh bán ở nơi xa hơn. Chồng thì đi làm thuê kiếm sống. Cứ thế, nhờ sự tiết kiệm và việc buôn bán thuận lợi, nên số vốn của gia đình ngày càng lớn dần.


 

Tỉnh Sóc Trăng ngày càng có nhiều gương nông dân Khmer kinh doanh sản xuất giỏi.

 

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mà việc giao thương, sản xuất của người dân ở sóc ngày thêm được thuận lợi. Có đường, ông Khol sắm xe máy, phương tiện chuyên chở hàng từ các xã lân cận đến Bạc Liêu bán, rồi lại mua hàng bán lại… mỗi ngày cứ thế vài bận.
Đến năm 2010, việc làm ăn đã thuận lợi hơn, kinh tế gia đình ông Danh Sà Khol bắt đầu khá lên. Vuông cá kèo cho thu hoạch trên 10 tấn (thu được 60 triệu đồng mỗi tấn), trừ chi phí thu lãi trên 500 triệu. Từ 10 công đất trồng hành tím, với giá từ 18.000 - 23.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Với 4 vuông tôm được mùa, ông có thêm lãi không dưới 250 triệu. Tổng thu năm đó là trên 1 tỷ đồng.


Đến nay, dù gia đình thuộc vào loại khá giả nhất xóm, nhưng vợ chồng ông vẫn chăm chỉ làm ăn. Mỗi ngày, từ sáng sớm, hai vợ chồng ông và người con cả đã đến từng hộ thu mua nông sản để bỏ mối tận chợ Bạc Liêu. Nhờ sự cần cù, siêng năng, không ngại gian khổ như thế nên chỉ tính riêng nguồn thu nhập từ buôn bán, trung bình mỗi năm, gia đình ông tích lũy được trên 200 triệu đồng.


Ông Ong Quốc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hòa cho biết: “Gia đình ông Khol luôn là điểm sáng cho hành trình vươn đến sự no ấm bằng nghị lực và công sức của mình. Gương chí thú làm ăn của ông Khol chính là hình mẫu để đồng bào trong các phum sóc Khmer Lai Hòa học tập. Thời gian tới, với sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc, tin chắc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân Khmer chí thú làm ăn, làm giàu từ hai bàn tay trắng như ông Khol”.


Để ghi nhận những nỗ lực không ngừng trên hành trình làm giàu của người Khmer này, năm 2011 vừa qua, nông dân Danh Sà Khol được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh giai đoạn 2009-2011.


Từ hai bàn tay trắng những ngày đầu lập thân, đến nay, mọi nỗ lực làm giàu của gia đình ông đã đơm hoa kết trái: Gia đình có 15 công đất (1,5 ha) rẫy và 35 công đất nuôi tôm, một ngôi biệt thự trị giá hàng tỷ đồng.


Bài và ảnh: Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN