Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá với các nền kinh tế thành viên APEC và các thị trường nhập khẩu nông sản tiềm năng khác của Việt Nam về các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 dự kiến thu hút đông đảo các đại biểu đến từ 21 thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp.
Các hoạt động, sự kiện chính tại Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại Cần Thơ gồm: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó, các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm Công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức (Biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững; Phát triển nông thôn; Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn - thành thị khu vực Châu Á -Thái Bình Dương...); Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo; Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế tại khu vực diễn đàn đối thoại cao cấp...
Mục tiêu của Tuần lễ An ninh lương thực là tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong khu vực APEC để xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực; Hợp tác trong chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; Thúc đẩy hợp tác về an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và kiểm soát thất thoát lương thực.
Dự kiến kết thúc Tuần lễ An ninh lương thực, các Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp khu vực APEC sẽ thông qua “Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác trong khu vực để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Việt Nam là thành viên của APEC và là một nước nông nghiệp, nguồn vốn ODA đầu tư chiếm khoảng 40-50% tổng kinh phí đầu tư của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; trong đó phần lớn là nguồn vốn từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Hiện nay, APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Đây là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới) và chiếm 57% GDP của thế giới.
Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng.
Để vượt qua các rào cản đó, phát triển nông nghiệp bền vững tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là mối quan tâm chung, là trọng điểm và cần được tăng cường hợp tác sâu rộng của các nền kinh tế thành viên. Vì thế, trong các chương trình nghị sự cấp cao của APEC đều đề cập tới vấn đề an ninh lương thực.