Tử vong do ăn lợn "cắp nách" ốm

Liên quan đến vụ việc đầu tháng 7 có 16 người dân tộc Dao, cùng họ hàng ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) mổ con lợn "cắp nách" ốm, chế biến các món và cùng ăn. Sau đó đã có hai người tử vong và các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu mới xác định nghi do ngộ độc thực phẩm nhiễm khuẩn liên cầu lợn.


Ngày 16/7, trao đổi với bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, được biết sau 10 ngày, với hai lần lấy máu bệnh nhân xét nghiệm, nuôi cấy đúng quy trình nhưng các cơ quan chức năng chưa phát hiện vi khuẩn lạ trong máu bệnh nhân; không phát hiện thấy liên cầu khuẩn lợn.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang cho rằng: Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm không tìm thấy liên cầu khuẩn lợn là do khi lấy mẫu thì bệnh nhân đã được điều trị 3 - 5 ngày, nên kết quả xét nghiệm không hiệu quả, cần phải lấy mẫu trước thời điểm bệnh nhân dùng kháng sinh... Tuy vậy về lâm sàng thì 2 người tử vong do ngộ độc liên cầu khuẩn lợn.

Với hai trường hợp tử vong nêu trên, bác sỹ Đỗ Văn Giang cho rằng họ là những người trực tiếp mổ, chế biến món ăn từ lợn ốm, có thể bị xước chân, tay trong quá trình chế biến nên bị nặng nhất. Mặt khác, họ được đưa đến cơ sở y tế khi đã bị nhiễm độc nặng, cơ thể mất nước, mất muối, suy nhược tuần hoàn, kèm theo nhiễm độc về liên cầu trong máu, suy đa phủ tạng, suy gan suy thận.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang cũng khuyến cáo người dân không tổ chức giết, mổ trâu, bò, lợn... ốm; báo cho chính quyền, cơ quan thú y gần nhất. Đặc biệt khi thấy con lợn có biểu hiện xuất huyết, tai đỏ, mưng mủ tai thì tuyệt đối không được ăn, thông báo cho cơ quan thú y để xử lý đúng quy trình. Các hộ dân có con lợn phải tẩy uế, vệ sinh môi trường toàn diện... Các trường hợp đã ăn thịt lợn ốm, có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, sốt thì cần được đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Trước đó, ông Chu Văn Ban, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện chưa đủ cơ sở để xác định 2 nạn nhân có nhiễm khuẩn liên cầu lợn hay không. Đoàn công tác mới tạm kết luận bệnh nhân tử vong là nghi ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Kết quả chính xác phải chờ kết quả xét nghiệm nuôi cấy bệnh phẩm của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lai Châu trong 5 - 7 ngày tới.

Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Dân bức xúc vì ô nhiễm từ trại lợn đầu nguồn nước
Dân bức xúc vì ô nhiễm từ trại lợn đầu nguồn nước

Với quy mô trên 10.000 con, chất thải của trại lợn Yến Lợi xả thẳng ra suối khiến nước suối biến thành màu đen, gây hôi thối ô nhiễm ảnh hưởng đời sống người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN