Tự nguyện giúp học trò nghèo

Ở mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, hàng ngàn sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh về TP Hồ Chí Minh dự thi lại thấy ấm lòng hơn khi được nhiều gia đình ở đây bao bọc, lo cho miếng ăn, giấc ngủ để hoàn thành kì thi. Một trong những gia đình đó là gia đình cô Nguyễn Thị Huệ, ở 271 Bưng Ông Thoàn, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

 

“Trời không phụ lòng người”


Những câu chuyện, những kỉ niệm của cô Huệ về các thí sinh các tỉnh về nhà cô ở trọ trong mỗi kì thi giúp chúng tôi phần nào cảm nhận được những tình cảm của cô với những sĩ tử...


 

Căn nhà của cô Huệ đã dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị đón các sĩ tử về ở trọ.

 

“Năm nay là năm thứ 6 gia đình tôi cho các sĩ tử ở trọ miễn phí. Trung bình mỗi năm chúng tôi đón khoảng 100 thí sinh. Không chỉ cho thí sinh ở trọ miễn phí, gia đình còn bỏ tiền chuẩn bị 3 bữa ăn chu đáo hàng ngày cho các em. Bởi chúng tôi muốn các em có sức khỏe tốt để đi thi. Hiện, gia đình tôi đang tất bật dọn dẹp và sắp xếp lại nhà cửa để chuẩn bị đón các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn lên thành phố dự thi” - cô Huệ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.


Cô Huệ tâm sự, thời gian đầu cô phải tới từng bến xe dán thông báo cho thí sinh ở trọ, đến từng điểm thi đặt ghế ngồi chờ từng em, hỏi thông tin hoàn cảnh rồi chở các em về nhà mình. Hai năm đầu, cô dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để nấu nướng nhưng không có ai đến ở. Sau đó, bao nhiêu đồ ăn phải gói đem đi cho hết. Dù vậy, tôi vẫn không nản lòng. Năm sau đó, tôi lại tiếp tục công việc thiện nguyện này. Và rồi “trời đã không phụ lòng người” khi có rất nhiều thí sinh đến trọ ở nhà tôi. Điều đó khiến tôi rất vui vì cuối cùng mình cũng có thể giúp đỡ được nhiều thí sinh.


Kết thúc mỗi kỳ thi, niềm vui của cô Huệ là được chứng kiến các sĩ tử ở trọ nhà mình trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Với các thí sinh đến trọ, cô đều yêu cầu các em ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số báo danh các trường dự thi để khi có kết quả, cô sẽ gọi điện thoại báo cho các em.


“Phần lớn những thí sinh ở nhà tôi có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em ở vùng sâu, vùng xa nên không có điều kiện tiếp xúc với Internet để tra cứu điểm thi. Vì vậy, tôi thường lấy số báo danh của các em để xem điểm thi, sau đó gọi điện thoại về báo cho các em biết”, cô Huệ chia sẻ.

 

Niềm vui làm từ thiện


Sau 5 năm cho sĩ tử ở trọ miễn phí và bao ăn ở, cô Huệ có rất nhiều niềm vui. Nhờ vậy mà cô có thêm động lực để tiếp tục giúp đỡ các thí sinh nghèo trong những năm tiếp theo.


Cô Huệ kể, năm 2011, có một thí sinh đến ở trọ nhà cô để đi thi khối B. Trước đó, để có tiền đi thi khối A, em này dành dụm được 400.000 đồng từ công việc bắt chuột ở quê, nhưng lên thành phố 3 ngày, tiền ở trọ và tiền ăn đã hết 400.000 đồng. Để quay lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục thi khối B, em quay về quê bắt chuột kiếm tiền. Khi trở lại thành phố, em được giới thiệu đến nhà cô Huệ ở miễn phí. Vì vậy, số tiền dành dụm để đi thi khối B còn nguyên nên em có cơ hội đi thi thêm vào một trường cao đẳng...


Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ vào mùa thi cô lại đều đặn thuê xe ôm chở sĩ tử đến trường thi.


Làm từ thiện như một niềm vui, như một duyên nghiệp của người phụ nữ này. Từ năm 18 tuổi, cô Huệ đã tham gia công tác từ thiện và thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã ngoài 50 tuổi, cô vẫn xem việc làm từ thiện như một phần cuộc sống của mình.


Cô Huệ cho biết: “Tôi chứng kiến rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và tự đáy lòng tôi muốn giúp đỡ họ để họ vơi bớt khó khăn. Khi còn đi làm trong ngành nông nghiệp, tôi thường làm từ thiện ở ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, như quyên góp tiền để mở thư viện cho các thiếu nhi, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ nhỏ, cấp học bổng cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, trợ cấp tiền hàng tháng cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người tật nguyền...’.


Hiện nay, vừa chăm sóc mẹ già, cô vừa tranh thủ thời gian đi xin những miếng vải vụn ở các xưởng may gần nhà về thuê thợ may ghép thành những tấm chăn rồi đem gửi tặng các gia đình nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, cô đã gửi cho những người nghèo ở Quảng Ngãi khoảng 400 chiếc chăn.


Bài và ảnh: H. Tuyết - Đ.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN