Trung Quốc 'lặng lẽ' hiện diện tại Trung Đông

Thương vụ tên lửa “khủng” giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm cho lãnh đạo Mỹ, phương Tây và Nga bất ngờ, nhưng giới nghiên cứu quốc tế nhìn nhận đó là kết quả hợp lý trong bối cảnh Trung Quốc đang “lặng lẽ” tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.


Lời cảnh báo với Mỹ và phương Tây


Với một Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) đóng tại vùng Vịnh - có cả cụm tàu sân bay, nhiều tàu chiến và hàng loạt các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, các tiểu vương Quốc Arập thống nhất... Mỹ rõ ràng đang chiếm vị thế áp đảo về quân sự tại Trung Đông. Thế nhưng, không vì vậy mà Trung Quốc e dè tiếp cận khu vực có tầm quan trọng địa - chính trị nổi bật này.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định đặt mua. THX/TTXVN


Quan hệ kinh tế, chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước trong vùng đang phát triển nhanh chóng. Trao đổi thương mại hai chiều Trung Quốc - các nước Arập trong vùng hiện đạt 222 tỉ USD, gấp 12 lần so với năm 2002, vượt quá kim ngạch ngoại thương giữa Mỹ và Trung Đông - chỉ đạt 193 tỉ USD. Đáng chú ý, nếu như tổng trao đổi hàng hóa của Mỹ với khu vực này có đến 75% là dầu mỏ thì Trung Quốc đã có cách tiếp cận cân bằng hơn, với hơn 50% giá trị các giao dịch phi dầu lửa.


Trung Quốc cũng đã tạo dựng được nền tảng hiện diện quân sự cần thiết. Cùng với việc duy trì 3 tàu chiến làm nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden, tàu hải quân Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động giao lưu, thăm viếng tới nhiều nước Trung Đông. Trên lĩnh vực thương mại quân sự, Trung Quốc đã có bước tiến dài, từ chỗ chỉ xuất khẩu một số vũ khí hạng nhẹ, chuyển sang tìm kiếm các hợp đồng lớn, chuyên về các loại trang bị hiện đại. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 trị giá 3,5 tỉ USD từ tập đoàn Xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) là minh chứng rõ nét nhất.


Đánh giá về những động thái trên, Christina Lin, một chuyên gia nghiên cứu, từng làm việc tại Nhà Trắng cho rằng đó là một hồi chuông cảnh báo. Trung Quốc đang gây dựng ảnh hưởng lớn hơn tại Trung Đông và nước này cũng nhận được sự chào đón ngày một lớn từ các quốc gia trong vùng.


Tính toán của Trung Quốc


Giới phân tích nhận định: Lợi ích của Trung Quốc tại Trung Đông rất đa dạng, từ nguồn cung dầu lửa, đầu tư kinh tế cho đến hạn chế hoạt động của các nhóm thánh chiến có thể gây hại đến an ninh của Bắc Kinh, nhất là các tỉnh tây bắc có đông người Hồi giáo sinh sống.


Nhu cầu năng lượng bùng nổ được xem là một trong những động lực đưa Trung Quốc đến gần hơn các nước Trung Đông. Các tính toán mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ khu vực này sẽ tăng từ mức 2,9 triệu thùng/ngày năm 2011 lên 6,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035, chiếm 54% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Các tập đoàn dầu khí nhà nước lớn của Trung Quốc đã bám rễ chắc ở thị trường này, đưa Trung Quốc trở thành một trong những “người chơi lớn nhất” tại các nước như Iraq, Iran, Saudi Arabia.


Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở lĩnh vực quân sự, dầu mỏ mà còn vươn sang chiếm lĩnh các tuyến hạ tầng huyết mạch. Xây dựng các dự án hạ tầng được Trung Quốc xem trọng. Đó là việc Công ty cảng Cosco sở hữu một phần cảng container Port Said chiến lược của Ai Cập, là các dự án liên doanh xây dựng tuyến đường sắt nối Medina tới Mecca ở Saudi Arabia, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ tại Israel, là tuyến đường sắt Ankara - Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt dài hạn, Bắc Kinh còn tính đến việc hoàn thiện cung đường sắt từ Thổ Nhĩ Kỳ vươn tới các nước Trung Á, tạo ra tuyến vận chuyển hàng hóa tới châu Âu mà nhiều nhà phân tích cho rằng đó là “tuyến đường tơ lụa mới”.


Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia trong vùng cơ bản chào đón sự hiện diện của Trung Quốc. Một cuộc điều tra mới được Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố cho thấy: Các nước Trung Đông - ngoại trừ Israel, nhìn nhận Trung Quốc thiện cảm hơn Mỹ.



Hoài Thanh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN