Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận, đến nay diện tích cây cao su toàn tỉnh đã lên đến gần 35.000 ha. Huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh là hai địa phương trồng nhiều nhất. Ngoài ra, diện tích trồng cao su còn mở rộng đến các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Cao su đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông hộ ở miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thu hoạch mủ cao su ở Đức Linh (Bình Thuận). |
Tại huyện Tánh Linh và Đức Linh, năng suất mủ cao su bình quân đạt từ 1,5 đến 1,8 tấn/ha. Với giá bán 30 - 40 triệu đồng/tấn mủ nguyên liệu, sau khi trừ chi phí, người trồng cao su thu lãi khoảng 40 - 45 triệu đồng/ha. Thậm chí với những vườn cao su chưa được đầu tư đúng mức, năng suất cũng đạt từ 1,3 - 1,5 tấn/ha. Hai xã miền núi La Dạ và Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) cũng đã có 250/570 ha cao su cho thu hoạch. Thông qua chính sách trợ cước, trợ giá và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su... nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã này đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây cao su. Hộ ông K’Văn Thinh, dân tộc K’Ho ở xã Đông Giang có 2 ha cao su, mỗi năm thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác... Tương tự, nhiều hộ khác có diện tích cao su vào kỳ thu hoạch đã có thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhiều nông dân trồng cao su cho biết, do thời gian sinh trưởng của cây cao su dài, từ 6 - 7 năm mới cho khai thác, nên khi cao su chưa khép tán, nhiều hộ ở Hàm Tân, Hàm Thuận Nam đã trồng xen các loại cây ngắn ngày như bắp, dưa... không chỉ cải tạo đất, chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, mà còn có thêm thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/ha/vụ. “Lấy ngắn nuôi dài” để phát triển cây cao su ổn định, đó là hình thức canh tác của nông dân ít vốn, muốn đầu tư phát triển trồng cao su.
Những năm qua, diện tích trồng mới cây cao su ở Bình Thuận tăng nhanh, bình quân hơn 4.000 ha/năm. Trên địa bàn tỉnh đã có 13 cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su với công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn/năm, gồm 2 loại sản phẩm chủ yếu là mủ tờ và mủ cốm. Sản lượng mủ cao su xuất khẩu chính ngạch tăng từ 318 tấn năm 2005 lên 2.500 tấn vào năm 2011. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 8 triệu USD/năm.
Việc phát triển cây cao su không chỉ giúp khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng chục ngàn lao động ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết, Bình Thuận đang triển khai thực hiện Đề án về phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đến năm 2012. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng cao su theo đề án sẽ được hỗ trợ 100% công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; hỗ trợ 50% tiền giống và được vay vốn để trồng cao su tối đa không quá 2 ha/hộ cho đến kỳ thu hoạch. Tỉnh phấn đấu trong năm 2012, hoàn thành việc trồng mới 1.282 ha cao su tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: Tấn Hùng