Sau nhiều tháng căng thẳng tưởng như nổ tung, tình hình bán đảo Triều Tiên đang có những tín hiệu tích cực sau khi CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí trên nguyên tắc tổ chức các cuộc đối thoại chính thức giữa hai bên.
Han Jae-kwon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Hàn Quốc tại KCN Kaesong cười tươi sau khi nghe tin hai miền Triều Tiên nhất trí nối lại đàm phán ngày 6/6. Ảnh: Yonhap |
Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên ngày 6/6 đã bất ngờ đưa ra đề nghị “tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền miền Bắc và miền Nam về việc bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong cũng như việc nối lại tour du lịch tới núi Kumgang nhân kỷ niệm ngày ký Tuyên bố chung liên Triều 15/6”. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đề nghị tiến hành các sự kiện chung nhằm kỷ niệm 13 năm ký Tuyên bố chung liên Triều 15/6 và 41 năm ngày ký Tuyên bố chung về tái thống nhất hòa bình 4/7, với sự hiện diện của chính quyền hai bên. Phía Triều Tiên cho biết thời gian và địa điểm đối thoại “có thể sắp xếp để phù hợp với phía Hàn Quốc”.
Trong một phản ứng nhanh bất thường, Hàn Quốc ngay lập tức đã đề nghị Triều Tiên tổ chức một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng tại thủ đô Xơun vào ngày 12/6 tới, đồng thời hối thúc Triều Tiên từ ngày 7/6 mở lại các kênh liên lạc đã bị cắt đứt để phục vụ các cuộc thảo luận cấp chuyên viên. Trong một tuyên bố phát trên truyền hình, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae nói: “Tôi hy vọng đối thoại sẽ mang lại xung lực mới để Hàn Quốc và Triều Tiên cải thiện quan hệ trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau”.
Kênh truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) đã quyết định phát trực tiếp một số chương trình chọn lọc, gồm cả bản tin thời sự, trên trang Facebook của kênh này. Trong chương trình đầu tiên được phát sóng chiều 6/6 là hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đến thăm một cơ sở trồng nấm. |
Phản ứng trước những động thái tích cực trên, Trung Quốc đã bày tỏ sự “vui mừng và đánh giá cao” việc hai miền Triều Tiên đồng ý nối lại đối thoại. Các nhà phân tích cũng đánh giá cao bước phát triển mới này, song vẫn có những nhận định thận trọng. Giáo sư Yang Moo Jin thuộc trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên của Hàn Quốc nhận định: “Tôi nghĩ đây là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm giành lấy thế chủ động, song còn quá sớm để nói rằng đề nghị này có mang lại một cuộc đối thoại chân thành hay không”. Chuyên gia phân tích Paik Hak-Soon của Viện Nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc, lạc quan hơn đôi chút: “Lần này có sự thay đổi chiến lược trực tiếp từ phía Triều Tiên khi họ đẩy quả bóng sang phía sân Hàn Quốc. Tôi nghĩ đây là một cơ hội thực sự”.
Các cuộc tiếp xúc chính thức giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về cơ bản đã bị gián đoạn kể từ khi Xơun cáo buộc Bình Nhưỡng phóng ngư lôi vào tàu chiến của mình hồi tháng 3/2010 khiến toàn bộ 46 thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên đến đỉnh điểm hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, sau khi hai bên liên tục tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ cũng như có các hành động, tuyên bố cứng rắn, khiến dư luận cho rằng một cuộc chiến có thể xảy ra bất kỳ khi nào. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây tình hình đã trở lại “bình yên” trong bối cảnh cả hai bên dường như đang có những nỗ lực để tổ chức đối thoại.
Lê Hải (tổng hợp)