Là một huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất canh tác lúa nước ít, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có điểm xuất phát thấp… những yếu tố đó là một trở ngại lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Mông ở “vùng núi cao và mây mù” này còn nhiều hủ tục lạc hậu. Hủ tục tồn tại trong tộc người vùng cao nhiều đời một phần do điều kiện sống còn khó khăn, mặt khác do trình độ văn hóa còn nhiều hạn chế nên nó ám ảnh và bao phủ khắp các bản đồng bào sinh sống, đồng thời đó cũng là một tác nhân kìm hãm sự phát triển ở vùng cao này…
Từ việc bón cơm cho... người chết…
Chúng tôi tới bản Thào Sua Chải của huyện Mù Cang Chải vào một ngày trời ảm đạm. Trong căn nhà Hẳng A Pủa chót vót trên núi cao mọi người đang chuẩn bị bữa cơm cúng cho người quá cố - bà cụ Sùng Thị Mỷ tuổi cao, sức yếu vừa qua đời. Đối với đồng bào Mông ở đây thì dù có bận thế nào nhưng khi gia đình có việc đại sự như vậy thì tất cả con cháu gần xa đều phải có mặt. Vậy là chỉ còn một ngày cuối cùng nữa người nhà thay nhau vào bón cơm cho người chết.
Ông Trang A Củ bắt đầu “Làm lý” bên góc đường - nơi đứa cháu nội bị con ngựa đạp ngã. |
Đồng bào dân tộc Mông tại bản Thào Sua Chải quan niệm rằng trong 3 ngày đầu sau khi chết hồn của người ấy vẫn lảng vảng bên con cháu và đó chỉ là sự “ngủ” thể xác mà thôi. Để tỏ lòng tôn kính của các con cháu, khi cha mẹ, ông bà chết thì đặt thi hài xuống đất sát vách ở gian giữa hoặc trên chiếu; nhà nào văn minh hơn thì bên dưới trải một lớp tro bếp mỏng để nếu thi hài có chảy nước thì ngấm vào đó mà không gây mất vệ sinh.
Khi bước vào trong nhà Hẳng A Pủa, chúng tôi thấy người chết được đắp một manh chiếu nhỏ. Bên cạnh là bát cơm, bát canh và một chút thức ăn. Lần lượt từ con cả vào chắp tay cúi lạy và dùng một chiếc thìa bón cơm cho mẹ nhưng chỉ chạm thìa đến môi rồi thôi. Hàng ngày, đến bữa ăn họ thay nhau vào bón cơm cho người chết, cứ như thế sau 3 ngày mới đưa người quá cố đi chôn, cũng có gia đình chỉ để một, hai ngày tùy theo thầy cúng xem giờ, tốt xấu mà cho “nhập địa” (!)
Có lẽ vì quá quen với tập tục như vậy nên bà con rất bình thường, còn những người từ xa đến không ai dám đến gần. Đặc biệt nếu trước cổng bà con cắm cành lá xanh thì người lạ không được tới viếng thăm vì vậy không khí u uất càng trùm lên sự lạnh lẽo, ảm đạm. Lần ấy, biết được thông tin chúng tôi lên đường ngay. Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh người chết… ăn cơm mà chúng tôi rợn tóc gáy và bị ám ảnh mãi.
Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Vàng A Hào cho biết: “Việc bón cơm cho người chết tồn tại lâu lắm rồi. Các cụ già trăm tuổi còn không biết nó có từ khi nào. Mình thấy thế cũng không tốt vì người chết để lâu trong nhà sẽ không hay nhưng chẳng thể làm khác được. Đấy là chưa kể, mùa nóng những thi hài kiểu như thế khó tránh được giai đoạn đầu của quá trình phân hủy. Thực ra người chết thì có ai còn ăn được cơm, canh đâu, con cái, cháu chắt thay nhau bón lấy lệ cho ông bà, cha mẹ là để tỏ lòng tôn kính, trả công ơn, tình nghĩa cho họ thôi mà!”…
Đến quả trứng bắt ma!
Bản Tà Ghênh cách Thào Sua Chải một con suối nhỏ. Sau khi đứa cháu nội bị con ngựa đạp ngã, mặt đập úp xuống đất chảy máu và ốm liệt giường, không chịu ăn uống gì cả. Ông Trang A Củ bảo với con trai là Trang A Chứ: “Thế là con ma về bắt hồn cháu tao rồi, vợ chồng mày vào lấy cho tao một bát gạo, một que hương, một chiếc đũa, một quả trứng để tao làm lý cho!”.
Quả trứng bắt ma của ông Trang A Củ. |
Dẫn đường cho chúng tôi, Trưởng bản Giàng A Dê giải thích: “Đồng bào Mông ở đây quan niệm khi ai đó ốm nghĩa là bị con ma về bắt hồn vì vậy phải làm lý để cúng ma. Nếu ma đồng ý, ma sẽ báo ngay. Cách làm này bà con vẫn gọi là “làm lý”. Tùy theo người ốm nặng hay nhẹ mà làm lý to hay bé do thầy cúng hướng dẫn. Nhỏ thì quả trứng, con gà, lớn hơn còn phải có lợn nữa đấy! Nhà nào khi có người ốm cũng phải làm, không có tiền, gà, lợn, rượu thì vay nhau mà làm. Làm lý thôi mà, gọi là cái lý của người Mông đấy. Làm xong thì ma nhà mình về ăn, ăn xong rồi thì phù hộ cho người ốm hết bệnh. Quan niệm của dân tộc mình là như thế…!”.
Bên góc đường, ông Trang A Củ đang “làm lý”. Một đĩa gạo lưng lưng, phía trong cắm sẵn que hương đang cháy, bên cạnh là chiếc đũa cùng chén nước đầy. Ông Trang A Củ ngồi đúng vị trí nơi mà mấy hôm trước con ngựa đá vào lưng đứa cháu nội. Vì nó không ốm nặng nên ông không mời thầy mà tự mình lẩm nhẩm cúng. Vừa cúng vừa dùng tay đặt quả trứng gà dựng đứng trên vành chiếc bát, khi nào nó nằm im trên đó và không rơi xuống đất là được. Đặt lên, nó lại lăn xuống đất. Cứ đặt, đặt mãi, nếu hương cháy hết thì châm hương khác, nếu trời tối quá không rõ mặt người thì hoàng hôn hôm sau lại tiếp tục và hôm sau nữa…
và những trăn trở…
Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tà Ghênh, huyện Mù Cang Chải trăn trở: “Những hủ tục như trên thực ra vẫn còn tồn tại khá nhiều ở một số đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, chỉ có điều nó bộc lộ ít hay nhiều, mức độ quá lạc hậu hay đã có sự cải biến để dần xóa bỏ. Tất cả những hủ tục, tập tục lạc hậu đó đều gây ảnh hưởng tới đời sống, lao động sản xuất của bà con. Mặc dù điều đó vẫn ẩn chứa cái tinh tế được chắt lọc từ nhận thức như khi bón cơm cho người chết là để thể hiện lòng kính trọng đối với người quá cố hoặc khi “làm lý” mục đích cũng để giải tỏa tâm lý bức xúc. Tóm lại, bà con cũng có niềm tin tâm linh như khi người Kinh thắp hương cho ông bà, tổ tiên, chỉ có điều phương thức mà họ tiến hành chưa hoàn toàn phù hợp với thuần phong mỹ tục và những tiến bộ, văn minh như việc để người chết lâu trong nhà sẽ mất vệ sinh, “làm lý” to sẽ gây hao tiền, tốn của, mất thời gian và ảnh hưởng đến lao động sản xuất...”.
Chủ tịch UBND xã Tà Ghênh, Sùng A Sa chia sẻ: “Để thay đổi một phong tục, tập quán hay thói quen sinh hoạt là không đơn giản và cần phải có thời gian, tất cả còn phụ thuộc vào nhận thức của từng người đến cả cộng đồng. Những phong tục kể trên đã tồn tại nhiều đời, mặt khác do điều kiện sống còn khó khăn, do trình độ văn hóa còn chưa đồng đều nên nó ám ảnh và bao phủ khắp các bản đồng bào sinh sống. Tuy nhiên một số năm gần đây nhận thức của đồng bào Mông ở Tà Ghênh đã tiến bộ hơn. Hiện chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với mục đích xóa bỏ lạc hậu hướng tới văn minh. Điều đó cũng cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp các ngành, tiếp tục quan tâm, chăm lo đến đời sống của bà con. Khi ánh sáng văn minh đến thì tăm tối cũng tự nó mất đi thôi!...”.
Hoàng Linh