Trong một buổi lễ trang trọng với sự tham gia của 3.000 người tại Điện Kremlin ngày 7/5, ông Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 4/3. Như vậy, ông Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba kéo dài 6 năm tại Điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ liên tục từ năm 2000 đến 2008.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Tổng thống mãn nhiệm Dmitry Medvedev đã đọc lời từ, khẳng định trong 4 năm ông đảm đương trách nhiệm nguyên thủ quốc gia Nga, một trong những thành tựu nổi bật đạt được là công dân Nga đã tham gia tích cực và rộng rãi vào đời sống chính trị đất nước và chính quyền đã rộng mở hơn cho đối thoại và hợp tác. Ông nhấn mạnh việc Tổng thống đắc cử Putin nhậm chức là sự khởi đầu một giai đoạn phát triển mới và chúc tân Tổng thống Putin, người mà ông đánh giá là một chính khách có kinh nghiệm và mạnh mẽ, đồng thời được đa số dân chúng Nga ủng hộ, gặt hái được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trên con đường chấn hưng nước Nga.
Ông Vladimir Putin trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin ngày 7/5/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phần tiếp theo của buổi lễ, ông Putin đặt tay phải lên cuốn Hiến pháp Nga và tuyên thệ: "Để hoàn thành nhiệm vụ tổng thống Liên bang Nga, tôi cam kết tôn trọng, bảo vệ quyền lợi và tự do của mọi công dân, thực hiện và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và sự toàn vẹn của đất nước, phục vụ nhân dân trung thành".
Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin tuyên bố ông Putin là Tổng thống chính thức của Nga và quốc ca Nga được cử hành, cờ tổng thống được kéo lên trên nóc Phủ tổng thống và dàn đại bác bắn 30 phát chào mừng tân Tổng thống Putin.
Trong một bài phát biểu ngắn sau lễ nhậm chức, Tổng thống Putin tuyên bố: "Tôi sẽ làm mọi việc có thể để xứng với niềm tin của hàng triệu công dân. Tôi coi ý nghĩa của cả cuộc đời tôi là phục vụ đất nước và nhân dân". Theo ông Putin, nước Nga đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải quyết định các nhiệm vụ trên một quy mô, mức độ và chất lượng mới. Ông Putin cho rằng những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn quyết định đối với vận mệnh của nước Nga trong nhiều thập kỷ tới. Ông Putin khẳng định người dân Nga mong muốn một nước Nga thành công được thế giới tôn trọng, được coi là một đối tác tin cậy, trung thực, cởi mở.
Ông Putin cũng không quên ca ngợi Tổng thống mãn nhiệm Dmitry Medvedev và cho rằng ông Medvedev đã có công đảm bảo cho nước Nga tiếp tục phát triển.
Tổng thống Putin đã được người tiền nhiệm Medvedev trao lại chiếc va ly hạt nhân màu đen dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov. Chiếc va ly này cho phép Tổng tư lệnh Nga kiểm soát và đưa ra những mệnh lệnh liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Kết thúc buổi lễ, Trung đoàn cảnh vệ tổng thống đã đón chào tân Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin. Sau lễ nhậm chức, ông Putin và toàn bộ thành viên chính phủ Nga do ông làm Thủ tướng đã từ chức. Đồng thời, tân Tổng thống Putin đã đề cử ông Medvedev để Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga xem xét thông qua làm Thủ tướng mới trong phiên họp vào ngày 8/5.
Giới phân tích cho rằng ngay sau khi nhậm chức tổng thống, bên cạnh cải cách chính trị, ông Putin sẽ đề ra chính sách phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên - nguyên liệu thô với mục tiêu đến năm 2020, Nga có thể lọt vào nhóm 5 cường quốc kinh tế thế giới. Không chỉ chú trọng tới cải cách chính trị và hiện đại hóa nền kinh tế, ông Putin còn cam kết chi “mạnh tay” cho kế hoạch củng cố và hiện đại hóa quân đội. Dự kiến, trong thập kỷ tới, chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới trang bị cho quân đội nhằm đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội nước này.
Về chính sách đối ngoại, giới phân tích đều có chung nhận định rằng trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Putin, về cơ bản sẽ không có sự điều chỉnh lớn về chính sách đối ngoại so với những năm cầm quyền của người tiền nhiệm Dmitry Medvedev. Mátxcơva sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, độc lập, thực dụng trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, ủng hộ trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ). Mặc dù luôn có lập trường cứng rắn với phương Tây, đặc biệt là kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu, song giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin sẽ có một chính sách thực dụng và mềm dẻo hơn trong quan hệ với các nước phương Tây để tận dụng công nghệ và vốn nhằm phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)- TTG - Thùy Dương