Chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, thông báo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp, đồng thời lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
Đa số cử tri bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về hai đạo luật quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp sắp tới, đó là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều cử tri tiếp tục băn khoăn, lo lắng về hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc xử lý các vụ tham nhũng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, vẫn còn tình trạng giơ cao đánh khẽ, nhiều vụ xử án treo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thân đối với đời sống hàng ngày của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi và tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri về công tác xây dựng pháp luật; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; về chính sách đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng; tình trạng giá cả gia tăng, bảo đảm đầu ra cho nông sản...
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao. |
Trước sự quan tâm của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư chỉ rõ: Vừa rồi việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội là một bước tiến, nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, bước đầu được cử tri đánh giá có tác dụng tốt, cốt để răn đe, cảnh báo, ngăn chặn, giáo dục, cũng là góp phần phòng, chống tham nhũng... Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, vì đây là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa làm bao giờ; các nước là bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm, còn ta là lấy phiếu tín nhiệm... Việc này cần tiếp tục rút kinh nghiệm để có cách làm tốt hơn, có tác dụng tốt hơn. Nếu không cẩn thận thì người làm nhiều, vất vả lại phiếu thấp, như vậy vô hình trung khuyến khích người không làm hoặc ít làm, nên phải tính toán kỹ nhiều mặt.
Một số cử tri bày tỏ lo lắng trước tình trạng ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chiếm dụng đất, trong khi việc thực hiện chính sách đối với người dân bị thu hồi đất chưa tốt. Trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nếu có sai sót trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đối xử với dân chưa tốt thì cần sửa chữa, rút kinh nghiệm, nhưng việc thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn và cùng với nông nghiệp, vừa qua đã giúp kinh tế nước ta tương đối ổn định; làm sao để phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực xung quanh việc các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Về tình trạng tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm; khi đã có quyền mà không kiểm soát thì dễ sinh ra hư hỏng. Tham nhũng là một bệnh, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nhiều khi lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, hình thức chủ nghĩa... Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và các Nghị quyết của Đảng đang được tập trung thực hiện, chính là nhằm chống cho được lợi ích nhóm, hiện tượng cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm chống cho được nạn tham nhũng, bao gồm cả phòng và chống, bao gồm nhiều biện pháp, cả xây dựng luật, nghị định, các quy định, quy chế làm việc...; phải quản lý từ gốc và khi phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao.
Nguyễn Sự