Tôi vừa lơ mơ chợp mắt ngủ thì một bản nhạc điện tử vang lên giữa đêm khuya thanh vắng. Liền sau đó là mười hai tiếng chuông gõ nghe đến sốt ruột, lại còn thông báo đến hai lần “ Bây giờ là mười hai giờ, bây giờ là mười hai giờ” nữa chứ! Thế là đã nửa đêm. Suốt từ tối đến giờ bị cái quán bên cạnh tra tấn nhức hết cả óc, tôi không sao chợp mắt được. Mãi hơn mười một giờ đêm nó mới chịu im cho. Vừa chợp mắt một lát thì bị cái jimiko đánh thức. Đôi mắt tôi thao láo không sao mà ngủ lại được. Cứ tưởng đêm nay tôi được tự do, hoàn toàn yên tâm cho giấc ngủ, thế mà...
Từ ngày gia đình tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới mãi ở Sơn La, Tết này tôi mới có dịp về quê ăn tết. Tôi quá đỗi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của quê hương. Một nửa làng tôi, cái làng đồi trung du đầy sim, mua, lau lách ấy, bây giờ nhà cửa đã san sát. Cái cao cái thấp, cái thò cái thụt, cái cửa xếp, cái khung kính, cái mái thái, cái mái vòm... trông cứ lô nhô, lộn xộn, tưng tức cả mắt.
Làng tôi ngày xưa nghèo lắm. Đồi trọc lốc, chỉ có lúp xúp sim, mua. Ruộng toàn ruộng dộc, ruộng bềnh lầy thụt. Chúng tôi thường lùa trâu xuống bềnh cho chúng gặm cỏ rôm. Thụt đến tận bụng, chúng không đi lăng nhăng được, tha hồ bọn tôi chơi trận giả. Tôi lấy lá của một loại cây dán đầy áo làm ngụy trang rồi chui lủi vào bụi sim, bụi mua ẩn nấp. Mùa hè ăn sim no bụng, ăn mua tím hết cả môi. Lắm bận chui lủi dính tổ ong vàng bị chúng đốt sưng vù cả mắt. Mùa đông, chúng tôi chơi trò nhổ trộm sắn, lấy củi đốt sưởi ấm và nướng sắn, ăn đen sì hết cả mồm. Hoàng hôn xuống, đàn trâu con nào con ấy no lặc lè đủng đỉnh về xóm. Có phen mải chơi, nhá nhem tối mới nhớ về, nháo nhào theo tiếng mõ tìm trâu.
Lại bản nhạc nữa vang lên kèm theo một tiếng chuông. “Bây giờ là một giờ, bây giờ là một giờ”. Sau đó là sự im lặng. Im lặng đến lạ thường. Đêm tháng Giêng trong bốn bức tường này tôi cảm thấy như thiếu một cái gì ghê gớm lắm. Hơi thở mùa xuân ư? Có thể! Nào tôi có cảm nhận được nó đâu ngoài tiếng ro ro của cái máy điều hoà nhiệt độ! Còn gì nữa nhỉ? Vẫn thiếu một cái gì đó thân thương lắm. Boong! Tiếng chuông đồng hồ jimiko lại điểm. A, đúng rồi! Tiếng gà gáy! Đúng ra nó phải gáy từ lúc nửa đêm cơ. Rồi sau đó cứ theo canh mà gáy. Các cụ quê tôi ngày xưa nghe tiếng gà gáy đêm là biết được mấy giờ để mà sang canh, để mà dậy sớm đi cày... Thế mà bây giờ đã một rưỡi sáng rồi vẫn không thấy nó gáy. Hay là nó quên? Không thể như thế được. Đồng hồ sinh học cơ mà!
Lại một bản nhạc nữa vang lên kèm theo hai tiếng chuông. “Bây giờ là hai giờ, bây giờ là hai giờ”. Vẫn cái giọng thông báo đều đều vang lên từ bức tường trong căn phòng khách im ắng. Tôi bắt đầu đâm ra sờ sợ cái tiếng nói vô hình như ma xó nọ. Tôi cảm thấy trống trải cô đơn. Gà vẫn không gáy. Lạ thật! Ngày xưa trong căn nhà gỗ năm gian lợp lá cọ, nếu thức dậy vào lúc hai giờ sáng này thì tôi sẽ được nghe râm ran tiếng gà gáy. Con nọ nối tiếp con kia gáy xôn xao cả xóm.
Boong! Lại một tiếng chuông nữa điểm. Vẫn không thấy gà gáy. Không chịu nổi nữa, tôi vùng dậy lao lên sân thượng. Đêm tháng Giêng mênh mông. Trăng suông mờ mờ, ảo ảo. Trời đầy mây. Ấm áp quá. Thỉnh thoảng một làn gió nhẹ thổi qua làm tôi cảm thấy dễ chịu. Chẳng nghe thấy tiếng cóc nhái đâu cả. Phố đêm im lìm trong giấc ngủ. Chỉ còn những bóng đèn đường, đèn quảng cáo là vẫn thức. Những biển hiệu quảng cáo bằng đèn nêông trong hộp nhựa đủ màu. Restaurant, Đặc sản thịt chó, Sea food, Hương đêm, Queen hotel, Các kiểu trung tâm, dịch vụ... với tiếng Tây, tiếng Tàu đủ loại. Mới có mấy năm mà làng tôi thay đổi quá. Thế cũng mừng lắm chứ. Bất chợt, tôi nghe thấy văng vẳng tiếng gà gáy từ một nhóm nhỏ xa xôi nào đó vọng lại. Mơ hồ lắm. Nhưng đúng là tiếng gà gáy, không thể lẫn vào đâu được. Thế rồi, từ đó tiếng gà rộ lên. Tuy nhỏ lắm nhưng cũng râm ran lắm. Tôi lâng lâng. Có thế chứ. Cứ nằm mãi trong bốn bức tường thì nghe sao được tiếng gà gáy. Gà gáy dồn thế này là sắp sáng rồi đấy. Đợi một lúc dứt tiếng gà, tôi yên trí trở về phòng ngủ. Mệt quá, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong mơ, tôi thấy mình đang cùng lũ bạn ngày xưa chơi trận giả. Quanh gốc rơm mấy mẹ con đàn gà đang mải mê nhặt thóc. Chú trống choai ở đâu nhảy phóc lên đỉnh cây rơm, vỗ cánh phành phạch rồi cất cao tiếng gáy xem ra hãnh diện lắm. Ôi, tiếng gà gáy - niềm tự hào ngây thơ của tôi!
Trần Nhã My