Một trong những nét mới của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, diễn ra từ ngày 28 - 30/7, là lần đầu tiên giới thiệu Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham gia Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Hoàng Ngọc Thanh đã trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này.
Thưa ông, một trong những nét mới của Đại hội Công đoàn lần thứ XI là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn được giới thiệu tham gia BCH, ông có thể nói cụ thể về vấn đề này?
Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã có sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động của ngư dân và nghiệp đoàn nghề cá, bởi trong khi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, các ngư dân của ta đã bị tàu nước ngoài uy hiếp, đánh đập, cướp lưới... Chúng tôi thấy cần thiết phải tập hợp ngư dân lại trong một tổ chức, để tăng thêm sức mạnh, giúp ngư dân vững tin tham gia bám biển.
Sơ kết hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá, chúng tôi đánh giá đây là một mô hình nghiệp đoàn hiệu quả. Bà con ngư dân tham gia nghiệp đoàn thấy có tác dụng thiết thực như được cung cấp thông tin, tuyên truyền pháp luật, phổ biến chính sách, an ninh, an toàn trên biển; được thông báo ngư trường nào có nhiều cá, cũng như được hỗ trợ thiết bị Icom... Với những hiệu quả này, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải phát triển vững chắc Nghiệp đoàn nghề cá.
Ngư dân tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị cho chuyến thu mua trên biển. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Không chỉ được tổ chức Công đoàn TƯ đánh giá cao, mà ngay cả tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT,) Đảng và Nhà nước cũng ghi nhận hiệu quả hoạt động của Nghiệp đoàn. Vì vậy chúng tôi thấy cần thiết phải có Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở huyện đảo Lý Sơn tham gia BCH Tổng Liên đoàn Việt Nam; để thay mặt cho bà con ngư dân nói lên tiếng nói của mình. BCH Tổng Liên đoàn cùng với nghiệp đoàn ở cơ sở sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm cũng như công tác tổ chức để nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay đã có 8 tỉnh có nghiệp đoàn nghề cá.
Chúng tôi hy vọng với sự quan tâm của Tổng Liên đoàn, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, sắp tới đây nghiệp đoàn nghề cá sẽ không ngừng phát triển.
Nghiệp đoàn nghề cá hoạt động khác gì với công đoàn cấp cơ sở, thưa ông?
Nghiệp đoàn nghề cá là mô hình nghiệp đoàn cơ sở, nhưng đối tượng ở đây khác với công đoàn trong doanh nghiệp. Nghiệp đoàn này là nơi để ngư dân cùng chung chí hướng, chăm lo giúp đỡ lẫn nhau. Tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cùng nghiệp đoàn nghề cá chăm lo nghiệp đoàn viên và không có mối quan hệ lao động như doanh nghiệp. Mọi người vào nghiệp đoàn tự nguyện, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, và hoạt động có tổ chức, chứ không phải tự phát.
Để trở thành nghiệp đoàn viên cần đáp ứng yêu cầu gì, thưa ông?
Trước hết, nghiệp đoàn viên cần tôn trọng điều lệ công đoàn và tôn chỉ mục đích của nghiệp đoàn, có nghĩa vụ đóng góp đoàn phí với nghiệp đoàn. Nội dung hoạt động và mô hình tổ chức của Nghiệp đoàn được đề cập đến nhiều trong điều lệ của Công đoàn Việt Nam lần này và sắp tới cũng sẽ được thảo luận trong đại hội.
Công đoàn có phương hướng hoạt động như thế nào để thu hút nhiều hơn nghiệp đoàn viên?
Trước hết chúng tôi tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân và nghiệp đoàn viên đã vào nghiệp đoàn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia nghiệp đoàn. Tham gia nghiệp đoàn, ngư dân sẽ được chăm lo đầy đủ hơn, tốt hơn. Trên thực tế, nếu đi cả đoàn 10 tàu, 20 tàu cùng nhau, lại được hỗ trợ thông tin, dự trữ về nhiên liệu và nhiều mặt trong quá trình đó, thì hoạt động của ngư dân trên biển sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Hiện Tổng Liên đoàn Việt Nam có chương trình "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa". Thời gian qua, chúng tôi đã huy động được hơn 40 tỷ đồng ủng hộ cho ngư dân, trước hết là cho ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh đập, cướp lưới. Mới đây, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến tận nơi để trao quà cho ngư dân có tàu bị uy hiếp, cướp lưới. Lãnh đạo Liên đoàn cũng phân công nhau đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ một phần và thậm chí hỗ trợ toàn phần những trường hợp ngư dân bị thiệt hại về tàu, lưới, ngư cụ, thân thể...
Ông có đề cập tới chương trình "Tấm lưới nghĩa tình", tính đến nay chương trình đã hỗ trợ cho ngư dân ra sao?
Việc hỗ trợ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại do tàu nước ngoài gây ra. Về phương pháp, nếu tàu bị thiệt hại, bà con kê khai, có sự kiểm định của công đoàn cơ sở, xác nhận của chủ tịch công đoàn tỉnh nơi đó thì chúng tôi sẽ hỗ trợ 100% tiền sửa chữa tàu. Đó là phương châm đảm bảo công bằng, công tâm của việc hỗ trợ. Một số tàu hư hỏng, bị cướp và được hỗ trợ đúng mục đích.
Về lâu dài, chúng tôi huy động các nguồn lực để bảo hiểm tàu cho ngư dân và bảo hiểm cho ngư dân.
Xin cảm ơn ông!
X.C (ghi)
Chiều 25/7, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 12 là kỳ họp cuối cùng của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X). Hội nghị sẽ thống nhất những nội dung chuẩn bị cho Đại hội XI Công đoàn Việt Nam. Hiện nay, các công việc chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã cơ bản hoàn thành. Khiếu Tư |