Trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có rất nhiều thủy điện lớn, nhỏ. Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc phát triển thủy điện cũng để lại nhiều hậu quả về môi trường và xã hội. Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đi kiểm tra thủy điện An Khê - Ka Nat để nhìn nhận rõ hơn về thực tế phát triển thủy điện ở Tây Nguyên.
Bể nước sinh hoạt cho dân. |
Công trình thủy điện An Khê - Ka Nat được xây dựng trên dòng sông Ba thuộc địa bàn huyện K'Bang và thị xã An Khê (Gia Lai) có tổng công suất 173 MW, trong đó Cụm đầu mối K'Bang có 13 MW và Cụm đầu mối An Khê 160 MW. Công trình do Ban QLDA thủy điện 7 làm chủ đầu tư và được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2010, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 700 triệu KWh hòa vào mạng điện lưới quốc gia. Mặc dù hiệu quả công trình thủy điện này đã được khẳng định, song những ảnh hưởng đến đời sống dân sinh ở vùng hạ lưu sông Ba và vùng ngập lòng hồ là không nhỏ và đang được các cấp chính quyền địa phương và đơn vị chủ đầu tư tiếp tục giải quyết.
Hạ lưu cạn nước
Bức xúc nhất vẫn là dòng chảy trên sông Ba ở vùng hạ lưu của công trình bị cạn kiệt và nhất là vào mùa khô, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 3.000 hộ dân ở vùng thị xã An Khê dọc 2 bên bờ sông. Họ không còn bắt con tôm, con cá trên dòng sông để mưu sinh như trước đây nữa và cũng không còn dùng được nguồn nước sinh hoạt bởi nguồn nước bị đục ngàu trong mùa khô mà cả mùa mưa. Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Mặc dù phía chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt hệ thống xả nước trả lại cho dòng sông Ba với lưu lượng 4 m3/giây để phục vụ dân sinh song cũng không đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho dân. Qua điều tra cho thấy, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân từ nguồn nước từ sông Ba này lên đến 5.000 m3/ngày và sẽ còn nhiều hơn nữa trong những năm tới khi dân số và những nhu cầu sinh hoạt khác trên địa bàn lại tăng lên. Trong khi đó, do phát triển thủy điện, nguồn nước không những cạn kiệt mà chất lượng nước cũng kém hơn.
Ở địa bàn huyện K'bang "nóng" nhất là việc giải quyết đất sản xuất cho dân không kịp thời và gây nhiều bức xúc. Trong vùng ngập lòng hồ thủy điện có 1.160 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất, trong đó có 486 hộ phải di dời đến các khu tái định cư mới, tổng diện tích đất bị mất do thực hiện dự án là 3.340 ha, trong đó nhiều nhất là diện tích đất sản xuất nông nghiệp có hơn 2.000 ha. Về nơi ở mới bà con ở các khu tái định cư đều phấn khởi bởi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước, như về nhà ở được đầu tư làm kiên cố, cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm" cơ bản đầy đủ đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, bà con cũng "kém vui" do bố trí quỹ đất sản xuất không đủ để canh tác, hơn nữa trên mảnh đất mới bà con chưa có tập quán cải tạo để làm ra nhiều sản phẩm như canh tác trên đất cũ, do vậy đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Theo ông Võ Văn Phán - Phó Chủ tịch UBND huyện K'bang, kế hoạch cấp đất sản xuất cho dân tái định canh bình quân mỗi hộ là 1,4 ha nhưng đến nay cũng mới chỉ cấp được 1,1 ha, như vậy mỗi hộ còn thiếu 0,3 ha. Huyện đang cùng với Ban QLDA thủy điện 7 cố gắng tiếp tục tìm kiếm và giải quyết dứt điểm quỹ đất này cho dân vào cuối năm nay.
Đền bù thỏa đáng cho người dân
Từ những bức xúc của người dân từ "hậu" thuỷ điện An Khê - Ka Nat, mới đây (28/6) Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tỉnh Gia Lai tổ chức đợt kiểm tra thực tế và bàn bạc phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại, đảm bảo đời sống dân sinh ở các vùng tái định cư và vùng hạ lưu sông Ba. Ông Trần Việt Hùng - Phó ban Thường trực chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng những tồn tại và bức xúc của người dân sinh sống dọc theo 2 bên bờ sông Ba và các khu tái định cư là có cơ sở. Trước hết đề nghị ngành Điện lực Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành Trung ương xúc tiến kiểm tra lại chất lượng nguồn nước trên vùng hạ lưu sông Ba để có phương án xử lý, đồng thời xác định nguyên nhân nguồn nước có màu đục sau khi xả từ đập nước An Khê về. Rà soát và công bố dòng chảy tối thiểu trên dòng sông Ba để đảm bảo lưu lượng xả nước của công trình thích hợp, đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất của người dân sống dọc 2 bên bờ sông.
Ông Hùng cũng đề nghị chính quyền huyện K'Bang cần chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện An Khê - Ka Nat và Lâm trường bàn giao quỹ đất đã được quy hoạch trên diện tích 80 ha đất lâm nghiệp để cấp đất cho dân sản xuất theo định mức. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành chức năng sớm triển khai thực hiện 2 văn bản của Chính phủ về việc thu hồi 443,95 ha đất sản xuất nông nghiệp của các hộ tái định cư tại vị trí trên có ngập lòng hồ và bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, tránh phát sinh khiếu kiện; đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi đất dưới 30% diện tích.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, theo ông Hùng, cần xem xét lại các chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ cho người dân và nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số tồn tại khác tuy không lớn song các đơn vị có liên quan cần thiết ngồi lại với nhau để bàn bạc và giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, đảm bảo những lợi ích thiết thực cho người dân như kiểm tra và sửa chữa lại các bầu đập chứa nước tưới hiện đang có dấu hiệu rò rỉ, làm thêm 1 cầu dân sinh ở xã Cửu An (An Khê), nâng cấp và làm mới 2 km đường từ khu dân cư đến nơi sản xuất...
Bài và ảnh: Văn Thông