Thực tiễn và đào tạo chưa song hành

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu trao đổi với PV Tin Tức về những bất cập trong đào tạo nghề ở Lai Châu.

Sau 4 năm triển khai Đề án 1956 của Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi đến năm 2020, ông có đánh giá thế nào về công tác đào tạo nghề tại địa phương? 

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi nói chung và Lai Châu nói riêng trong mấy năm vừa rồi được triển khai rất tích cực. Nhưng tôi cho rằng hiệu quả chưa cao. Một là chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân. Quy hoạch phát triển cây con và sản phẩm chủ lực đã được xác định nhưng đào tạo nghề thì mang nặng tính mô hình thử nghiệm, mang tính phong trào. Sự phối hợp phân công giữa ngành chủ trì là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với ngành chưa được tốt.   

Trong khi đó, đào tạo nghề chưa thực sự xuất phát từ quy hoạch phát triển của từng địa phương. Ví dụ cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Lai Châu là cao su, chè, lúa chất lượng cao. Đây là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nhưng hiện đào tạo cho công nhân trồng và sản xuất cao su thì chưa có đơn vị nào mở. Hay chè được trồng rất nhiều nhưng lại không có lớp đào tạo mà người ta lại dạy cho nông dân những nghề khá viển vông như nuôi công, nuôi phượng, nuôi trĩ hay thậm chí là sửa chữa xe máy, cơ khí..., trong khi tỉnh có tới 90% là sống bằng nông nghiệp.  

Việc đào tạo nghề chưa thực sự xuất phát từ quy hoạch phát triển của từng địa phương. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN


Theo tính toán của tỉnh Lai Châu, trong giai đoạn 2012 - 2020, đào tạo nghề cho khoảng 52.000 lao động nông thôn, miền núi; trong đó hơn 38.000 người học nghề nông nghiệp, số còn lại học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%. Dù rất tích cực triển khai mấy năm qua nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn và còn nhiều bất cập. Thực tế này không chỉ xảy ra ở riêng địa bàn Lai Châu mà còn ở nhiều địa phương khác.

Hiện nay, lớp đào tạo nghề cao su chưa có, công ty cao su thì cần đến đâu mới tuyển dụng công nhân đào tạo đến đấy. Thế nên vừa rồi mới có chuyện hơn 200 ha cao su tiểu điền mà làm không nổi, đến lúc khai thác, tỉnh yêu cầu tổ chức đào tạo để người dân biết cách khai thác cạo mủ cao su nhưng cũng rất lúng túng. Hay như việc đào tạo dạy nghề chế biến rong giềng. Rong giềng thật ra cũng là một sản phẩm nhưng quy mô rất nhỏ hoặc làm lớn thì thị trường chưa có nên khó phát triển. Bất cập là từ thực tiễn và chương trình đào tạo chưa đi với nhau.

Số lượng được đào tạo nghề và tỷ lệ lao động sống được bằng nghề sau đào tạo có cao không, thưa ông?   

Hiện có khoảng 30% số lao động ở Lai Châu đã được tập huấn và đào tạo nghề song số lao động sống được từ nghề đã học khá ít. Họ gần như vẫn quay lại nghề cũ và lối sản xuất cũ. Nhưng điều này không thể trách người dân được. Vấn đề là phải hình thành được các nông trại, trang trại hoặc là các sản phẩm có giá trị cao, có chất xám chứ hiện vẫn mang tính tập quán tự nhiên.   

Trước tình hình này, theo ông cần làm gì để khắc phục những hạn chế trên?    

Vấn đề hiện nay là công tác tổ chức, sự phân công và định hướng cải cách quy hoạch trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và phải gắn với nhu cầu thực sự của người dân muốn học nghề để làm giàu cho chính mình hoặc là các doanh nghiệp đào tạo nghề cho công nhân của người ta. Có như vậy thì đào tạo nghề mới đi vào cuộc sống được.   

Về việc cần đào tạo hướng vào những sản phẩm chủ lực của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn và yêu cầu các địa phương khi triển khai tái cơ cấu cần có kế hoạch đào tạo nghề chi tiết, không chỉ đào tạo theo hình thức và buông lỏng như hiện nay.   

Theo tôi, đánh giá kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi không nên và không thể chỉ dựa trên số lượng người đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Ngay cả sinh viên được đào tạo chính quy, có bằng tốt nghiệp trong tay mà tỷ lệ làm được việc cũng không lớn thì nói gì đến một khóa đào tạo ngắn hạn, chỉ dăm bảy tháng. 
 
  Tôi cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành cho tới địa phương có lẽ phải tổ chức và phân công lại. Thay đổi phương pháp, gắn trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các sở thì mới được. Phải làm rất rõ cái này để khi có một chương trình của quốc gia, của Chính phủ đưa ra không có hiệu quả thì phải có một cơ quan chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được vấn đề. Chúng ta cũng nên cân nhắc để Đề án 1956 quy về một mối, trong đó chỉ rõ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, miền núi và các sở nông nghiệp phải có trách nhiệm đi tìm đối tượng học nghề. 

Xin cảm ơn ông !

Chưa phát huy được tiềm năng lao động

Trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng hoạt động dạy nghề chưa cao, số người được học nghề nhưng ứng dụng vào thực tiễn để phát huy được năng suất lao động, tạo mới việc làm còn chưa nhiều. Các nghề đào tạo mới tập trung chủ yếu là các nghề nông nghiệp, đào tạo nghề phi nông nghiệp còn nhỏ. Nhận thức của người dân chưa cao. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này còn dàn trải, phân tán. Quy định lao động nông thôn theo Đề án 1956 mỗi người chỉ được học một nghề; việc triển khai giáo trình dạy nghề cho lao động trên địa bàn hiện nay cũng theo hướng mỗi lớp đào tạo chỉ chuyên biệt một nghề. Cách thức đào tạo này chỉ phù hợp với hoạt động sản xuất đồng loạt, nhưng thực tại ở địa phương thì chưa thể làm như vậy mà người dân trên địa bàn huyện đa phần làm nông nghiệp, trong khi đó một người làm sản xuất nhiều cây, nhiều con cùng một thời điểm. Vì vậy hoạt động dạy nghề như hiện nay là chưa thúc đẩy cho người lao động có thể phát huy để nâng cao được chất lượng lao động. Đề nghị các bộ, ngành trung ương khi ban hành các chính sách cần có các văn bản hướng dẫn kịp thời, thống nhất. Đối với các chính sách mới hỗ trợ trực tiếp cho người dân, do nguồn kinh phí của các cơ quan được giao tự chủ từ đầu năm, cần bố trí kinh phí quản lý, triển khai để các cơ quan thuận tiện tổ chức thực hiện. Đối với các mục tiêu theo kế hoạch, cần bố trí đủ nguồn vốn. Cần xem xét có quy định hỗ trợ kinh phí thuê chỗ nghỉ, cho học viên theo học các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nơi xa nhà cần phải ở lại nhưng cơ sở dạy nghề không có phòng nghỉ. Tăng tiền công giảng dạy đối với giáo viên dạy nghề. Tăng biên chế giáo viên dạy nghề cho trung tâm. Bố trí đủ biên chế tuyển dụng người đảm bảo trình độ chuyên môn, chuyên môn phù hợp với định hướng các nghề đào tạo của trung tâm.

Ông Vàng A Cử, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông (Điện Biên)


Cần mô hình hiệu quả

Để mang lại hiệu quả mang tính chất lan tỏa, người khác nhìn vào đó thực hiện thì cần tổ chức học tập trung, có mô hình quy mô, không đào tạo tràn lan. Chỉ cần mở một lớp mà hiệu quả thì mọi người sẽ học theo. Hiện nay chủ yếu dào tạo nghề ngắn hạn cho đồng bào dân tộc thiểu số từ 2 - 3 tháng là quá ngắn. Để đảm bảo cơ cấu ngành nghề của địa phương giữa nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp vẫn cần đạo tạo nghề phi nông nghiệp. Năm 2014, Trung tâm đảm nhận đào tạo là nông nghiệp 58%, phi nông nghiệp là 42%. Đồng thời, cần tuyên truyền để thay đổi tập quán, nhận thức của bà con, không trông chờ, ỷ lại, tự giác làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Làm thế nào để có mô hình chuyên sâu, thời gian kéo dài để giúp các hộ có khả năng phát triển lên, từ đó nhân rộng mô hình, giúp các hộ khác.

Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách TT Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Than Uyên (Lai Châu) 

Hoàng Tùng  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN