Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran

Bế tắc đã được khai thông. Các bên tạm thở phào nhẹ nhõm. Đó là khi Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức) và Iran cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận mà báo chí gọi là “đột phá”, “lịch sử” về chương trình hạt nhân của Iran.


“Bước quan trọng đầu tiên”


Những hình ảnh tay bắt mặt mừng sau cuộc đàm phán ngày 24/11 tại Geneva là “trái ngọt” sau những căng thẳng trong bốn ngày đàm phán có lúc tưởng chừng như thất bại.

Các quan chức P5+1 vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận đột phá với Iran.


Theo thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Barack Obama coi là “bước quan trọng đầu tiên” trong quá trình đàm phán lâu dài, Iran đã chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Cụ thể là trong vòng sáu tháng, Iran sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kho urani đã được làm giàu ở mức độ tinh khiết 20% - gần mức độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran sẽ không tăng lượng urani làm giàu ở mức độ thấp, không lắp đặt thêm các máy ly tâm hoặc thiết bị cho lò phản ứng nước nặng Arak.


Ngoài ra, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ sẽ được quyền tiếp cận ở mức độ nhiều “chưa từng có tiền lệ” với một số cơ sở hạt nhân của Iran. IAEA và Nhóm P5+1 sẽ phối hợp trong một ủy ban chung để giám sát quá trình thực thi thỏa thuận của Iran.


Đổi lại, Iran sẽ có được khoảng 7 tỷ USD nhờ phương Tây giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, trong đó 4,2 tỷ USD là tiền bán dầu mỏ và 1,5 tỷ USD là doanh thu nhờ được giảm nhẹ trừng phạt trong lĩnh vực vận tải và kim loại quý. Hơn nữa, các nước cam kết không áp đặt biện pháp cấm vận mới trong vòng sáu tháng nếu Iran giữ vững thỏa thuận. Đây được coi là biện pháp giảm nhẹ trừng phạt “hạn chế, tạm thời, có mục đích và có thể đảo ngược”, trong khi vẫn giữ nguyên phần lớn các biện pháp trừng phạt khác trong lĩnh vực xuất khẩu dầu, tài chính, ngân hàng.


Trong vòng sáu tháng thực hiện thỏa thuận, Iran và Nhóm P5+1 sẽ thương lượng một giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm đảm bảo hoạt động hạt nhân của Iran sẽ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.


Người hoan hỉ, kẻ chau mày


Ngoài sự vui mừng thấy rõ của đại diện các nước tham gia đàm phán, người dân Iran cũng rất phấn khởi sau khi tin vui được loan đi từ Geneva. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định rằng đột phá đã được tạo ra nhờ người Iran đã bỏ phiếu cho đường lối ôn hòa và thỏa thuận này sẽ “mở ra những chân trời mới”. Ngoại trưởng Iran Zarif cũng mừng không kém, dù tỏ ra thận trọng khi nói rằng đây chỉ là bước đầu tiên.


Ngay trong ngày 24/11, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận tạm thời, đồng thời kêu gọi các nước liên quan làm mọi thứ có thể để bước tiếp, dựa trên sự khởi đầu có thể dẫn tới “một thỏa thuận mang tính lịch sử đối với các dân tộc cũng như các quốc gia ở Trung Đông và ngoài khu vực". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng nhận định giải quyết hiệu quả vấn đề sẽ tạo được những ảnh hưởng quan trọng với khu vực lẫn toàn cầu.


Trong số những nước sớm lên tiếng chúc mừng thỏa thuận giữa Nhóm P5+1 và Iran còn có Trung Quốc, Anh, Pháp, Syria, Nhật Bản...


Tuy nhiên, thỏa thuận được coi là “đột phá lịch sử này” khiến Israel khó chịu - một phản ứng được dự báo từ trước. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Đây là một thỏa thuận tồi. Nó đã trao cho Iran chính xác những gì mà nước này muốn - vừa được giảm nhẹ trừng phạt vừa duy trì được những phần quan trọng nhất trong chương trình hạt nhân”.


Dù phản ứng của các bên là gì thì nhiều chuyên gia vẫn nhận định sẽ còn nhiều khó khăn và để vòng đàm phán sắp tới đạt được một thỏa thuận lâu dài có thể gần như là nhiệm vụ bất khả thi.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN