Thỏa hiệp?

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc cảnh quan, trong đó cho phép kích thước tối thiểu của khu đất xây dựng nhà ở tại các khu vực mới mở với nhà liền kề (nhà phố) là 25 m2. Dù mới là dự thảo, nhưng đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, việc hợp thức hóa nhà ở liền kề diện tích 25 m2 sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gia tăng mật độ dân số cùng nhiều hệ lụy khác.

 

Như vậy, sau Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, một lần nữa, thêm một văn bản pháp quy (dù mới là dự thảo) của Bộ Xây dựng vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.


Rất nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị bày tỏ lo ngại, việc phân lô quá nhỏ không chỉ làm bộ mặt đô thị thêm méo mó, mà còn gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Quy định này tuy dễ cho nhà quản lý, cho các nhà giải phóng mặt bằng, nhưng bộ mặt đô thị sẽ khó mà tưởng tượng nổi. Chỉ nhìn ở hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thấy đại nạn của nhà siêu mỏng, siêu méo và tình trạng này không dễ khắc phục.

 

Nếu chấp nhận những căn nhà 25 m2, cũng có nghĩa thỏa hiệp với sự tồn tại của nhà siêu mỏng, siêu méo đang làm xấu cảnh quan. Bao năm nay, các địa phương đang nỗ lực quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan ở các đô thị lớn bằng những chế tài. Thế nên, Dự thảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc cảnh quan của Bộ Xây dựng chẳng khác nào một gáo nước lạnh giội vào nhiệt huyết của các địa phương. Nếu quy định này được ban hành, thì những thành quả trong quản lý đô thị của các địa phương có nguy cơ bị phá hỏng. Quy định hiện hành tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều nêu rõ, diện tích thửa đất được cấp sổ đỏ không nhỏ hơn 30 m2. Trong khi đó, dự thảo quy chuẩn của Bộ Xây dựng lại đặt vấn đề, cho phép khu đô thị được phân lô tối thiểu 25 m2 để xây nhà ở. Rõ ràng, đã bộc lộ sự tréo ngoe trong việc xây dựng văn bản quy phạm phápluật; hay nói cách khác, cho thấy thiếu sự phối hợp trong việc soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật giữa ngành chủ quan và chính quyền địa phương. Đó là chưa kể, một số nội dung trong dự thảo của Bộ Xây dựng còn mâu thuẫn với quy định của Luật Đất đai. Theo các quy định hiện hành của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, các quy định của cấp tỉnh, thành phố, không có điều khoản nào cho phép xây dựng nhà trên diện tích đất 25 m2.


Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang hết sức lúng túng trong việc giải quyết hậu quả của nhà siêu mỏng, siêu méo. “Nợ” cũ chưa khắc phục xong, thì “nợ” mới lại ập tới. Hầu hết các tuyến đường mới mở ở Thủ đô tiếp tục lòi ra vài chục căn nhà thuộc hàng siêu mỏng, siêu méo nhìn đến nhức mắt. Những căn nhà như thế đang làm phố phường biến dạng và ngân sách nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản không nhỏ để khắc phục hậu quả. Cứ hình dung, nếu dự thảo của Bộ Xây dựng được chấp thuận, người ta sẽ thi nhau tách thửa, tách đất (chỉ cần đủ 25 m2) và những ngôi nhà tí hon chi chít mọc lên, thử hỏi bộ mặt đô thị sẽ như thế nào?


Không chỉ cảnh báo về nhà “siêu mỏng, siêu méo”, một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là việc gia tăng mật độ dân số. Minh chứng, trong các khu phố cổ, cũ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng dân số phát triển không tương ứng với diện tích nhà ở, cơ sở hạ tầng, khiến chất lượng sống của cư dân đang ở mức báo động. Đây là bài học cần sớm khắc phục. Vì vậy, không thể đặt vấn đề phát triển nhà liền kề diện tích 25 m2 tại các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch; mà phải căn cứ vào thực tế của từng địa phương, từng khu vực để có những giải pháp điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN