Quỹ môi trường toàn cầu (chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam) hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng dự án bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của dân tộc Chăm tại Ninh Thuận.
Theo lộ trình, dự án được khởi động vào tháng 3/2010 và sẽ hoàn thành vào đầu năm 2012.
Thế nhưng đến nay dự án phải "bỏ ngỏ" do không có đất để thực hiện. Ông Thập Tấn - Chủ tịch Hội Đông y xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải cho biết: Thấy được lợi ích của dự án, bước đầu dự án thu hút được nhiều hộ đồng bào hành nghề thuốc gia truyền ở các thôn Phước Nhơn và An Nhơn thuộc xã Xuân Hải tích cực tham gia; đồng thời cùng với Hội Đông y cơ sở chủ động tìm kiếm các loại cây thuốc quý trong bài thuốc truyền thống của gia đình về trồng tại vườn nhà.
Một số cây thuốc Nam quý hiếm được ươm, chất đống tại vườn đang bị chết yểu. Ảnh: Công Thử |
Hội Đông y địa phương cũng đã xây dựng vườn ươm giống nhiều loại cây thuốc Nam quý hiếm tại thôn An Nhơn, xã Xuân Hải và đã triển khai cho 30 hộ dân trồng thử nghiệm cây thuốc tại vườn hộ gia đình nhằm bảo tồn loại cây thuốc Nam quý hiếm.
Nhưng chỉ vì thiếu đất, dự án rơi vào bế tắc nên nhiều hộ dân nơi đây đã không còn mặn mà đến việc ươm trồng một số dược liệu tại gia đình. Và mọi việc trở lại như cũ, đó là tình trạng người dân khai thác tận gốc các loại dược liệu quý hiếm ở khắp mọi nơi trong tỉnh để bán cho các đại lý cũng như chế biến thuốc.
Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, để tìm kế sinh nhai, mỗi ngày cộng đồng người Chăm sinh sống bằng nghề gia truyền ở các địa phương trong tỉnh phải đi tìm kiếm, khai thác nhiều thứ thuốc khác nhau ở mọi nơi để bán cho các đại lý thu mua.
Các đại lý này tiêu thụ khoảng 1 tấn thuốc khô mỗi ngày, tương đương với vài chục tấn dược liệu tươi. Bởi lẽ đó, các loại cây thuốc Nam mọc ngoài tự nhiên đang có nguy cơ bị cạn kiệt, kéo theo nghề thuốc Nam truyền thống của dân tộc Chăm cũng đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Việc nghiên cứu, bảo tồn các loại cây thuốc và bài thuốc Nam của đồng bào Chăm trong tỉnh là một việc làm cấp thiết.
Bởi vậy, Quỹ môi trường toàn cầu cũng như tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án và Hội Đông y tỉnh cũng xin được cấp đất để thực hiện dự án xây dựng làng nghề thuốc Nam của đồng bào Chăm tại xã Xuân Hải. Khu đất được UBND xã Xuân Hải lựa chọn và các ngành đã khảo sát thực tế để đề nghị UBND tỉnh xem xét, giao cho Hội Đông y tỉnh xây dựng vườn ươm bảo tồn cây thuốc Nam là đất công ích của xã, tại đồng cây trôm thôn An Nhơn khoảng 1 ha, hiện cho thuê sử dụng vào mục đích trồng lúa nước.
Đây là vị trí rất thuận lợi cho việc trồng cây thuốc Nam để tiến đến xây dựng làng nghề và thương hiệu thuốc Nam người Chăm gắn với phát triển du lịch ở xã Xuân Hải, được người dân cũng như chính quyền xã và huyện Ninh Hải đồng tình ủng hộ. Thế nhưng do khu đất này là đất trồng lúa nước 3 vụ/năm, nên UBND tỉnh không chấp nhận để dự án được thực hiện. Ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đất được Hội Đông y tỉnh chọn là đất nông nghiệp, chuyên trồng lúa nước, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc chuyển khu đất trên để thực hiện dự án là trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/4/2008. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị Hội Đông y tỉnh liên hệ với địa phương khảo sát, chọn vị trí khác phù hợp để các sở, ngành xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết.
Ông Trần Ngọc Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải cho rằng: Thực tế cho thấy, đã qua nhiều lần khảo sát, tại 4 thôn của xã Xuân Hải đã không còn quỹ đất để xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc Nam phù hợp với dự án bảo tồn cây thuốc Nam người Chăm đã được UBND tỉnh tuyên bố khởi động. Đến giờ, dự án vẫn bế tắc, không có hướng giải quyết.
Theo các thành viên trong Ban dự án, chỉ còn 1 năm nữa thôi, nếu dự án bảo tồn cây thuốc Nam, tiến đến xây dựng làng nghề và thương hiệu thuốc Nam người Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải không thực hiện đúng tiến độ, nguồn vốn hỗ trợ có nguy cơ bị rút lại. Và tất nhiên việc bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào gắn với bảo vệ nguồn gen của các loại dược liệu quý hiếm sẽ gặp vô vàn khó khăn trong mai sau.
Công Thử